Sáng tạo từ tài nguyên di sản

|

Sáng tạo di sản là tạo ra những sản phẩm, giá trị mới hữu ích, góp phần gìn giữ, lan tỏa, phát huy giá trị di sản. Thời gian qua, không ít trường hợp khai thác giá trị di sản vào sáng tác mới gây ra những tranh cãi gay gắt. Bởi vậy để hoạt động sáng tạo di sản đi đúng hướng là yêu cầu đặt ra có tính cấp thiết, giúp giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc trước yêu cầu của thời đại.

Bài 2: Đổi mới sáng tạo thích ứng với phát triển tiếp nối di sản

Thời gian gần đây, việc khai thác tranh dân gian vào mỹ thuật ứng dụng và sáng tác nghệ thuật ngày càng phổ biến hơn, nhất là trong giới trẻ. Nhiều nhóm bạn trẻ đã ứng dụng tranh Hàng Trống, tranh Ðông Hồ vào thiết kế bao bì, thiết kế thời trang; hay "vẽ lại" tranh Hàng Trống bằng chất liệu và góc nhìn mới… Có một hoạ sĩ nổi danh đã rất thành công khi chú trọng khai thác những hình tượng, họa tiết tranh dân gian để đưa vào tác phẩm của mình. Với tranh Hàng Trống, là hình tượng thần giữ cửa, hổ, cá chép, công, các họa tiết hoa lá...; với tranh Ðông Hồ là hình ảnh quen thuộc của cậu bé ôm gà, cô bé ôm vịt, gà trống, lợn đàn, đám cưới chuột... và nhiều họa tiết khác được khai thác với mật độ dày đặc để đưa vào tranh. Ðiều này đã giúp tác giả tạo nên một phong cách riêng, thu hút được nhiều nhà sưu tập tranh trong nước và nước ngoài, góp phần đưa nét đẹp của tranh dân gian Việt Nam đến với cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành công, cũng có những sáng tạo của không ít tác giả đã gây bức xúc trong cộng đồng và giới phê bình. Chẳng hạn, nhiều hình ảnh tiêu biểu của nghệ thuật dân gian lại được đưa vào những bức tranh thể hiện hình ảnh cô gái khỏa thân, hay những bức tranh trai gái trong những tư thế dung tục. Mặc dù trong văn hóa truyền thống, có một mảng đề tài mang tính phồn thực, nhưng cách thể hiện của người xưa thường được thể hiện một cách tế nhị, kín đáo, mang tính tượng trưng. Ngay cả với những tác phẩm từ thời văn minh Ðông Sơn hay tượng nhà mồ Tây Nguyên có tính tả thực cao về chủ đề phồn thực, nhưng những sản phẩm tạo hình này cũng không gợi sự dung tục. Do đó, không thể lấy lý do tiếp nối truyền thống này để biện hộ cho những "sáng tạo" cá nhân. Một số chuyên gia cho rằng, những sáng tác này đã làm vẩn đục sự trong sáng của giá trị di sản.

Trang phục truyền thống cũng là một di sản được nhiều bạn trẻ quan tâm tìm cách đưa trở lại cuộc sống và đã tạo nên một trào lưu sôi nổi. Từ trào lưu này, cộng đồng biết đến trang phục truyền thống của người Việt không chỉ là áo dài, áo tứ thân với nữ giới, áo the, khăn xếp với nam giới mà còn nhiều loại trang phục khác. Trong đó, những trang phục sử dụng trong nghi lễ có tính thẩm mỹ cao. Với nữ giới, mẫu được nhiều người ưa thích là áo nhật bình, nam giới là áo tấc, áo dài ngũ thân tay chẽn... Trang phục cổ truyền thường kín đáo, mang vẻ đẹp tinh tế, nhã nhặn. Tuy vậy, những kiểu quần áo sang trọng lại thường bất tiện vì "quần chùng áo dài". Ði kèm với trào lưu này, là một trào lưu "cổ phục cách tân". Trào lưu này đã làm xuất hiện không ít "thảm họa cổ phục". Ðiển hình của những thảm họa cổ phục là sự "cắt xẻ" quá táo bạo, khiến cổ phục trở thành những trang phục cũn cỡn, hở hang. Chưa kể, việc phối hợp nhiều đường nét trang trí kiểu phương Tây cũng khiến trang phục trở nên kệch cỡm.

So với nhiều loại hình di sản khác, dân ca quan họ trải qua một quá trình sáng tạo liên tục và lâu dài, ngay cả trong thời kỳ di sản văn hóa chưa được quan tâm như thời kỳ chiến tranh hay bao cấp. Trong đó, có quãng thời gian không ít nhạc sĩ (cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư) thi nhau đặt lời mới cho quan họ. Cùng với đó là sự ra đời của "quan họ đoàn", "quan họ đài" làm thay đổi không ít sinh hoạt văn hóa quan họ. Quan họ vốn là một sinh hoạt văn hóa dân gian, gắn trực tiếp với đời sống người dân vùng Kinh Bắc xưa. "Quan họ đoàn", "quan họ đài" thực chất là sự chuyên nghiệp hóa. Người hát "quan họ đoàn" là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, không phải là nghệ nhân dân gian. Cần nhớ rằng, quan họ Bắc Ninh được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không phải chỉ ở yếu tố âm nhạc, mà là toàn bộ không gian sinh hoạt văn hóa quan họ, từ những phong tục, tập quán, lề lối quy định, rồi mới đến các câu ca, làn điệu. Thế nhưng, sự lạm dụng "quan họ biểu diễn", "quan họ sân khấu"-vốn chỉ khai thác yếu tố âm nhạc, được thực hiện bởi ca sĩ chuyên nghiệp-khiến không ít người hiểu lầm về văn hóa quan họ. Thậm chí, đây cũng là tác nhân khiến quan họ cổ dần mai một, khi nhiều người mải chạy theo "quan họ biểu diễn" mà không tìm hiểu quan họ "nguyên bản". Chưa kể không ít bài quan họ lời mới cũng không kế thừa được sự tinh tế, ý nhị trong các câu ca xưa.

Sáng tạo không chỉ giúp đưa di sản gần gũi với cộng đồng mà còn là một nhu cầu bức thiết trong phát triển công nghiệp văn hóa ở nhiều lĩnh vực, từ mỹ thuật đến âm nhạc hay du lịch văn hóa. Nếu tạo ra những sản phẩm mới có tính kế thừa, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống, thì đó được coi là sáng tạo. Ngược lại, nó sẽ làm biến dạng, làm giảm giá trị di sản. Sáng tạo không phải một hoạt động có tính định lượng để dễ dàng đưa ra một "giới hạn", song từ những thí dụ nêu trên cho thấy, việc cần thiết phải có sự định hướng cho hoạt động sáng tạo di sản.

Trước hết, cần phải coi bảo tồn di sản gốc là nền tảng cho quá trình sáng tạo, sáng tạo tiến hành song song với bảo tồn. Việc bảo tồn sát với nguyên gốc nhất giúp chúng ta giữ được nền tảng căn bản của di sản, là cơ sở để nhận diện những thay đổi, nhất là những biến đổi theo chiều hướng không tích cực của di sản. Một cái gốc vững vàng, sẽ tạo tiền đề cho những "cành", những "lá" phát triển mạnh mẽ. Ðây chính là bài học mà Bắc Ninh đang nỗ lực thực hiện để bảo tồn dân ca quan họ. Một thời gian chứng kiến "quan họ biểu diễn" lấn át quan họ cổ, những năm gần đây, Bắc Ninh đầu tư khôi phục "nhà chứa" quan họ, tìm những nghệ nhân để sưu tầm các làn điệu, câu hát, khôi phục các canh hát cổ, khôi phục quan họ "mộc" không có nhạc đệm. Khi đó, "quan họ biểu diễn" đóng vai trò như một phương tiện để quảng bá tốt hơn cho di sản, khai thác trong hoạt động du lịch văn hóa. Ðây cũng là bài học mà các nhà quản lý có thể tham khảo trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị.

Việc sáng tạo di sản chỉ được tiến hành khi chủ thể sáng tạo nắm vững nội hàm giá trị di sản. Bất cứ di sản nào cũng trải qua quá trình ra đời, phát triển. Bản thân từng yếu tố cấu thành một di sản dù là vật thể hay phi vật thể đều mang những giá trị, ý nghĩa hay những câu chuyện riêng. Hoạt động sáng tạo thường chỉ khai thác một số yếu tố cấu thành của di sản. Tuy nhiên việc hiểu rõ các giá trị của di sản sẽ giúp chủ thể tránh được việc khai thác, ứng dụng di sản một cách tùy tiện dẫn đến sai lạc, không có tính kế thừa. Chẳng hạn, việc đem một bản nhạc có tính thiêng, trong các nghi lễ quan trọng của cồng chiêng Tây Nguyên; việc đem một bài hát thờ trong quan họ để biểu diễn phục vụ khách du lịch sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần của di sản, khiến cộng đồng nhận thức sai lạc về di sản.

Mỗi di sản đều nằm trong dòng chảy chung của văn hóa dân tộc. Do đó, bên cạnh nắm vững nội hàm giá trị của di sản cụ thể, còn phải có nhận thức sâu sắc về những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Nếu hai yếu tố nêu trên là điều kiện cần, thì đây là điều kiện đủ để sáng tạo di sản bảo đảm được yếu tố kế thừa, phát huy giá trị văn hóa cổ truyền, hình thành nên những giá trị văn hóa mới, có tính dân tộc và tính thời đại. Trong bối cảnh ngày nay, văn hóa Việt va chạm với nhiều dòng chảy văn hóa khác ngày một mạnh mẽ hơn. Những dòng chảy văn hóa mới có thể làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc, tuy nhiên cũng có những yếu tố không phù hợp truyền thống văn hóa. Việc nhận thức sâu sắc về giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc là cơ sở để các nghệ sĩ, nghệ nhân tiếp nhận các luồng văn hóa thế giới một cách chọn lọc, tìm ra những yếu tố phù hợp để tạo ra tác phẩm, sản phẩm mới góp phần làm phong phú và nâng tầm di sản.

Ðối với di sản văn hóa vật thể, việc tích hợp những sáng tạo phải được lựa chọn phù hợp lịch sử, bối cảnh, không gian của di sản. Các hoạt động sáng tạo được tích hợp nên là những hoạt động văn hóa truyền thống, sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống. Trước đây, Văn Miếu-Quốc Tử Giám từng có bài học xương máu khi một cuộc triển lãm nghệ thuật sắp đặt đương đại tại đây phải đóng cửa vì không phù hợp, thậm chí còn bị cho là phản cảm. Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long cũng có lần là địa điểm tổ chức Festival làng nghề, nhưng nhiều gian hàng tính "chợ" lấn át tính "hội". Rất may, các cơ quan chức năng đã có sự chấn chỉnh kịp thời.

Trên thực tế, công nghiệp văn hóa là sự kết hợp giữa tài năng sáng tạo, "vốn" văn hóa kết hợp với kỹ năng kinh doanh để tạo ra sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, để có tính cạnh tranh, công nghiệp văn hóa cần phải có bản sắc riêng. Bản sắc, không gì khác hơn là xây dựng trên nền tảng văn hóa dân tộc, trong đó có di sản. Chúng ta tự hào là mảnh đất giàu truyền thống và đa dạng văn hóa. 54 dân tộc anh em cùng lịch sử hàng nghìn năm để tạo ra một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán... Ðể có sản phẩm, dịch vụ mang bản sắc, phải trải qua quá trình sáng tạo. Do đó, việc định hình những đường hướng, khuôn khổ trong hoạt động sáng tạo di sản là hết sức cần thiết, giúp việc sáng tạo thật sự làm "giàu" thêm giá trị di sản, đem lại giá trị kinh tế cho xã hội, cộng đồng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang tính dân tộc, nhưng đại diện cho thời đại. Ðồng thời, ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra như làm biến dạng, sai lạc hoặc làm mất đi giá trị di sản.

----------------------------------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 12/7/2022.