Tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

|

Thời gian qua, các cấp ủy đảng đã dành sự quan tâm, triển khai nhiều giải pháp và có cách làm hay nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở. Nhờ đó, các cấp ủy đảng, đảng viên đã trở thành hạt nhân trong việc tiếp nhận, phát hiện, xử lý vấn đề phát sinh từ cơ sở. Nhưng ở một số địa phương, đơn vị hiện nay, nội dung sinh hoạt còn đơn điệu, việc điều hành sinh hoạt của cấp ủy và đồng chí bí thư cấp ủy đôi lúc còn lúng túng, sa vào việc chuyên môn, các đảng viên chưa mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình… Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, chưa nhận diện kịp thời những thiếu sót, khuyết điểm để đề ra giải pháp khắc phục.

Ðể nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ, cùng với việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, các đơn vị cần chú trọng việc bồi dưỡng kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi bộ cho đồng chí bí thư chi bộ và các đồng chí trong cấp ủy. Quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng gắn với đẩy mạnh và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ đó, phát huy dân chủ, nhận diện khách quan tình hình địa phương, đơn vị, tạo điều kiện cho các đảng viên nói thật, nói thẳng những quan điểm, suy nghĩ của mình, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Ðối với một số địa phương cụ thể, việc tạo ra sinh kế, việc làm ổn định cho lao động trong độ tuổi để các đoàn viên, hội viên "ly nông" nhưng không "ly hương" là một trong những giải pháp quan trọng để phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp những đoàn viên, hội viên ưu tú vào Ðảng, tạo gốc rễ bền vững nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Nguyễn Như Dũng

Bí thư Huyện ủy Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh

Nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù cho vùng dân tộc, miền núi

Thực tiễn ở các huyện vùng cao của tỉnh miền núi như Chợ Ðồn (Bắc Kạn), một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp khiến công tác phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Ðảng gặp nhiều khó khăn. Thí dụ, huyện rất cần tuyển cán bộ xã là người dân tộc H’Mông để công tác tại các vùng có đông đồng bào H’Mông. Tuy nhiên, vì không có cơ chế đặc thù trong khi phần lớn đối tượng đồng bào dân tộc H’Mông không thể đáp ứng các tiêu chuẩn "cứng" theo quy định, do vậy không thể tuyển được người. Ðội ngũ cán bộ cơ sở vùng miền núi chỉ có lương, không có phụ cấp cho nên đời sống khó khăn, ảnh hưởng tới thực hiện nhiệm vụ.

Tôi đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, Ðảng ta cần quan tâm xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh miền núi có nhiều khó khăn như Bắc Kạn. Trong đó, chú trọng cơ chế tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đối với cán bộ là đồng bào dân tộc ít người; quan tâm nâng mức hỗ trợ, phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngoài ra, tiếp tục duy trì, mở rộng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với điều kiện thực tiễn ở vùng miền núi thay vì chỉ có chính sách chung áp dụng đồng thời trên cả nước.

Ma Thị Na

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Chợ Ðồn, tỉnh Bắc Kạn

Ðẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân

Công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã mang lại những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Niềm tin của dân với Ðảng ngày càng được nâng cao. Ðể đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Ðảng cần quan tâm và tạo điều kiện nhiều hơn nữa để các doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị T.Ư 5 (khóa XII) đã khẳng định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa, việc liên thông qua cổng thông tin số, như cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp, giấy phép đầu tư, nộp thuế, khai báo hải quan... đã thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn gặp nhiều rào cản, làm chậm sự phát triển. Doanh nghiệp vẫn bị vướng về thủ tục hành chính, vốn, đất đai, trong khi những thủ tục này với doanh nghiệp FDI khá thoáng. Nhà nước nên quyết liệt hơn nữa trong việc xóa bỏ rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất, kinh doanh tạo ra bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực xã hội, trọng tâm là vốn và đất đai, cơ hội kinh doanh ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Tăng cường tính minh bạch và kiểm soát độc quyền kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh.

Nguyễn Vũ Bảo Hoàng

Tổng Giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh