Ra mắt sách về những giải pháp, chống dịch Covid-19 của tuổi trẻ Việt Nam

|

NDO - Chiều 10/12, thông tin từ đồng chí Ngô Văn Cương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cho biết: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật đã ra mắt cuốn sách “Một số mô hình hiệu quả của Đoàn Thanh niên trong phòng, chống dịch Covid-19”. 

Cuốn sách gồm 4 phần: Các hoạt động tiên phong chống dịch; Các hoạt động tương trợ trong phòng, chống dịch; các hoạt động thích ứng; Nhật ký “San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch Covid-19”. Nội dung 3 phần đầu được trình bày tương ứng với thông điệp “Tiên phong - Tương trợ - Thích ứng” của Trung ương Đoàn.

Trong đó, phần “Tiên phong” giới thiệu về phương thức tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên tiên phong, sẵn sàng tham gia các hoạt động tình nguyện phòng, chống dịch, hỗ trợ hậu cần, khắc phục hậu quả dịch bệnh. Phần “Tương trợ” trình bày quá trình tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ đoàn viên, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Phần thứ 3 “Thích ứng” nêu rõ cách thức tổ chức các hoạt động hỗ trợ để đoàn viên, thanh thiếu nhi thích ứng với những chuyển đổi trong học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động, phong trào trong điều kiện “bình thường mới”.

Đặc biệt, Nhật ký “San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch Covid-19” sẽ mang đến cho bạn đọc cái nhìn thực tế về các mô hình, sáng kiến của thanh niên trong quãng thời gian dốc sức, chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng, san sẻ yêu thương với những người dân chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Ấn phẩm ra đời nhằm góp phần thiết thực vào công cuộc phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, khích lệ tinh thần tuổi trẻ, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tinh thần xung kích, những cách làm sáng tạo của của thanh niên trong phòng, chống dịch Covid-19 suốt thời gian qua.

Trong đó, có thể kể đến các chương trình, kế hoạch lớn như “Triệu bữa cơm”, “Triệu túi an sinh”, “San sẻ yêu thương - Chung tay vượt qua đại dịch”, “Triệu ly sữa và Hành trình của những cuốn sách”, “Chia sẻ cùng em thơ”, “Kết nối nông sản”…