Giá hàng hóa sẽ còn biến động trước thay đổi khó đoán của cung cầu

|

NDO - Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới khép lại nửa đầu năm 2024 với nhiều điểm sáng khi một loạt các mặt hàng đua nhau tăng lên mức cao kỷ lục. Trong đó, diễn biến đáng chú ý nhất thuộc về nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp. Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), bước sang quý III, giá hàng hóa sẽ tiếp tục biến động mạnh trước sự thay đổi khó đoán trong bức tranh cung-cầu và vĩ mô thế giới.

Lực mua chiếm ưu thế trên thị trường hàng hóa trong nửa đầu năm

Theo dữ liệu từ MXV, kết thúc ngày giao dịch 23/7, chỉ số MXV-Index đóng cửa tại mức 2.160 điểm. So với đầu năm, chỉ số này đã tăng 2,3%, phản ánh xu hướng tăng giá chung trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới. Trong đó, nguyên liệu công nghiệp và kim loại là hai nhóm dẫn dắt xu hướng tăng giá trên toàn thị trường. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ số MXV-Index Công nghiệp và Kim loại ghi nhận mức tăng lần lượt là 18,5% và 6,7%.

Lý giải cho diễn biến tăng giá này, MXV cho biết, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng trong giai đoạn các tháng đầu năm nay là nguyên nhân chính đã thúc đẩy đà tăng đối với các mặt hàng trong nhóm công nghiệp và kim loại.

Cụ thể, trong giai đoạn đầu năm, tình trạng khô hạn kéo dài đã khiến sản lượng cà-phê vụ 2024-2025 của nước ta đứng trước nguy cơ giảm xuống 23,5-25 triệu bao, mức thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Trong khi đó, tại quốc gia sản xuất cà-phê lớn khác là Brazil, chất lượng quả không đồng đều đã hạn chế kỳ vọng tích cực về sản lượng cà-phê vụ mới. Trong báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ cà-phê năm 2024 lần 2, Cơ quan cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) đã cắt giảm 600.000 bao cà-phê Robusta so với báo cáo lần 1, xuống còn 16,7 triệu bao.

Đứng trước loạt thách thức về nguồn cung, tính đến hết ngày 23/7, giá cà-phê Robusta ghi nhận mức tăng 62% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, giá mặt hàng này đã thiết lập mức đỉnh lịch sử vào ngày 12/7 khi leo lên mốc 4.849 USD/tấn. "Đi một bước theo một bước" với thị trường thế giới, giá cà-phê nhân xô tại Việt Nam đã xác lập mức giá cao nhất lịch sử vào ngày 30/4 khi tiến lên 134.400 đồng/kg, tăng khoảng 70% so với đầu năm và gấp hơn hai lần mức giá cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 24/7, giá cà-phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ ghi nhận trong khoảng 126.000 đồng/kg, là mức cao so cùng kỳ các năm.

Tương tự, đối với nhóm kim loại, rủi ro thiếu hụt nguồn cung cũng là yếu tố chính hỗ trợ cho giá các mặt hàng trong nhóm. Đáng chú ý, giá đồng đã tăng vượt mốc 11.200 USD/tấn vào cuối tháng 5, mức giá cao nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Trong giai đoạn này, thị trường đồng tinh chế toàn cầu được dự báo thiếu hụt 428.000 tấn trong năm nay, nhiều hơn so mức thiếu hụt 130.000 tấn được ghi nhận vào năm ngoái.

Nhóm kim loại quý cũng ghi nhận các mức tăng ấn tượng. Trong đó, có thời điểm giá bạc leo lên vùng giá 32 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 11 năm. Bên cạnh sự hỗ trợ của yếu tố cung-cầu, nhóm kim loại quý còn được hưởng lợi khi nhu cầu trú ẩn tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Mặc dù đà tăng của các mặt hàng trong nhóm kim loại bắt đầu chững lại từ tháng 6 và đang trong nhịp điều chỉnh giảm trở lại. Tuy nhiên, nhìn chung, sự bứt phá mạnh mẽ trong quý II đã giúp nhóm này trở thành một trong những điểm sáng của thị trường hàng hóa trong giai đoạn nửa đầu năm nay.

Giá hàng hóa có xu hướng biến động mạnh trong quý III

Hơn nửa năm đã đi qua, giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục biến động trong thời gian tới. Nhận định về xu hướng giá hàng hóa, ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết: “Các số liệu cho thấy hàng hóa nguyên liệu thế giới đã trải qua nửa đầu năm khá tích cực. Diễn biến giá vẫn liên tục biến động tạo ra sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đúng với tính chất của thị trường quy mô thế giới. Giai đoạn tới, thị trường nhiều khả năng vẫn tiếp tục biến động mạnh trước các biến số khó lường”.

Phó Tổng Giám đốc MXV Dương Đức Quang.

Đối với nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp, thời tiết vẫn là một trong những yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới diễn biến lên giá trong quý III năm nay. Riêng với cà-phê, thị trường hướng sự chú ý đến lo ngại La Nina thay thế El Nino vào cuối năm nay, điều này có thể khiến mưa bão và lũ lụt xuất hiện thường xuyên tại khu vực Tây Nguyên. Giá cà-phê vì thế cũng có nhiều tiềm năng neo ở mức cao hơn so cùng kỳ các năm trước, do nguồn cung nhìn chung vẫn eo hẹp. Tuy nhiên, giá khó có thể vượt đỉnh lịch sử gần 135.000 đồng/kg được ghi nhận vào tháng 4 trước đó.

Trong khi đó, đối với nhóm kim loại, diễn biến giá dự kiến sẽ có sự phân hóa giữa nhóm kim loại cơ bản và kim loại quý. Nhu cầu tiêu thụ hạn chế có thể gây áp lực lên các mặt hàng thuộc nhóm kim loại cơ bản, nhất là giá đồng và quặng sắt. Hiện mức tồn kho hai kim loại này tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, vẫn đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Hơn nữa, quý III thường là mùa tiêu thụ quặng sắt thấp điểm tại nước này. Do vậy, giá quặng sắt nhiều khả năng sẽ biến động quanh vùng 100-115 USD/tấn và khó có thể đảo chiều tăng mạnh trong giai đoạn này.

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng nhóm kim loại quý có triển vọng tăng giá sáng cửa hơn, khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được kỳ vọng sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ tháng 9 tới. Nếu FED hạ lãi suất như dự kiến, điều này sẽ tạo cơ hội tăng giá tốt cho nhóm kim loại quý, vì nhóm này rất nhạy cảm với lãi suất và biến động tiền tệ. Giá bạc hay giá bạch kim có thể dần lấy lại đà tăng từ giữa quý III và sớm chinh phục lại mức đỉnh thiết lập vào cuối tháng 5. Ngoài ra, đây vốn được coi là kênh đầu tư trú ẩn an toàn, nên bất cứ khi nào xung đột địa chính trị có dấu hiệu leo thang, giá kim loại quý sẽ vẫn được hưởng lợi.