Người còn lại cuối cùng từ rừng thiêng

|

NDO - NDĐT- Nam Tây Nguyên, tháng 12 rây rắc những hạt mưa rừng. Người lính già ngồi lặng lẽ. Dòng suy tư trôi về miền ký ức trong khu rừng thiêng Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng 70 năm trước. Ngày 22-12-1944, đội quân áo vải, với 34 người cùng nhau tuyên thệ dưới lá cờ Việt Minh, trọn đời hy sinh máu xương vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông là Tô Đình Cắm, người còn lại cuối cùng trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Mười năm sau chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, những chiến sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã làm thế giới ngưỡng mộ, bởi nhiều người trong số họ đã góp công lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

1. Những chiến sĩ cùng nhau tuyên thệ giữa rừng già Cao Bằng mùa đông năm 1944 nay đã về với đất sâu. Giờ chỉ còn ông Tô Đình Cắm (dân tộc Tày, thường gọi là Tô Văn Cắm, bí danh: Tô Tiến Lực. Quê ở bản Um, Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng).

BCH Quân sự tỉnh Lâm Đồng thăm cụ Cắm dịp ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7.

Trong căn nhà nghĩa tình đồng đội còn thơm mùi gạch mới ở Đạ Tẻh (Lâm Đồng), ông ôm vai và siết chặt tay tôi: Cảm ơn cháu đã về thăm! Gặp lại người lính già sau hơn một năm, cụ khoe: Rừng thiêng Trần Hưng Đạo đã được công nhận khu di tích quốc gia đặc biệt rồi. Vui lắm!

Chiêu ngụm trà, ông bảo: Nhớ lắm, không quên cái gì đâu. Đó là những tháng ngày đẹp và ý nghĩa nhất của đời mình mà. “Mà này, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên mình được ra bắc gặp Anh Văn đấy”, cụ cười khoe với tôi.

Chín mươi ba tuổi, đôi chân một thời vượt núi, băng rừng đã quá tuổi, đôi tai chỉ còn nghe tiếng được, tiếng mất, nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh như con nai rừng. Trong hồi ức không còn mạch lạc, ông kể rằng: Ngày ấy, bản của ông có mấy mươi nóc nhà, phần đông là người Tày, đời sống kham khổ mà phải chịu biết bao loại thuế má, lao dịch rồi sự áp bức của giặc Tây và lang châu tay sai. Năm 1941, sau khi Bác Hồ về Pác Bó, Việt Minh ra đời, ông tham gia vào Hội thanh niên Cứu quốc khi tròn 19 tuổi. “Anh Văn nói, mình đã từng tham gia chống chống càn, có đủ gan dạ, có lòng căm thù giặc sâu sắc, nên không thể nào phản động. Thế là năm 1944, mình được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ)”, cụ Cắm nói.

- Quê ông đẹp thế sao lại vào đây? Tôi chen ngang câu chuyện.

- Già rồi, phải theo con thôi. Cụ quay sang tôi: “À, quê mình có đỉnh Slam Cao, rừng Trần Hưng Đạo thiêng lắm. Slam Cao - tiếng Tày có nghĩa là “ba cao” đấy”. Bảy mươi năm trước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đứng trên ngọn núi này để quan sát tình hình, chuẩn bị cho hai trận đánh mở màn Phai Khắt, Nà Ngần. Còn rừng Trần Hưng Đạo là “vành nôi” của Đội VNTTGPQ. Đó là những chứng tích thiêng liêng trong lịch sử dân tộc.

Nói đến đây, bất chợt ông nhìn lên bàn thờ, nơi trang trọng đặt chân dung Đại tướng của nhân dân, vị tướng của hòa bình Võ Nguyên Giáp rồi lặng thinh. Thật lâu sau, ông bắt đầu lục tìm những kỷ vật về Đại tướng, những tấm ảnh một thời tại khu rừng huyền thoại Trần Hưng Đạo…

2. Tháng mười hai, Nam Tây Nguyên chợt nắng, chợt mưa - như dòng ký ức chắp nối cảm xúc của người lính già.

Cụ Cắm say sưa kể chuyện về kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lần đầu tiên Tô Đình Cắm được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vào một buổi chiều ở một lán trại bí mật trong khu rừng vắng. Đại tướng căn dặn: “Các em đừng sợ giặc Pháp, có chúng tôi ở đây, cứ yên tâm và sẵn sàng chiến đấu. Có thời cơ quân, dân mình cùng vùng lên đánh đuổi quân xâm lược. Rồi đồng bào mình sẽ được sống yên ổn, ấm no…”.

Ngồi cạnh tôi, anh Tô Đức Tuân, con trai cụ Cắm nói, trong những bữa cơm gia đình, bố thường kể cho chúng tôi nghe về vị Đại tướng với tất cả lòng yêu mến và kính phục. Chính Đại tướng là người dạy cho bố mình biết cái chữ, biết văn hóa của người Mông, Dao, Nùng, Thái... để cư xử đúng mực. Biết cái chữ rồi, ông còn được giao nhiệm vụ dịch những nội dung tuyên truyền ra tiếng Tày, Nùng để phổ biến cho bà con, cho chiến sĩ nữa. Bố còn kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm về những đêm được ngủ chung lán với Đại tướng ở trong rừng, được nghe Đại tướng nói nhiều chuyện về cách mạng, về Bác Hồ.

Cụ Cắm nhìn tôi và nói: Hồi đó, có đêm ngủ say quá, mình gác cả chân lên người Đại tướng, anh Văn chỉ cười rồi nói: “Tiến Lực nằm ngủ thế này à”. Và giấc ngủ muộn vẫn tiếp tục giữa đêm rừng vùng biên ải. “Lót lá rừng mà nằm. Ngủ được bao nhiêu đâu, đi hoạt động khuya mới về mà”, cụ Cắm kể.

Sau lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, cụ Cắm cùng các chiến sĩ đã giành thắng lợi hai trận đánh đầu tiên là Phai Khắt, Nà Ngần và tham gia nhiều chiến dịch quan trọng khác. Trong khoảng thời gian bốn năm được hoạt động, gần gũi với Anh Văn, cho đến ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, cụ không có dịp để gặp lại vị Tổng tư lệnh của quân đội nhân dân Việt Nam…

3. Tháng 9-1945, tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp vang lên ở Nam Bộ. Phong trào “Nam tiến” phát triển mạnh khắp các địa phương ở Bắc bộ và Trung bộ. Cụ đã tham gia đoàn quân tiến vào chiến trường Rạch Giá. Đến giữa năm 1946, trong một trận chiến ác liệt, cụ bị thương nặng phải rời đơn vị trở về bắc. Nhưng vì sức khỏe giảm sút, cụ được giải ngũ về quê. Sau sự kiện quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn năm 1947, Tô Tiến Lực xung phong tái ngũ. “Anh Văn dặn mình, phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc mà”, cụ Cắm nói.

Trong chiến dịch Biên giới 1950, cụ lại bị thương nặng và buộc phải chia tay thực sự với đời binh nghiệp, trở về với quê hương bản Um. Mãi tới tuổi bảy mươi “xưa nay hiếm”, cụ quyết định đưa vợ con vào sinh sống trên vùng quê mới Lâm Đồng.

- Thế chiếc áo này cụ được Đại tướng tặng khi nào? - Tôi gợi chuyện.

- À, năm 2000 đấy. Năm đó, mình được gặp lại Anh Văn ở Sài Gòn, sung sướng lắm, xúc động lắm!

Dịp ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi thăm các cơ quan quân sự phía nam và dừng chân ở Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Khi biết cụ Cắm đang sống cùng con cháu ở Lâm Đồng, Đại tướng mong được gặp. Cuộc hội ngộ bất ngờ sau hơn nửa thế kỷ của vị tổng chỉ huy và người lính trẻ năm xưa xúc động không sao tả xiết. “Đại tướng ôm mình thật chặt và hỏi bằng tiếng Tày: Tiến Lực à, lâu rồi không gặp, cậu già hơn mình rồi đấy. Sau khi xuất ngũ Tiến Lực làm gì? Cuộc sống bây giờ ra sao? Mình không thể kìm được nước mắt”, cụ Cắm hồi tưởng.

“Lần đó, Đại tướng còn căn dặn mình, dù ở đâu, làm gì, Tiến Lực cũng phải giữ vững truyền thống gia đình, truyền thống quê hương, luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ nhé. Và những điều đã hứa với Anh Văn mình không bao giờ quên được” - Cụ Cắm nói.

Chiều buông. Những hạt mưa lấm tấm buông lơi giữa vùng quê yên ả. Người lính già siết chặt tay tôi: Nhớ lắm, nhớ rừng thiêng Trần Hưng Đạo, nhớ vị tướng huyền thoại của Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu…