Mùi của gốm

|

NDO - NDĐT- Sinh năm 1992, vừa tốt nghiệp Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, nhưng Lê Xuân Hoàng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã là ông chủ của một cơ sở sản xuất gốm sứ. Với mong muốn tạo ra nét khác biệt, độc đáo cho gốm sứ Bát Tràng, Hoàng đã sáng tạo ra sản phẩm gốm trang trí có mùi thơm cà phê rất đặc biệt.

Gốm cà phê là mặt hàng để trang trí, nhưng lại độc đáo ở chỗ có thể ngửi được. Những hạt cà phê được đính trên gốm tạo thành những hình khối đặc biệt và có mùi thơm dễ chịu. Sản phẩm với mùi cà phê có tác dụng khử mùi với mùi hương tự nhiên.

Trong một lần tham dự hội chợ gốm tại Buôn Mê Thuột, vì yêu thích mùi thơm của hạt cà phê, Hoàng đã nảy ra ý tưởng kết hợp sự tinh tế của kỹ thuật làm gốm Bát Tràng và hương thơm đặc trưng của cà phê Buôn Mê Thuột.

Nghĩ là làm, trở về Sài Gòn, cậu sinh viên năm thứ nhất Lê Xuân Hoàng bắt tay vào việc nghiên cứu gắn hạt cà phê lên những sản phẩm gốm vốn có của làng Bát Tràng – nơi Hoàng sinh ra và lớn lên.

Trước đây, làng gốm Bát Tràng đã có những sản phẩm gốm gắn gỗ, vì vậy khi bắt đầu làm Hoàng không nghĩ mọi chuyện khó khăn hơn mình tưởng. Gỗ chỉ cần xử lý qua là gắn lên được, nhưng hạt cà phê thì lại là một câu chuyện khác. Những lần thử nghiệm đầu tiên, nhìn hạt cà phê rơi lả tả, Hoàng nản lòng. Sau khi thay đổi nhiều công thức phối trộn đất mà không đạt được kết quả, Hoàng mới nhận ra rằng, mấu chốt của vấn đề nằm ở hạt cà phê. Hạt cà phê nếu không rút kiệt độ ẩm, xử lý hết độ dầu thì khi gắn lên sứ sẽ bị co lại và rụng hết. Nếu xử lý không khéo, men sẽ mất mùi.

Mất hai năm mày mò, nghiên cứu, tốn không biết bao nhiêu tiền của, Hoàng mới cho ra được công thức đặc biệt để rang hạt cà phê. Hạt cà phê chọn lọc kỹ, hương cà phê có sự khác biệt, hạt làm ra có độ đen tuyền rất đẹp.

Cận cảnh màu sắc của hạt cà phê sau khi đã được gắn lên sản phẩm.

Khi sản phẩm được hoàn thành và tìm thị trường tiêu thụ, Hoàng cứ đinh ninh rằng với sản phẩm độc đáo này chắc chắn khách hàng sẽ ưa thích. Hăm hở cho ra hơn 200 mẫu gốm cà phê đầu tiên để trưng bày và bán lẻ ở hội chợ gốm sứ Buôn Mê Thuột – nơi sản sinh ra cà phê, nhưng kết quả Hoàng không bán được sản phẩm nào. Gian hàng của Hoàng là gian hàng đông khách tham quan nhất nhưng cũng là gian hàng ế ẩm nhất.

Nhiều người khi biết Hoàng sản xuất ra loại gốm cà phê đã ngăn cản, cho rằng đây là ý tưởng điên rồ và lợi nhuận không cao. Với việc ra mắt thất bại và những lần đi chào hàng không mấy mặn mà, Hoàng không ít lần nản lòng và muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi Hoàng tự nhủ: “Mình còn trẻ và mình phải thử, nếu không thành công thì cũng rút ra được bài học sau này”.

Công đoạn gắn cà phê lên sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Thông thường, để gắn xong một khoảng nhỏ như trong hình, người thợ phải tập trung lao động trong khoảng một tiếng.

Vận may mỉm cười khi Hoàng biết đến Hội chợ của Đại sứ quán Việt tại Anh trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa Anh năm 2013. Tại đây, sản phẩm gốm cà phê đã gây được sự chú ý với các khách hàng nước ngoài. Khi trở về Việt Nam, Hoàng đã có những đơn hàng đầu tiên xuất đi Dubai.

Hiện nay, sản phẩm gốm cà phê được xuất đi các nước EU, Trung Quốc. “Sản phẩm làm đến đâu hết đến đấy, nhiều khi phải từ chối khách hàng vì không kịp”, Hoàng cho biết.

Để cho ra một sản phẩm gốm cà phê mất khá nhiều thời gian, nhất là công đoạn chọn hạt cà phê gắn lên sản phẩm. Hạt cà phê được lấy từ Buôn Mê Thuột, phải có kích thước trên 7 mm. Người thợ đồng thời chọn những hạt cà phê đồng đều về kích thước trong quá trình gắn hạt lên sản phẩm.

Những hạt cà phê dùng để gắn lên sản phẩm phải là loại cao cấp, kích thước không được bé hơn 7 mm. Nếu hạt cà phê không đạt kích thước, chất lượng sản phẩm sẽ không cao, hơn nữa sẽ gây khó khăn cho người thợ khi làm việc.

Sản phẩm gốm cà phê giao động từ 200 nghìn đồng trở lên, tùy kích thước của từng sản phẩm. Để tạo nên sự khác biệt, Hoàng còn sáng tạo ra các mẫu gốm có gắn hạt cà phê kết hợp với gỗ.

Những sản phẩm gốm với sự kết hợp của cà phê và gỗ được bày bán trong của hàng của Hoàng. Theo giá niêm yết, chiếc bình gắn cà phê và gỗ (ngoài cùng bên trái ảnh) có giá hơn 15 triệu.

Tuy nhiên, điều Hoàng trăn trở là làm sao có thể mở rộng được thị trường tiêu thụ. Theo Hoàng, sản phẩm gốm cà phê hiện nay vẫn chưa được nhiều người biết đến. Tâm lý của người Việt Nam muốn sử dụng sản phẩm có nhiều công năng và sử dụng lâu dài. Nhiều khách hàng cũng nghi ngại sản phẩm gốm cà phê liệu có bị mối mọt hay không, có bị mất mùi hay không. “Vì xử lý kỹ nên gốm cà phê không thể bị mối mọt nhưng theo thời gian mùi cà phê không thể được như ban đầu. Nhiều sản phẩm gốm cà phê hiện nay đã được ba năm nhưng mùi vẫn không thay đổi”, Hoàng cho biết.

Chặng đường phía trước để chinh phục khách hàng còn rất dài và nhiều khó khăn, biết vậy, nhưng Lê Xuân Hoàng vẫn chấp nhận đương đầu vì tình yêu, sự say mê với những giá trị truyền thống của quê hương. Gặp những người trẻ như Hoàng, tin rằng gốm sứ Bát Tràng sẽ được gìn giữ và tạo dựng được những giá trị mới.

Một số sản phẩm gốm cà phê được trưng bày tại "Không gian gốm Bát Tràng trong lòng cố đô" trong khuôn khổ Festival Huế 2014.

Không chỉ cà phê, gỗ cũng là loại nguyên liệu đem tới nhiều cảm hứng sáng tạo cho Hoàng. Phần lớn những sản phẩm nhỏ như trong ảnh đều là hàng mẫu, thường dùng để giới thiệu, quảng cáo với khách hàng.