Là người dân tộc Hà Nhì nhưng lại dành khá nhiều công sức và tâm huyết cho việc tìm tòi, nghiên cứu văn hóa dân tộc Cống, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên Chu Thùy Liên cảm nhận khá rõ về những đổi thay trong các bản đồng bào dân tộc Cống ở địa phương. Trao đổi với chúng tôi, bà Chu Thùy Liên cho biết: Theo số liệu điều tra năm 2009, toàn tỉnh Điện Biên có 184 hộ với 923 nhân khẩu dân tộc Cống sinh sống chủ yếu tại bốn bản thuộc ba xã của ba huyện, gồm: bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Huổi Moi, bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên.
Điều kiện kinh tế - xã hội của cộng đồng Cống còn rất khó khăn. Do vậy, từ kết quả điều tra nghiên cứu và đề xuất của các ngành chức năng, năm 2012, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013 - 2020. Với tổng kinh phí vốn giao để thực hiện đề án hơn 187 tỷ đồng, Ban Dân tộc tỉnh đã ưu tiên đầu tư các công trình điện, đường, trường, trạm phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào dân tộc Cống. Nhờ đó các bản dân tộc Cống ở tỉnh Điện Biên thay đổi rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% (năm 2012) xuống còn 56,2% (năm 2017). Đến nay, nhận thức, trình độ sản xuất, phong tục tập quán của đồng bào có chuyển biến tích cực; tất cả người dân được tiếp cận cơ bản các dịch vụ điện, y tế, giáo dục, thông tin; các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy...
Bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ có 68 hộ, 100% số dân là dân tộc Cống. Những năm qua, người dân được ưu tiên triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cây, con giống để phát triển sản xuất, đời sống ngày càng được nâng lên. Nhưng “ước mơ lớn” với người dân bản Lả Chà chỉ mới thành hiện thực vào giữa năm 2017 khi tuyến đường bê-tông vào bản chính thức hoàn thành, được bàn giao đưa vào sử dụng. Còn nhớ dịp ấy, trong chuyến công tác về Lả Chà, chúng tôi chứng kiến niềm vui lấp lánh trên khóe mắt của những người cao tuổi và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt các thiếu nữ, em thơ khi đi dự khánh thành con đường mới - con đường mà bao thế hệ người Cống ở Lả Chà hằng mơ ước.
Dẫn chúng tôi vào thăm bản, cụ Lùng Văn Bát, người có uy tín ở bản Lả Chà cho biết, trước đây, người Cống ở bản Lả Chà chỉ có đường mòn tự khai phá, đi lại khổ lắm, thóc gạo làm ra chẳng ai mua; trâu bò, lợn, gà... không mang ra trung tâm bán được, chỉ bán với giá rẻ bằng một nửa so với nơi khác vì không có đường vào. Phụ nữ có thai đến ngày sinh phải ra trạm y tế xã ở trước cả tháng chờ ngày sinh vì nếu cứ ở nhà khi chuyển dạ thì không kịp. “Nhưng nay khác rồi, có đường bê-tông về tận bản, chúng tôi không lo người đẻ rơi trên đường, trời mưa cũng không lo phải khiêng xe máy nữa. Giờ muốn đem con gà, con vịt và ngô, sắn... đi bán lúc nào cũng được, không lo tư thương ép giá; bà con lại tích cực chăn nuôi, trồng trọt, có điều kiện cho con cái đi học thêm cái chữ...”, cụ Lùng Văn Bát tâm sự.
Chủ tịch UBND xã Pa Tần Vàng Thị Vân cho biết, với tổng mức đầu tư 12 tỷ 863 triệu đồng, giữa năm 2016 công trình đường giao thông giai đoạn 2 vào bản Lả Chà đã được đầu tư mở rộng nền, rải đá cấp phối và kè ta-luy đường. Đây là tuyến đường huyết mạch nối liền bản Lả Chà với các vùng lân cận trong xã, giúp đồng bào Cống ổn canh, ổn cư, có cơ hội giao thương hàng hóa ra các vùng lân cận. Đặc biệt, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển bền vững đồng bào dân tộc rất ít người...
Tại huyện Điện Biên, đồng bào dân tộc Cống sinh sống chủ yếu ở hai bản Púng Bon và Huổi Moi ở xã Pa Thơm với hơn 90 hộ, 376 nhân khẩu. Cuộc sống người dân nơi đây cũng thật sự thay đổi khi có đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc Cống của tỉnh. Người dân đã biết đưa giống cây trồng mới năng suất cao vào sản xuất; biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhiều người không biết chữ đã đến các lớp học ban đêm do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức.
Trưởng bản Púng Bon Lò Văn Tha cho biết: Trước đây, bản có nhiều người không biết chữ. Lương thực, thực phẩm toàn trông vào rừng. Đi rừng đào được củ gì ăn củ đấy; bẫy được con gì ăn con đấy, cho nên có những chuyến cả bản đi bẫy thú hàng tháng trời. Từ khi được cán bộ cầm tay chỉ việc, người Cống ở bản Púng Bon biết làm nhiều việc hơn. Nhất là từ khi có điện lưới quốc gia về bản, người dân biết đến ti-vi, mở mang kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi.
Đến nay, dân bản Púng Bon đã chuyển dần sang canh tác lúa nước với gần 10 ha, trong đó nhiều ha sản xuất được hai vụ; hơn 20 ha lúa nương; gần 10 ha cây lấy bột (ngô, sắn); lương thực bình quân đầu người tăng từ 210 kg/người/năm (năm 2011) lên hơn 400 kg/người/năm (năm 2016). Toàn bộ trẻ em trong bản được đến trường đúng độ tuổi... Bản Púng Bon giờ đã được biết đến là bản đầm ấm, yên bình bên dòng Nậm Núa.
Đánh giá kết quả sau hơn 5 năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Chu Thùy Liên khẳng định: Đề án đã thật sự mang “luồng gió” mới đến vùng đồng bào dân tộc Cống, nhiều công trình được lựa chọn triển khai đáp ứng mong mỏi của người dân, góp phần giải quyết khó khăn về giao thông, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó còn tổ chức và duy trì các lễ hội văn hóa dân tộc Cống, hỗ trợ khôi phục các nhạc cụ dân tộc, từng bước xóa bỏ hủ tục góp phần nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt của đồng bào dân tộc Cống nói riêng và đồng bào các dân tộc ở vùng biên giới Việt Nam - Lào nói chung.