Huyện Bảo Yên có hai quốc lộ là 70 và 279 chạy qua, với 16 xã và một thị trấn, trong đó có chín xã giáp với hai tỉnh Yên Bái và Hà Giang; vì vậy được coi là “cửa ngõ” của tỉnh Lào Cai với bên ngoài. Các huyện Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà có gần 200 km đường biên với Trung Quốc, với hàng chục lối mòn, lối mở tự phát rất khó kiểm soát, 100% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở đó.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lào Cai, toàn tỉnh có 24.543 lao động đang làm việc ngoài tỉnh, trong đó, có 2.579 lao động làm việc tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và 21.964 lao động làm việc tại các tỉnh khác trong cả nước; ngoài ra còn có hàng nghìn lao động đi làm thuê ở bên kia biên giới. Trước thực tế này, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch số 320, củng cố Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, mỗi thôn, bản, tổ dân phố có ít nhất một tổ truy vết để nắm chắc mọi di biến động ở từng ngõ xóm, từng hộ gia đình, tạo “tấm chắn thép”, kiểm soát chặt chẽ người ra vào địa phương, để sàng lọc, phân loại, nhằm phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Chúng tôi đến thôn Làng Đẩu, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tiếp giáp với xã An Lạc của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, gặp anh Hoàng Văn Hàn, dân tộc Dao, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng thôn Làng Đẩu đang cùng các thành viên trong tổ rà soát từng hộ dân, lập danh sách những người đi làm ăn xa, nhất là những người làm việc tại các tỉnh, thành phố phía nam.
Anh Hàn cùng các thành viên trong Tổ truy vết thường xuyên “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, nắm bắt thông tin, vận động người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, chủ động khai báo y tế, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Ở thôn Đầm Rụng, do nằm dọc theo quốc lộ 70, mật độ phương tiện và người qua lại đông, chị Đặng Thị Nga, dân tộc Dao, Tổ trưởng Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng ở đây có sáng kiến dùng loa kéo của gia đình để cùng các thành viên trong tổ di chuyển dọc theo quốc lộ và các điểm tập trung dân cư, khu vực họp chợ nhỏ lẻ để tuyên truyền về 5K phòng, chống dịch, phổ biến quy định mới nhất của địa phương về giãn cách, khai báo y tế và tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19…
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh, Hứa Thị Nhiêm, toàn xã có hơn 200 người là học sinh và người lao động đi ra tỉnh khác học tập và làm việc, nay đang trở về địa phương. Xã đã củng cố 14 Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng để tăng cường nắm bắt và truy vết kịp thời, ngăn chặn không để dịch lây lan ra cộng đồng.
Ở xã Tân An, huyện Văn Bàn, có các thôn Mai Hồng 1, Mai Hồng 2, Khe Bàn, Xuân Sang nằm sát cạnh đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phần đông là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Tại đây, có nhiều lối mở tự phát, rất khó kiểm soát người từ vùng dịch vào địa bàn. Chủ tịch UBND xã Tân An, Trần Thị Liên cho biết, xã củng cố các Tổ phòng, chống dịch cộng đồng, giao cho các tổ này “cắm chốt” liên tục 24 giờ mỗi ngày “bịt chặt” các lối mở từ đường cao tốc đi vào địa bàn xã, nắm bắt mọi di biến động người lao động từ vùng dịch trở về địa phương, nhờ đó phát hiện kịp thời để đưa đi cách ly tập trung, ngăn ngừa vi-rút lây lan ra cộng đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Giàng Thị Dung, toàn tỉnh đã lập hơn 20 chốt kiểm dịch y tế tại các lối mở kết nối ở vùng giáp ranh, để kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn. Tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng, do Bí thư chi bộ hoặc Trưởng thôn làm Tổ trưởng, với năm đến bảy thành viên là cán bộ Mặt trận, công an viên, thôn đội trưởng, y tế, người có uy tín…
Do bám sát cơ sở, nắm chắc từng hộ, từng khẩu ở địa bàn, am hiểu phong tục tập quán đồng bào dân tộc, các tổ phòng, chống dịch trở thành “cánh tay nối dài”, là “ăng ten” hiệu quả ở cơ sở, trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, tỉnh đã củng cố, kiện toàn hơn 1.600 Tổ phòng, chống dịch Covid-19 cộng đồng ở các thôn, bản, tổ dân phố góp phần “bịt kín” lỗ hổng vùng giáp ranh, “phủ sóng” tuyên truyền miệng thực hiện 5K và vận động người dân chấp hành nghiêm túc quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương và địa phương.