Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, cuối năm 2012, tỉnh Trà Vinh thành lập Trường trung cấp nghề Dân tộc nội trú, trên nền cơ sở vật chất của Trung tâm dạy nghề huyện nghèo Trà Cú, trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh. Thạc sĩ Trần Lợi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau một năm chuẩn bị và tuyển sinh, đầu năm 2014, trường mới chính thức đi vào đào tạo. Với đội ngũ 28 cán bộ quản lý và giáo viên, nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo ba cấp độ nghề: Trung cấp nghề hai năm đối với học sinh đã tốt nghiệp THPT và ba năm đối với học sinh tốt nghiệp THCS; sơ cấp nghề hơn ba tháng và đào tạo nghề dưới ba tháng. Qua bốn năm, nhà trường đã mở 48 lớp trình độ trung cấp nghề, với hơn 970 học viên theo học các ngành: Bảo vệ thực vật, thú y, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp và tin học văn phòng; 59 lớp nghề trình độ sơ cấp và học nghề dưới ba tháng, với gần 1.470 học viên theo học 11 nghề có nhu cầu thiết thực tại địa phương như: kỹ thuật xây dựng, nuôi và phòng trị bệnh gia súc, trồng lúa năng suất cao, sửa chữa máy nổ nông nghiệp, hàn điện khí... được nhiều người quan tâm theo học. Do phần lớn học sinh đầu vào từ THCS, phải học chương trình ba năm, đến nay chỉ mới có gần 40 em học trung cấp nghề tốt nghiệp ra trường, với ba nghề: bảo vệ thực vật, thú y và cắt gọt kim loại. Hầu hết các em đều được bố trí việc làm tại địa phương, hoặc tìm được việc làm ổn định tại các công ty trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện mục tiêu của Trường nghề Dân tộc nội trú tỉnh Trà Vinh, ban lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm việc rà soát đối tượng theo học để các em được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của nhà nước, góp phần giúp gia đình, các học viên giảm bớt gánh nặng chi phí học tập. Nhờ đó, việc tuyển sinh cũng được thuận lợi hơn. Theo thầy giáo Nhan Thành Hiệp, Trưởng Phòng đào tạo, khó khăn nhất của nhà trường hiện nay là ký túc xá cho học viên. Dù có tên gọi “nội trú”, nhưng sau 5 năm, trường vẫn chưa được đầu tư xây dựng ký túc xá, chưa thành lập Ban quản lý ký túc xá. Do đó, trường phải liên kết với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của tỉnh để tuyển sinh và mở lớp tại các huyện, thị xã, thành phố là chủ yếu. Hiện tại, trường có gần 380 học sinh trung cấp nghề. Số học sinh đang học tại các trung tâm là hơn 210; học tại trường là hơn 160 em, nhưng trường cũng chỉ sắp xếp, bố trí được chỗ ở nội trú cho hơn 60 em có nhu cầu bức thiết nhất bằng các căn nhà tạm.
Nói về thực hiện chính sách ưu đãi cho học sinh dân tộc Khmer, thầy giáo Nguyễn Văn Nghĩa, Trưởng Phòng công tác sinh viên Trường cao đẳng nghề Trà Vinh cho rằng, trường luôn quan tâm tạo điều kiện để các em được hưởng quyền lợi cao nhất. Cụ thể, đối với 30 sinh viên người Khmer nội trú, trong năm 2017, tổng số tiền các em được hưởng (theo Thông tư số 65/2006/TTLT-BTC-BLÐTBXH và theo Quyết định số 53/2015/QÐ-TTg) lên tới hơn 406 triệu đồng. Về chính sách miễn, giảm học phí, 134 sinh viên người Khmer được miễn giảm học phí năm 2017 với số tiền hơn 374 triệu đồng.
Trưởng Phòng dạy nghề Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Trà Vinh Lý Xuân Hòa cho biết: Ðến cuối năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 55%. Theo khảo sát, điều tra của ba năm từ 2015 đến 2017 có hơn 18 nghìn lượt lao động có nhu cầu học nghề và xác định được danh mục 177 nhóm ngành, nghề cần tập trung đào tạo cho lao động nông thôn ở trình độ sơ cấp và dưới ba tháng. Qua đó tỉnh đã xây dựng các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả. Ở lĩnh vực dạy nghề nông nghiệp, các mô hình chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm thu hút nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề, áp dụng đúng phương pháp, khoa học và đạt được kết quả khả quan. Mô hình dạy nghề trồng rau màu dưới chân ruộng của các tổ hợp tác đã làm thay đổi nhận thức về việc học nghề của lao động nông thôn, khi tham gia các tổ hợp tác trồng rau sạch, rau an toàn ở địa phương.
Lĩnh vực dạy nghề phi nông nghiệp có các mô hình được duy trì thường xuyên như: Mở các lớp dạy nghề xây dựng cho lao động đang làm xây dựng theo kiểu cha truyền con nối, chưa nắm vững kỹ năng, kiến thức và kỹ thuật. Sau khi học nghề tất cả số lao động sẽ được các doanh nghiệp, công ty xây dựng, hợp tác xã, tổ hợp tác tuyển dụng làm việc. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã dạy nghề và giải quyết việc làm cho hơn 40 nghìn lượt lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.
Đồng hành cùng đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm là động lực để người lao động quan tâm hơn đến việc cần thiết phải học nghề. Trong ba năm qua, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức hơn 20 phiên giao dịch việc làm, có khoảng 120 lượt doanh nghiệp đến tham gia tư vấn việc làm tại các phiên giao dịch, thu hút 25 nghìn lượt lao động tham dự; tổ chức hơn 250 cuộc tuyên truyền về tư vấn học nghề và tạo việc làm cho 40 nghìn lao động nông thôn; tổ chức hai lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tư vấn tuyển sinh học nghề, tư vấn việc làm và kỹ năng giám sát, đánh giá công tác dạy nghề cho 50 người là đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề, góp phần nâng cao chất lượng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.