Thôn Bang, xã Quang Hiến có 60 hộ, 268 nhân khẩu nhưng có tới 12 người hoạt động theo cơ chế dân nuôi. Ngoài mức khoán kinh phí hoạt động theo định mức đối với mỗi tổ chức quần chúng, bình quân mỗi vụ thôn thu tới tám khoản đóng góp, quy thành thóc để hỗ trợ cán bộ không chuyên trách hoạt động. Anh Lê Văn Công chia sẻ: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, được kết nạp Đảng trong quân đội, trở về địa phương anh được cử làm Bí thư chi đoàn thanh niên, hưởng mức hỗ trợ 50 kg thóc/vụ; rồi làm công an viên ở thôn, hưởng phụ cấp mức khởi điểm là 120 nghìn đồng/tháng. Quy mô thôn nhỏ, bộ máy tổ chức ở cấp thôn như cấp xã cho nên nặng gánh “dân nuôi”. Sáp nhập thôn Chiếu với thôn Bang thành thôn Chiếu Bang có 116 hộ, 495 nhân khẩu và bố trí bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, giảm ít nhất bảy người hoạt động không chuyên trách đang hưởng phụ cấp từ ngân sách. Thôn Chiếu Bang đã đạt 10 tiêu chí nông thôn mới (NTM), hiện cán bộ, nhân dân trong thôn tập trung làm rãnh thoát nước bên đường, đổ bê-tông sân, nền nhà sàn văn hóa, ra quân làm vệ sinh môi trường, trợ giúp hơn 10 hộ nghèo xây dựng công trình hợp vệ sinh nhằm sớm đạt tiêu chí NTM.
Chủ tịch UBND xã Quang Hiến Phạm Văn Thái trao đổi: Quán triệt chủ trương sáp nhập thôn, bản, không ít người dân băn khoăn về quyền lợi đất đai, bảo đảm chính sách dân tộc, đối với hộ nghèo, cận nghèo như thế nào. Ngoài tổ chức hội nghị quy mô cấp xã, đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp, trên hệ thống truyền thanh cơ sở, các đồng chí Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên UBND dự họp với 11 thôn, giải đáp các thắc mắc liên quan. Sáp nhập thôn bảo đảm nguyên tắc phù hợp về khoảng cách, lịch sử hình thành, đặc trưng văn hóa, tâm lý, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, nhất là bảo đảm quyền lợi của người nghèo, người dân tộc thiểu số, cho nên nhân dân đồng thuận sáp nhập sáu thôn, bản để thành lập bốn thôn mới. Khảo sát, tính toán hợp lý nên sáp nhập thôn Quang Tân có 64 hộ, 272 nhân khẩu, chủ yếu là cán bộ, công nhân viên lâm trường đã về hưu với đội 1 thôn Chiềng Bang có 52 hộ, 198 nhân khẩu và 15 hộ, 56 nhân khẩu, thuộc cụm dân cư thôn Phống bên bờ hữu sông Âm, thành thôn Chiềng Bang 1, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, sinh hoạt của cộng đồng dân cư, thúc đẩy học tập kinh nghiệm, giúp nhau phát triển kinh tế hộ, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Sáp nhập thôn Phống với thôn Bàn, thành lập thôn Phống Bàn có quy mô 161 hộ, 675 nhân khẩu, giảm số lượng cán bộ “dân nuôi”, mức huy động đóng góp xây dựng thôn, bản NTM. Cùng với việc tạo điều kiện cho 22 hộ nghèo tiếp cận các chính sách ưu đãi hiện hành, hệ thống chính trị cơ sở phân công các đảng viên, hội viên trợ giúp, tư vấn hướng dẫn hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại thị trấn huyện Lang Chánh, khi triển khai sáp nhập tổ dân phố vẫn còn những gia đình không tham dự, bỏ phiếu tại hội nghị; tổ công tác đến tận từng gia đình xin ý kiến, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao. Thị trấn đã sáp nhập các tổ dân cư thuộc chín khu phố, bản, để thành lập năm khu phố mới có quy mô hơn 200 hộ và lựa chọn đặt tên phố trong ngân hàng tên đường phố tỉnh Thanh Hóa đã thông qua, bảo đảm phù hợp truyền thống lịch sử văn hóa ở huyện Lang Chánh. Theo đó, chi ủy khu phố lựa chọn được cán bộ, đảng viên có năng lực, uy tín, tuổi đời còn trẻ, nhất là những cá nhân sản xuất, kinh doanh giỏi, có nhiều việc làm thiết thực, trưởng thành từ các phong trào thi đua ở khu phố tham gia công tác ở hệ thống chính trị cơ sở, tạo nguồn cán bộ kế cận cho thị trấn. Chủ tịch UBND thị trấn Lê Thị Hoa thông tin thêm: Sau sáp nhập, thị trấn nhanh chóng kiện toàn, sắp xếp chi bộ, các chi hội, trưởng khu phố, bản và những người hoạt động không chuyên trách. Thị trấn quan tâm bố trí kiêm nhiệm các chức danh, nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng khu phố. Do vậy, thị trấn đã giảm gần 30 người hoạt động không chuyên trách, bảo đảm chất lượng đội ngũ, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu phố.
Trưởng Phòng Nội vụ UBND huyện Lang Chánh Đỗ Duy Hạnh cho biết: Toàn huyện có 47 thôn, bản, tổ dân phố quy mô nhỏ, trong đó có nhiều thôn, bản chỉ có gần 50 hộ. Tiếp thu truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, tâm lý, tín ngưỡng, bản sắc riêng của cộng đồng, nhất là tạo đồng thuận trong nhân dân và triển khai các bước theo hướng dẫn, quy định pháp luật hiện hành, huyện Lang Chánh đã sáp nhập 47 thôn, tổ dân phố xuống còn 26 thôn, tổ dân phố gắn với kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, khu phố, bố trí kiêm nhiệm các chức danh. Quy mô số hộ bảo đảm điều kiện theo Thông tư 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ nên giảm huy động sức dân, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa - thể thao; bố trí nguồn lực tập trung cho các hạng mục, công trình công cộng còn thiếu. Dù vậy vẫn còn những làng bản quy mô nhỏ như làng Nà Đang ở xã Lâm Phú, làng Thung ở xã Đồng Lương không thể sáp nhập với khu dân cư gần nhất vì cách xa từ 7 km đến 12 km.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Lữ Đức Chung ghi nhận: Sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố trước mắt giảm chi ngân sách nhà nước cho gần 150 người hoạt động không chuyên trách cùng kinh phí hoạt động của các chi hội, đoàn thể. Điều này rất ý nghĩa đối với huyện nghèo, đang phụ thuộc điều tiết từ ngân sách cấp trên và nguồn đầu tư từ Chương trình 135, Nghị quyết 30a và các chính sách trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số, hộ đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố gắn với sắp xếp, bố trí, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở còn góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tiến tới cải thiện chế độ đãi ngộ đối với những người công tác ở thôn, bản, tổ dân phố. Mặt khác các địa phương giảm huy động sức dân, bố trí nguồn lực tập trung đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng NTM, phấn đấu hơn 10 thôn, bản đạt chuẩn NTM, một làng đạt tiêu chí kiểu mẫu trong năm nay.