Cây làm giàu ở Bắc Cạn

|

Những năm qua, tỉnh Bắc Cạn ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng cây hồng không hạt, hình thành vùng canh tác hàng hóa. Sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, trở thành đặc sản, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Hình thành vùng chuyên canh

Nói tới cây hồng không hạt Bắc Cạn phải nhắc đến xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Nơi đây, vẫn còn những cây hồng cổ thụ hàng trăm năm tuổi sai quả. Men theo đường vòng bên hồ Ba Bể, chúng tôi vượt lên đỉnh Khưa Dầy, thôn Nà Chom, xã Quảng Khê. Trên đỉnh núi cao, hiện ra trước mắt là vườn hồng 400 gốc của ông Lường Văn Hồ. Ông Hồ giới thiệu cho chúng tôi cây hồng già nhất trong vườn với tuổi đời hơn 30 năm. Gốc cây xù xì, rêu mốc nhưng tán lá vẫn xanh và quả đều tăm tắp.

Ông Hồ cho biết: Những năm 70 của thế kỷ 20, không có ruộng, cho nên tôi lên đỉnh Khưa Dầy khai phá trồng ngô, tính kế thoát nghèo. Gia đình tôi trồng vài cây hồng không hạt với mục đích ăn quả. Nhưng sau, quả hồng bán được giá cao, tôi bỏ trồng ngô, chuyển sang tập trung chuyên canh hồng không hạt. Ðến giờ, những cây hồng không hạt của gia đình, phần lớn đã cho quả. Bình quân mỗi vụ, thu nhập hơn 200 triệu đồng, giúp gia đình thoát nghèo nuôi các con ăn học và xây dựng nhà kiên cố.

Ở Quảng Khê, trước đây, đất ruộng ít, đất đồi nương chỉ toàn cây bụi, cằn cỗi, nhờ cây hồng không hạt mà xã có nhiều đổi thay. Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Khê Triệu Văn Thế cho biết, xã hiện có hơn 30 ha hồng không hạt, mỗi héc-ta trồng khoảng 400 cây, giá bán từ 20 nghìn đồng/kg quả trở lên, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Nhiều hộ ở Nà Chom đã đạt được mức thu nêu trên, như gia đình các ông Lường Văn Hồ, Lý Văn Sướng, Ðồng Văn Lợi… Ðến nay, nhiều gia đình trong xã đã vay khoảng sáu tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng diện tích.

Thôn Bản Lác, xã Quảng Bạch có 4 ha hồng cho thu hoạch, mỗi vụ, bản người Tày này thu cả tỷ đồng. Xã Quảng Bạch hiện có hơn 30 ha hồng không hạt, phần lớn đã cho thu hoạch, trở thành cây làm giàu cho các hộ nông dân.

Từ việc duy trì giống hồng địa phương gần 100 năm qua cùng chất lượng bảo đảm, hồng không hạt Bắc Cạn được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2010. Tỉnh chọn 44 cây đầu dòng, xây dựng vườn ươm, hằng năm, cung cấp khoảng 20 nghìn cây giống tốt; xây dựng hơn 30 ha mô hình thâm canh hồng. Từ năm 2010 đến 2015, toàn tỉnh trồng mới hơn 550 ha, nâng tổng diện tích lên gần 830 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 450 ha, năng suất bình quân đạt 42 tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.850 tấn/năm, giá trị kinh tế đạt hơn 300 tỷ đồng/năm.

Nâng cao chất lượng

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Cạn, hồng không hạt Bắc Cạn có vị ngọt đặc trưng, có chỉ dẫn địa lý bảo hộ. Tuy nhiên, việc trồng, chăm sóc cây còn manh mún, chưa đúng kỹ thuật, nhiều diện tích bị già cỗi, thoái hóa.

Ðể hình thành vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, Bắc Cạn chỉ đạo các huyện tăng cường cải tạo, trồng bổ sung, thâm canh hồng không hạt tại các huyện Chợ Ðồn, Ba Bể và Ngân Sơn, trong đó xây dựng 50 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kỹ thuật thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ, các ngành chuyên môn để đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng của số cây già cỗi. Tỉnh hỗ trợ các mô hình trồng diện tích lớn với số tiền 20 triệu đồng/ha để ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng trong 24 tháng, mức vay 30 triệu đồng/ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể Lưu Quốc Trung cho biết, xác định hồng không hạt là cây thế mạnh của địa phương, Ba Bể chỉ đạo sử dụng các nguồn vốn 30a, 135 hỗ trợ cây giống bảo đảm chất lượng cho người dân. Huyện phối hợp Trung tâm nghiên cứu Ðất và Phân bón vùng trung du triển khai thử nghiệm áp dụng biện pháp thâm canh tổng hợp cho cây hồng không hạt hơn 10 năm tuổi. Nhờ đó, giảm tỷ lệ rụng quả từ 39,5% xuống còn 19%; giảm số cây ra quả cách năm từ 28% xuống còn 21%; quả to đều, đẹp, năng suất tăng từ 3,71 tấn/ha lên 5,19 tấn/ha. Từ kết quả này, huyện tập trung nhân rộng kỹ thuật, phấn đấu cải tạo hơn 80 ha cây hồng lâu năm, chăm sóc gần 160 ha cây trồng mới, phấn đấu đến năm 2020 có 500 ha hồng không hạt.

Bắc Cạn thực hiện các giải pháp bảo vệ chỉ dẫn địa lý, xúc tiến quảng bá để đưa sản phẩm hồng không hạt đi tiêu thụ. Hợp tác xã Tân Phong, ở xã Quảng Bạch, huyện Chợ Ðồn là hợp tác xã đầu tiên ở tỉnh chuyên canh cây hồng không hạt theo quy trình VietGAP trên diện tích hơn 3 ha. Áp dụng đúng kỹ thuật, cây phát triển tốt, cho quả đồng đều về mẫu mã, chất lượng, mỗi vụ thu hơn 58 tấn quả.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Cạn Nguyễn Ngọc Cương cho biết, tỉnh triển khai cải tạo 2 ha vườn cây giống đầu dòng, lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật để đầu tư thâm canh, cải tạo 500 ha hồng thành vùng hàng hóa ở Chợ Ðồn, Ba Bể và Ngân Sơn. Hỗ trợ toàn bộ kinh phí cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm đăng ký vùng nguyên liệu, ký cam kết tiêu thụ sản phẩm trực tiếp với người sản xuất, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất để sớm đưa cây hồng không hạt thành cây ăn quả chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.