Thôn Pặc Pùng hiện có 86 hộ, với 341 nhân khẩu, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chủ yếu là dân tộc Tày và Dao. Trên cương vị là người có uy tín, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Pặc Pùng, ông Hỷ đã cùng với chi bộ, các đoàn thể trong thôn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không chỉ tuyên truyền cho người dân trong thôn, ông Hỷ còn tích cực tham gia tổ hòa giải, tổ an ninh của thôn. Thông qua mỗi lần giải quyết các vụ việc trong dân, ông chủ động giải thích, tuyên truyền, vận động người dân phải đoàn kết, không nghe kẻ xấu xúi giục, kêu gọi người dân cho con em đến trường, vận động thanh niên đến tuổi lên đường nhập ngũ…
Phó Chủ tịch MTTQ xã Vô Ngại Trần Thị Thái cho biết: Ông Hỷ luôn được người dân tin tưởng và tín nhiệm. Ông chính là tấm gương “nói dân hiểu, làm dân tin”, hết lòng vì công việc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, ông cùng cán bộ thôn tích cực vận động bà con hiến đất, tài sản trên đất để làm đường giao thông. Đến nay, đã có sáu hộ đóng góp mỗi hộ hơn tám triệu đồng để làm 140 m đường giao thông nông thôn. Con đường hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Làm công tác mặt trận ở cơ sở, ông Hỷ không quản ngại “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ sự sâu sát, gần gũi và trách nhiệm của ông cho nên nhiều năm nay thôn Pặc Pùng không có các tệ nạn xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Trong phát triển kinh tế, ông Hỷ dành thời gian tìm hiểu và học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả và truyền đạt lại cho người dân trong thôn, đồng thời vận động con cháu làm theo để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Năm 2013, ông vay ngân hàng 60 triệu đồng xây dựng xưởng sản xuất gạch ba banh. Đến nay, xưởng gạch của ông mỗi ngày sản xuất ra hơn 1.000 viên gạch, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người lao động tại địa phương. Để mở rộng quy mô sản xuất, ông tiếp tục đầu tư hơn 100 triệu đồng mua xe ô-tô ben giúp cho việc vận chuyển gạch được thuận tiện.
Xác định phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là thế mạnh của địa phương, ông Hỷ vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Bản thân ông đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi lợn rừng, nuôi nhím, nuôi vịt đẻ trứng và vịt trời, thuê ao của xã để nuôi cá nước ngọt.Thực hiện định hướng phát triển kinh tế của xã Vô Ngại là đưa trồng rừng thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông đã vận động người dân trong thôn tích cực trồng và chăm sóc rừng, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây có thế mạnh của địa phương. Gia đình ông đã đầu tư trồng 100 cây cam, 3 ha cây keo, gần 1 ha thông, 1 ha sở và 0,5 ha mận Sơn La, trừ chi phí, mỗi năm ông Hỷ thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Ông Hoàng Thanh Hỷ chia sẻ: Muốn người dân thay đổi phương thức canh tác, phát triển sản xuất, thì bản thân mình phải gương mẫu, đi đầu. Với cương vị là người có uy tín, tham gia công tác mặt trận, tôi càng phải nỗ lực và phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân trong thôn làm theo, nhất là trong phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo và góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển.