Chuyển đổi số và yêu cầu mới về an toàn, an ninh mạng

|

Thời gian qua, các nền tảng xuyên biên giới không ngừng phát triển. Công cuộc chuyển đổi số cũng diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề. Bên cạnh những mặt tích cực góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia từ không gian mạng cũng đang có chiều hướng gia tăng. Thực tế này đặt ra những yêu cầu có tính cấp bách đối với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia trong tình hình mới.

Công tác bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, được Ðảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Cùng với việc ban hành các nghị quyết về “Chiến lược an ninh quốc gia”, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, cũng như tổ chức và cá nhân; tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước, thì vấn đề bảo đảm an toàn an ninh mạng quốc gia đã được Ðảng ta đặt ra.

Ngày 27/9/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định nhiệm vụ: “Chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước”. Thực tế đã chứng minh, không gian mạng hiện đã thực sự trở thành không gian sinh tồn mới của quốc gia, trong đó vấn đề chuyển đổi số quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng, với trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Tuy nhiên như Nghị quyết số 52-NQ/TW thẳng thắn chỉ ra rằng: “Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức”.

Ðể bảo đảm an toàn, an ninh mạng, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 964/QÐ-TTg Phê duyệt Chiến lược An toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược).

Chiến lược xác định rõ an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số, do đó bảo đảm an toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm khởi tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân.

Mục tiêu Chiến lược An toàn, an ninh mạng quốc gia đặt ra đó là đến năm 2025 Việt Nam sẽ duy trì thứ hạng 25 đến 30 đối với chỉ số an toàn an ninh mạng (GCI) theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật, có đơn vị được giao đầu mối, chịu trách nhiệm và hình thành lực lượng chuyên trách về an toàn, an ninh mạng; 80% số người sử dụng internet được nâng cao nhận thức và kỹ năng.

Ðến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.

Cùng với các Chỉ thị, Nghị quyết của Ðảng, các Văn bản quy phạm pháp luật như: Luật An toàn thông tin mạng (2015), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (2018), Luật An ninh mạng (2018),... và nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, thực hiện hiệu quả trong thực tiễn đã được đông đảo nhân dân đồng tình, đánh giá cao bởi đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Tuy nhiên chúng ta không được phép chủ quan, lơ là. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài viết: “Chuyển đổi số - Ðộng lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” mới đây cũng đã nhấn mạnh, đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Theo dõi diễn biến những năm gần đây cho thấy vấn đề an toàn, an ninh mạng quốc gia hiện đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức khó lường. Ðặc biệt, để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” các thế lực thù địch triệt để lợi dụng thế mạnh của không gian mạng nhằm triển khai nhiều hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.

Nổi lên trong số đó là tình trạng gia tăng những hoạt động tình báo, gián điệp, khủng bố, phá hoại hệ thống thông tin; tán phát thông tin xấu, độc hại nhằm tác động chính trị nội bộ, can thiệp, hướng lái chính sách, pháp luật của Việt Nam. Như việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá chế độ, kích động biểu tình, bạo loạn, hòng thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”, âm mưu lật đổ chế độ.

Các đối tượng triệt để khai thác một số hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, những sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo, tạo cớ để kêu gọi các tổ chức quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.

Cùng với đó là sự gia tăng tình trạng lây lan vi-rút, mã độc, phần mềm gián điệp,... nhằm phá hoại hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm, qua kiểm tra, kiểm soát đã phát hiện hơn 850.000 tài liệu chiến tranh tâm lý, phản động, tài liệu tuyên truyền tà đạo trái phép; gần 750.000 tài liệu tuyên truyền chống Ðảng, Nhà nước được tán phát vào Việt Nam qua đường bưu chính. Từ 2010 đến 2019 đã có 53.744 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có tên miền “.vn” bị tấn công, trong đó có 2.393 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử của các cơ quan Ðảng, Nhà nước, xuất hiện nhiều cuộc tấn công mang màu sắc chính trị, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Kết quả đánh giá an ninh mạng do Tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện trong năm 2019 cho thấy, chỉ tính riêng thiệt hại do vi-rút máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam đã lên tới 20.892 tỷ đồng (tương đương 902 triệu USD), hơn 1,8 triệu máy tính bị mất dữ liệu do sự lan tràn của các loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware), trong đó có nhiều máy chủ chứa dữ liệu của các cơ quan, gây đình trệ hoạt động của nhiều cơ quan, doanh nghiệp.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có hơn 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam gây ra sự cố nghiêm trọng. Riêng trong quý I năm 2024, các cơ quan chức năng đã phát hiện 32.265 nguy cơ tấn công mạng nhằm vào các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Ðảng, Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Thực trạng này cho thấy vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia là vấn đề có tính cấp bách.

Bất chấp những yêu cầu thực tiễn đặt ra của việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia tại nước ta, các đối tượng cực đoan, thù địch thường xuyên xuyên tạc, vu khống cho rằng Việt Nam đang “bóp nghẹt tự do trên không gian mạng”, “can thiệp thô bạo vào quyền tự do của công dân”, “thể hiện sự độc tài, chuyên chế của cộng sản”... Các luận điệu này thực chất tiếp tục lặp lại “tuồng cũ” vốn đã được các đối tượng sử dụng khi Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng.

Chưa kể, trong thực tế không chỉ riêng Việt Nam, việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia luôn là vấn đề được rất nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm. Ngay trong ngày đầu tiên của tháng 2/2024, Hàn Quốc đã công bố Chiến lược An ninh mạng quốc gia. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhấn mạnh dựa trên chiến lược này, Chính phủ sẽ ứng phó các mối đe dọa an ninh mạng và tăng cường năng lực để bảo vệ đất nước an toàn, trong đó có việc tăng cường hợp tác an ninh mạng với các quốc gia thân thiện, góp phần đem lại hòa bình và thịnh vượng cho cộng đồng quốc tế.

Trước đó, năm 2019 Hàn Quốc đã ban hành Chiến lược An ninh mạng quốc gia đầu tiên. Còn tại Trung Quốc, từ tháng 12/2016, Văn phòng Thông tin mạng quốc gia lần đầu tiên công bố Chiến lược An ninh không gian mạng quốc gia. Phát biểu về Chiến lược này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: An ninh mạng đã trở thành thách thức mới đối với Trung Quốc, vì nó gắn liền với an ninh quốc gia và ổn định xã hội.

Không thể bảo đảm được an ninh quốc gia nếu không có an ninh mạng, không có hiện đại hóa nếu không có công nghệ thông tin, do vậy việc đẩy mạnh an ninh mạng và tin học hóa được coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên cấp quốc gia, thậm chí vấn đề an ninh mạng tại Trung Quốc được nâng lên mức độ quan trọng chưa từng có.

Cùng chung mối lo ngại, tháng 12/2020 Ủy ban châu Âu (EC) và Ðại diện cấp cao của Liên minh Chính sách an ninh và đối ngoại châu Âu đã thông qua Chiến lược An ninh mạng mới của EU, với mục tiêu tổng quát là tăng cường năng lực bảo mật an ninh mạng, giúp châu Âu an toàn hơn trước các mối đe dọa trên không gian mạng, giúp mọi công dân, doanh nghiệp đều có thể hưởng lợi đầy đủ từ các dịch vụ và công cụ kỹ thuật số đáng tin cậy.

Tương tự tại Hoa Kỳ, tháng 3/2023 cũng đã công bố Chiến lược An ninh mạng quốc gia, nhằm tiếp tục thúc đẩy những ưu tiên đã được khởi xướng trong Sáng kiến An ninh mạng quốc gia toàn diện năm 2018; đồng thời, phát triển thêm một số nội dung để giảm thiểu rủi ro an ninh mạng, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Ðáng chú ý, trong Chiến lược mới của mình, Hoa Kỳ đã chú trọng nhiều hơn đến mục tiêu phối hợp với các quốc gia trong việc thiết lập một hệ sinh thái số toàn cầu an toàn và bền vững, xây dựng các chuỗi cung “sạch” về 5G và các hạ tầng mạng không dây thế hệ mới,... Từ đây cho thấy xu thế chung của các nước trên thế giới trong thực hiện chiến lược an toàn an ninh mạng quốc gia, trong đó việc hợp tác quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng.

Ðối với Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia hiện vẫn còn một số bất cập, hạn chế, như: hệ thống thông tin vẫn còn nhiều lỗ hổng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, dễ bị tin tặc tấn công, xâm nhập. Vẫn còn tình trạng lộ bí mật nhà nước qua môi trường mạng của một số bộ, ngành, địa phương. Tình hình thu thập trái phép, mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân vẫn còn diễn biến phức tạp.

Ðặc biệt tại nhiều đơn vị vẫn còn tình trạng lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, nhất là hệ thống mạng lõi, phần mềm hệ thống,... do đó đứng trước nguy cơ cao về mất chủ quyền nội dung số, tài nguyên thông tin về tay các công ty công nghệ nước ngoài. Lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm lợi dụng internet, mạng xã hội còn mỏng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh thông tin chưa cao; năng lực phát hiện, xử lý các hoạt động xâm hại an ninh thông tin, sự cố gây mất an ninh thông tin của các cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế,...

Tình hình trên đặt ra những yêu cầu cấp bách cần phải thực hiện trong thời gian tới đó là: tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh mạng; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn xã hội đối với vấn đề an ninh mạng quốc gia, đặc biệt là an ninh thông tin; huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân.

Ðồng thời cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục lỗ hổng bảo mật trên toàn hệ thống, có khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng. Chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Chủ động nắm bắt tình hình, dự báo, phát hiện kịp thời âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng không gian mạng để chống phá đất nước để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh kịp thời; xây dựng hệ thống thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Ðẩy mạnh hợp tác quốc tế để phối hợp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cũng như trao đổi kinh nghiệm trong công tác phát hiện xử lý các hành vi xâm phạm an ninh mạng xuyên biên giới.