Super League đặt bóng đá châu Âu vào ngã ba đường

|

NDO - Ý tưởng về một siêu giải đấu có tên Super League của 12 CLB lớn ở châu Âu khiến tất cả bất ngờ. Cấu trúc và tính truyền thống có nguy cơ bị phá vỡ, đưa bóng đá vào kỷ nguyên mới đầy xa lạ.

Trong cuộc họp Ủy ban các CLB của UEFA vào tuần trước, đại diện của nhiều đội bóng như Real, Juventus, MU hay Arsenal, nhất trí thông qua kế hoạch cải tổ Champions League, với thể thức mới khiến giải đấu danh giá nhất châu Âu sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

Rồi vài ngày sau, một cuộc họp khác của 12 CLB hàng đầu, bao gồm Real, Barca, Atletico, Juventus, Milan, Inter, MU, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal, Tottenham, được tổ chức ở thị trấn Montreux của Thụy Sĩ. Tất cả không còn đồng ý vào cái mà họ vừa nhất trí với UEFA và giới thiệu đề án mới gọi là Super League.

Đó là một siêu giải đấu tách biệt với Champions League, với sự tham gia của 15 CLB sáng lập (ngoài 12 đội kể trên, sẽ sớm có thêm ba đội khác) và năm CLB điều kiện mỗi năm. Tất cả được chia làm hai nhóm, tìm ra tám đội đi tiếp vào vòng knock-out và các trận đấu sẽ diễn ra vào giữa tuần. Theo tính toán, doanh thu dự kiến rơi vào khoảng 10 tỷ euro, lớn hơn gấp bội so với Champions League hiện tại. Điều đặc biệt là phần lớn khoản tiền này chạy thẳng vào túi các đội bóng sáng lập.

Thật ra ý tưởng về Super League không phải mới. Từ năm 1998, nhóm những đội bóng hàng đầu châu Âu tự xưng là G14 đã lên kế hoạch cho một siêu giải đấu. Họ chỉ từ bỏ khi UEFA thay đổi cơ cấu lại Champions League, với thể thức và cách phân chia lợi nhuận như hiện tại.

Nhưng hơn hai thập niên qua, những gã nhà giàu của châu Âu luôn nghĩ về giải đấu dành cho riêng họ. “Chỉ Super League mới bảo đảm rằng các CLB lớn nhất sẽ luôn chơi ở đấu trường danh giá nhất, điều mà Champions League không thể đáp ứng”, Chủ tịch Real, Florentino Perez tuyên bố vào năm 2009, thời điểm Los Blancos bị loại khỏi Champions Leagueở vòng 1/8 lần thứ 5 liên tiếp.

Sau này, khi Real đã khôi phục quyền lực ở châu Âu với bốn chức vô địch trong vòng năm năm, Perez vẫn không ngừng mơ tưởng đến Super League. Lần này, lý do là về tiền bạc. Như đã thấy, dù liên tục nằm trong tốp đầu thế giới về khả năng kiếm tiền, nhưng Real vẫn không thể sánh nổi PSG hay Man City, các đội được hậu thuẫn bởi túi tiền không đáy của giới chủ siêu giàu.

Cuộc khủng hoảng tài chính vì đại dịch Covid-19 càng làm rõ điều này. Mùa hè 2020, cả Real lẫn Barca đều không xoay được tiền cho chuyển nhượng, nhưng Chelsea và Man City vẫn chi ra hàng trăm triệu euro. Super League ra đời sẽ giải quyết vấn đề này, với dòng tiền cố định không ít hơn 300 triệu euro đổ về mỗi năm.

Tuy nhiên, bóng đá không chỉ là 12 đội bóng kia. Sự xuất hiện của Super League khiến cả hệ thống bóng đá đảo lộn, từ các giải đấu châu Âu đến liên đoàn cơ sở, đồng thời phá vỡ truyền thống đã định hình bóng đá cả thế kỷ qua.

Quên đi quá khứ về cú ăn ba hay những đêm kinh điển ở Nou Camp 1999, Istanbul 2005 hoặc Moscow 2008. Bóng đá châu Âu bước vào một thời kỳ mới, hoàn toàn xa lạ và thiếu cạnh tranh. Đúng là sẽ rất phấn khích khi chứng kiến các cuộc đối đầu thượng thặng giữa Real-Barca-Juventus-MU- Milan-Liverpool, nhưng sẽ thật nhàm chán nếu nó xảy ra liên tục bởi các đội sáng lập nghiễm nhiên có suất tham dự.

Đó là lúc đặt câu hỏi, liệu Super League có thực sự là giải đấu tinh hoa, khi Tottenham và Arsenal đang đứng thứ 7 và 9 ở Premier League, hay Milan, Inter đã không vô địch Serie A trong hơn thập kỷ.

Trong khi đó, Champions League mà người ta từng biết sẽ là nơi tranh tài của Celtic, Rangers, Everton, Atalanta hay Sevilla, thay vì những đội làm nên lịch sử giải đấu. Cũng vì tham gia Super League, 12 siêu CLB có nguy cơ bị loại khỏi các giải đấu quốc gia. Có nghĩa là Wolves, West Ham có cơ hội vô địch Premier League, còn trận siêu kinh điển của Tây Ban Nha có thể là cuộc đối đầu giữa Real Sociedad và Villarreal.

Bóng đá đang đứng giữa ngã ba đường và thật khó hình dung điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Super League thực sự diễn ra và đưa châu Âu vào kỷ nguyên mới? 12 CLB lớn run sợ trước lập trường cứng rắn cùng đòn trừng phạt của FIFA, UEFA và rút lại ý tưởng, giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra? Hoặc UEFA chấp nhận nhượng bộ, tái cơ cấu Champions League một lần nữa để chiều lòng các ông lớn? Dù theo bất cứ cách nào, bóng đá sẽ không còn như cũ nữa.