Bài 2: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội

|

Hiện nhiều mạng xã hội khá lỏng lẻo trong việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn cộng đồng với người dùng. Điều này tạo kẽ hở cho một bộ phận người sử dụng đăng tải, bình luận, chia sẻ nội dung sai sự thật, kém văn minh, phản văn hóa. Vì thế, để Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành được phổ biến rộng rãi, có giá trị thiết thực với cuộc sống, rất cần sự quan tâm, tuân thủ và đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân.

Theo bảng đánh giá Chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) năm 2020 do Microsoft công bố ngày 19/2/2021, trong sáu quốc gia Đông Nam Á thuộc diện khảo sát, Việt Nam đạt điểm số 72%. Tuy được xếp vào nhóm quốc gia cải thiện về chỉ số văn minh, Microsoft tiếp tục khuyến cáo người dùng internet Việt Nam hiện nay về các nguy cơ chính đe dọa là: liên lạc không mong muốn, tin giả, nạn lừa đảo, tội phạm mạng, thông điệp gây tranh cãi.

So với bảng xếp hạng năm 2019, ứng xử của người dùng internet tại Việt Nam đã cải thiện trên một số phương diện, có thể coi đó là thành quả của việc áp dụng các văn bản pháp luật quan trọng vào đời sống, song song với quá trình hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội. Nhiều đối tượng có hành vi đăng tải, phát tán, phát ngôn, livestream các nội dung xấu, độc, trái thuần phong mỹ tục, thông tin sai sự thật đã bị cơ quan chức năng mời làm việc, xử phạt hành chính.

Dù vậy trên thực tế, việc sử dụng công cụ luật pháp khó có thể ngăn chặn tận gốc các phát ngôn, hành xử kém văn minh, phản văn hóa trên không gian mạng. Bởi, lợi dụng mọi kẽ hở trên các trang mạng xã hội, một số tổ chức, cá nhân vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động.

Như gần đây, lợi dụng chức năng gắn thẻ chủ đề trên Facebook, YouTube, một số đối tượng đã livestream nhiều nội dung khiêu dâm, dung tục dưới vỏ bọc “phát sóng trực tiếp thi đấu thể thao điện tử”. Tinh vi hơn, thay vì đăng tải trực tiếp trên trang cá nhân hay fanpage, các đối tượng này lại chỉ dùng Facebook, YouTube làm kênh trung gian, chia sẻ link đến các nền tảng “dễ dãi” trong kiểm duyệt, đánh giá nội dung.

Từ thực tế các vụ việc đã bị cơ quan chức năng xử lý, có thể thấy trong khi sử dụng quyền tự do ngôn luận, nhiều đối tượng đã sai phạm do thiếu hiểu biết, thiếu cẩn trọng trong tiếp nhận, xử lý thông tin. Một số người vừa là thủ phạm lan truyền tin giả, vừa là nạn nhân của một số đối tượng, nhóm tội phạm, thế lực thù địch hoặc tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam.

Chưa kể, hình thức xử phạt nhiều trường hợp rất khó áp dụng vào các vụ việc có tính chất xuyên biên giới. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp xử lý, ngăn chặn, công tác tuyên truyền hướng người dân tới ứng xử văn minh, phù hợp văn hóa Việt Nam, phù hợp quy chuẩn quốc tế trên nền tảng số và mạng xã hội rất cần được đẩy mạnh.

Với mục đích phát triển mạng xã hội văn minh tại Việt Nam, xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội cho người dân khi sử dụng các dịch vụ mạng xã hội, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 17/6/2021 xác định 4 tiêu chí chung gồm: Tôn trọng, tuân thủ pháp luật; Lành mạnh; An toàn, bảo mật thông tin; Trách nhiệm.

Đây là các điều kiện cơ bản mà mỗi người dùng mạng xã hội cần lưu ý trước khi sử dụng mạng xã hội hay bất kỳ dịch vụ trực tuyến nào trên internet và kho ứng dụng số. Bởi đó vừa là biện pháp giúp họ tự vệ trước ma trận thông tin xấu, độc; vừa là giới hạn để không vi phạm các quy định pháp luật, tiêu chuẩn cộng đồng, và đạo đức xã hội.

 Dựa trên 4 tiêu chí trên, Bộ Quy tắc đưa ra các quy tắc cụ thể, tương ứng từng nhóm đối tượng áp dụng, với trọng tâm chính là các tổ chức cá nhân, dùng mạng xã hội. Đây là lượng người dùng phổ thông và đông đảo nhất, và hành vi của họ trên mạng xã hội là cơ sở để đánh giá ứng xử văn minh trên không gian mạng tại Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, hiện nay họ là đối tượng chịu tác động lớn nhất từ môi trường mạng xã hội thiếu lành mạnh khi các băng nhóm tội phạm, thế lực thù địch, tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Đảng, Nhà nước Việt Nam đều coi Facebook, YouTube, TikTok là “vũ khí tiến công” mới.

Vì vậy, các quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội hướng đến việc nâng cao tính tự giác và cảnh giác ngay từ khi tạo, đăng nhập tài khoản đến việc đăng tải, chia sẻ, bình luận. Để bảo đảm quyền lợi người sử dụng mạng xã hội, Bộ Quy tắc ghi nhận tài khoản cá nhân như “căn cước công dân” trên không gian mạng, và là tài sản hợp pháp, được bảo vệ.

Do đó, mọi tổ chức, cá nhân, cần thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội, và nhanh chóng thông báo đến cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ nếu tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng, sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, người dùng mạng xã hội cần phải hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân với tư cách công dân Việt Nam. Như khoản 6, Điều 4, Bộ Quy tắc đã nêu rõ: “Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội”; đồng thời, Bộ Quy tắc cũng đề cập việc bảo vệ “người yếu thế” trên mạng xã hội, đặc biệt là trẻ em, trẻ vị thành niên, vì đó là các đối tượng dễ bị tổn thương trên không gian ảo. Chỉ khi bảo đảm quy tắc này, quyền tự do ngôn luận mới phát huy được hiệu quả trên không gian mạng.

Đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, trước đây các điều khoản về sử dụng mạng xã hội của nhóm này đã được nhắc đến trong Đề án Văn hóa công vụ năm 2018. Vì vậy, Điều 5, Điều 6 của Bộ Quy tắc được xem là gợi ý cho các cơ quan nhà nước tiếp nhận, xây dựng và hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cho cá nhân trực thuộc khi tham gia mạng xã hội.

Trong đó, điểm mới của Bộ Quy tắc là nêu rõ vai trò chủ động của cơ quan nhà nước và cá nhân làm việc trong cơ quan nhà nước khi xử lý, trả lời, giải quyết ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (khoản 3, Điều 5); phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình (khoản 4, Điều 6).

Nhiều năm qua, lấy lý do “trao quyền để con người xây dựng cộng đồng”, nhiều mạng xã hội gần như phó mặc trách nhiệm quản lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người dùng cho các cơ quan chức năng thuộc chính phủ. Việc xử lý, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật, lệch chuẩn đạo đức, thuần phong mỹ tục của các nhà mạng còn khá chậm chạp, thụ động.

Không chỉ vậy, nạn rò rỉ, mua bán dữ liệu người sử dụng vẫn tồn tại, chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Cho nên Bộ Quy tắc đã nhấn mạnh nghĩa vụ và trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, khuyến khích sự năng động, tích cực từ các đơn vị này theo đúng sứ mệnh, cam kết của họ dành cho khách hàng.

Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức trên không gian mạng đang trở thành xu thế chung được Việt Nam và nhiều nước trên thế giới triển khai, áp dụng. Nhưng cần thấy rằng Bộ Quy tắc chỉ thật sự đi vào đời sống khi được thực hiện trên cơ sở tự ý thức, có sự tuân thủ, làm theo của mỗi tổ chức, cá nhân, cũng như sự hưởng ứng của toàn xã hội, cùng sự hợp tác của các nhà cung ứng dịch vụ.

Cũng cần thấy rằng, đây là thời điểm để trực tiếp đặt ra yêu cầu với các mạng xã hội trong khi cam kết hoạt động phù hợp với luật pháp Việt Nam, phù hợp với yêu cầu văn hóa, đồng thời hợp tác cùng báo chí trong công cuộc xây dựng môi trường thông tin an toàn, chất lượng tại Việt Nam.

Trong đó, việc các mạng xã hội Facebook, YouTube trả phí, bảo vệ bản quyền cho nội dung báo chí, giúp từng bước loại bỏ trang tin rác, tin có nội dung xấu độc là một biện pháp cần tính đến. Bởi cách thức “làm sạch” mạng xã hội hiệu quả nhất chính là kết hợp chặt chẽ giữa việc xóa bỏ nội dung xấu, độc, sai sự thật,… với việc phổ biến, lan truyền các thông tin và nội dung có nguồn bảo đảm chính xác, khách quan, tích cực, đa dạng, sinh động, lành mạnh, đề cao và tôn vinh các giá trị nhân văn trong cuộc sống, giúp xã hội và con người ngày càng hoàn thiện hơn.

(Còn nữa)

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13/7.

Bài 1: Tự do ngôn luận trong quan hệ với luật pháp