Nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro thẻ trong kỷ nguyên số

|

NDO - Trước tình hình rủi ro gian lận thẻ có xu hướng gia tăng, nhiều ý kiến kiến nghị cần tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Chi Hội thẻ, các tổ chức thẻ quốc tế, Napas và các ngân hàng thương mại để góp phần nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro thẻ.

Phát biểu khai mạc hội thảo “Quản trị rủi ro thẻ trong kỷ nguyên số” do Chi hội Thẻ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 8/9 tại Hà Nội, ông Lê Hồng Phúc, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, kỷ nguyên số đã và đang mang tới những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp nói chung và các ngân hàng nói riêng, tạo ra các mô hình kinh doanh lớn với những giá trị mới đem lại cho khách hàng và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Ngân hàng Lê Hồng Phúc phát biểu khai mạc hội thảo

“Trước tình hình tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi và hiện đại trong bối cảnh các ngân hàng đang nỗ lực số hóa, Chi Hội thẻ tổ chức hội thảo với chủ đề “Quản trị rủi ro trong kỷ nguyên số”, để tạo cơ hội cho các hội viên cùng cập nhật, nhận diện các xu hướng rủi ro hiện tại cũng như thảo luận các phương thức phòng chống”, ông Lê Hồng Phúc chia sẻ.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay, cả nước có hơn 21.000 ATM, 83 ngân hàng triển khai Internet Banking, 50 ngân hàng triển khai Mobile Banking, hơn100.000 điểm thanh toán QR, hơn 462.000 điểm POS, 50 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…

So cùng kỳ năm 2022, 8 tháng năm 2023, giao dịch qua Internet tăng 76% về số lượng và 1,79% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị; giao dịch qua mobile tăng 65% về số lượng và 77% về giá trị; doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử đạt 20,5 tỷ USD; giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 4% về số lượng và giảm 6% về giá trị… Qua đó góp phần thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Tin liên quan
Chuyển động thanh toán điện tử trong kỷ nguyên số

Tuy nhiên, với sự cạnh tranh trên thị trường gia tăng, hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng đối mặt với các rủi ro phát sinh tương ứng với xu hướng thị trường, có thể kể đến như: tội phạm công nghệ cao tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật để lấy thông tin khách hàng; khách hàng cố tình trục lợi hoặc lợi dụng các chính sách của ngân hàng; tình trạng thanh toán khống,… đang gia tăng.

Chia sẻ về công tác phòng chống tội phạm công nghệ cao trong hoạt động thanh toán thẻ, ông Cao Việt Hùng, Phó Trưởng phòng, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, thời gian vừa qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, có xu hướng thay đổi về phương thức, thủ đoạn, tập trung vào một số tội phạm: vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán thẻ; tấn công, khai thác lỗ hổng bảo mật; sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay nặng lãi qua các ứng dụng; sử dụng thiết bị giả trạm BTS…

Ông Cao Việt Hùng, Phó Trưởng phòng, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an.

Các thủ đoạn lừa đảo phổ biến của các đối tượng tội phạm này là: giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, thuế, bảo hiểm xã hội yêu cầu người bị hại cài đặt các ứng dụng (App) giả mạo trên điện thoại, âm thầm kiểm soát điện thoại, thực hiện giao dịch chuyển tiền chiếm đoạt; tuyển cộng tác viên bán hàng online, người mẫu nhí, làm nhiệm vụ đơn hàng, kêu gọi đầu tư chứng khoán,... sau khi người bị hại chuyển tiền các đối tượng chiếm đoạt, thông qua tiền ảo chuyển ra nước ngoài; lập website, giả mạo nhân viên các ngân hàng, công ty tài chính đăng bài quảng cáo cho vay thủ tục nhanh, gọn, yêu cầu nộp các loại phí để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, một số thủ đoạn mới được các đối tượng tội phạm sử dụng gần đây có thể kể đến như: sử dụng công nghệ AI (Deepfake) để giả mạo khuôn mặt, giọng nói (Deepvoice) liên hệ người người thân, bạn bè chuyển tiền; giả mạo dịch vụ lấy lại tiền đã bị lừa đảo; lập doanh nghiệp “ma”, mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền đầu tư chứng khoán, Forex,...

“Dự báo trong thời gian tới hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phát triển, có xu hướng lợi dụng các thành tựu khoa học, công nghệ như Deepfake, Deepvoice để thực hiện hành vi phạm tội. Các ngân hàng và khách hàng của ngân hàng tiếp tục là mục tiêu của tội phạm”, ông Cao Việt Hùng cho biết thêm.

Giải pháp để nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro thẻ

Tại hội thảo, bà Nguyễn Ngọc Duyên, Phó phòng kinh doanh MK Smart đã giới thiệu giải pháp xác thực, định danh khách hàng sử dụng Căn cước công dân gắn chip, với các tính năng có thể kể đến như: xác thực-Định danh khách hàng trên nền tảng thẻ căn cước công dân gắn chip, xác minh thẻ thật giả qua việc kiểm tra chữ ký số của Bộ Công an; Xác minh vân tay/khuôn mặt sống và đối sánh trực tiếp trên chip của thẻ với công nghệ Match-on-Card (MoC); hỗ trợ đa dạng kênh xác thực (tại quầy, ATM/Kiosk/AutoBank và qua ứng dụng di động)…. Với giải pháp này, bà Nguyễn Ngọc Duyên tin rằng có thể hỗ trợ tốt cho ngành ngân hàng trước những rủi ro đang phải đối mặt.

Chia sẻ thêm về những kinh nghiệm quốc tế, ông Kelvin Utomo, Giám đốc Sản phẩm và giải pháp, Visa tại Việt Nam và Lào cho rằng, để bảo đảm an toàn thanh toán trong kỷ nguyên số, các tổ chức tín dụng nên tăng cường sử dụng các giải pháp như: Tokenization, sử dụng công nghệ cao như: 3D-Secure, AI, trang bị kiến thức cho người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, để tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán, ông Phạm Trường Giang, Phụ trách Phòng phát triển thanh toán Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 19, trong đó có một số quy định như: xây dựng bộ tiêu chí nhận diện các chủ thẻ có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo; áp dụng giải pháp công nghệ nhận diện, phát hiện hành vi bất thường, rủi ro cao trong sử dụng thẻ; có biện pháp xác minh, thẩm định, quản lý, giám sát đơn vị chấp nhận thanh toán...