Những bức thư nhỏ của nhà văn lớn

|

Tôi được làm việc với nhà văn Tô Hoài hơn 10 năm, trước và sau năm 1990. Bấy giờ lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội còn có nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhạc sĩ Thái Cơ, các nhà thơ Vũ Quần Phương, Bằng Việt và Phan Thị Thanh Nhàn.

Với tài năng thiên bẩm, ông trở thành nhà văn lớn năm 20 tuổi với Dế mèn phiêu lưu ký. Sau này, ngoài sáng tác, ông còn viết nhiều hồi ức và khảo cứu về Hà Nội.

Trong cả tác phẩm và ngoài đời, ông đều thể hiện sự tinh tường và cần mẫn ở mọi góc nhìn. Ông thường để ý rất nhanh những cử chỉ mà người ta hay coi thường là "vặt vãnh", để từ đó phân tích, khái quát suy đoán về bản chất. Từ hiểu bản chất đến hình thành niềm tin, rồi từ đó mà giao việc làm. Chính vì thế, những năm làm quản lý một hội liên hiệp với chín chuyên ngành, tham gia công tác ngoại giao, Mặt trận Tổ quốc..., ông vẫn tạo được cho riêng mình một khoảng thời gian tĩnh lặng để suy ngẫm và sáng tác. Sức sáng tạo thật lớn ấy, minh chứng từ hơn 150 tác phẩm và sự mến mộ của các tầng lớp bạn đọc đã dành cho ông và tác phẩm của ông.

Công việc nhiều, ngoài những buổi họp, cuộc gặp trực tiếp ở cơ quan; ông còn điều hành công việc bằng thư tay -những mẩu giấy đủ các loại, đủ kiểu "văn phong", làm nên một phong cách rất riêng của Tô Hoài trong đời sống. Càng những năm sau này, ông trao đổi với tôi bằng thư càng nhiều hơn. Tôi trân trọng giữ được khá nhiều mẩu giấy nhỏ và một số trang bản thảo ông tặng. Có bản ông còn sửa chữa bằng các màu mực khác nhau, sửa lại dăm, bảy lần. Ông cẩn trọng lắm. Trước đại hội, ông để tôi viết báo cáo. Đọc lại bản thảo, ông viết: "Tôi chưa chữa xong báo cáo đại hội nên tôi về Nghĩa Đô tập trung viết cho xong. Hội Văn nghệ Dân gian họp 23-2 tôi sẽ đến dự" (ông rất ưu tiên ngành văn hóa truyền thống). "Hội Mỹ thuật ngày 24 mời cô Nhàn (Phan Thị Thanh Nhàn) dự, cũng như hội Âm nhạc ngày 28-2 mời cô Nhàn, Hội Nhà văn, mời anh Vũ Quần Phương... Tôi gửi Phương tờ khai xin thẻ nhà báo, e người ta thấy mình quá già, nhờ Phương nhấn mạnh hộ. Bao nhiêu năm nay trong mọi việc cần giấy tờ tôi đều dùng Thẻ Nhà báo cho tiện... Nhờ các anh ấy giúp cho". (Hoài).

Còn đây là thư ông hướng dẫn làm tờ trình xin kinh phí bổ sung: "Tôi vừa gặp anh Kha (Phó Chủ tịch thành phố). Đầu năm ta đã xin rồi... cho nên việc xin bổ sung là phải nêu những việc cần thiết chứ không phải cứ liệt kê bình thường như xin tiếp. Tóm lại, phải xin có đặc điểm và cần thiết mới có thể được" (Hoài). Ý ông nói: phát sinh là phải có lý do chính đáng. Đại hội xong, ông viết: "Diễn văn khai mạc Hội Nhà văn rất hay. Anh Phạm Thế Duyệt có chúc mừng tôi là: "Không có anh thì không thể có khai mạc thế này, và thật vinh dự cho Hà Nội". Tôi không chủ trương tiếp ai hoặc đoàn nào về dự Đại hội Nhà văn, anh không phải lo" (Hoài).

Nhà văn Tô Hoài còn là tấm gương sáng trong thực hành tiết kiệm. Lúc bấy giờ, kinh phí cho một đại hội là rất ít, giấy in tài liệu cũng hiếm lắm. Điều nhỏ ấy làm ông phải cấn cá, do dự vô cùng: "Không biết các bản này có phải phát cho đại biểu không. Nếu phát thì hai loại là 1.000 bản, tôi e quá nhiều. Sau đại hội lại phải gửi chấp hành mới để làm kế hoạch thực hiện. Anh hỏi các vị nào có kinh nghiệm xem. Theo ý tôi chỉ in khoảng 10 bản để dùng mà thôi. Nhưng lại sợ ít quá" (Hoài).

Khó khăn trong cuộc sống riêng cũng đeo đẳng ông một thời gian. Chỗ ở của ông tại Nghĩa Đô quá xập xệ, cần sửa thêm để ngồi viết. Ông viết cho tôi những dòng này: "Cuối năm, cạn tiền, nhiều việc phải tiêu. Thú thật là vì đưa tiền cho anh em thợ còn chưa thích ứng nên phải kéo dài thì Mỹ phải giúp tôi cho gọn lại. Chỉ vài, ba triệu, chục triệu là cùng, tôi đoán thế" (Tô Hoài).

Nhân đây, tôi cũng muốn trích đoạn lời dặn trong một lá thư gần như khi ông chuẩn bị nghỉ hẳn: "Tôi phải có mặt ở chỗ Mặt trận Tổ quốc Thành phố sáng thứ tư 10-4, từ lúc 7 giờ sáng. Mỹ đi sớm lên chỗ tôi ở (Nghĩa Đô) khoảng 6 giờ 30 rồi đèo tôi về Hà Nội, đến đấy thì vừa 7 giờ và tôi chỉ làm việc khoảng 30 phút rồi lại đến Nghĩa Đô ngay. Mỹ cố giúp tôi, đừng thuê xe ô-tô, mà cũng đừng nhờ ai khác nhé" (Hoài).

Rất nhiều bức thư khác, vừa là điều hành công việc, vừa là nơi để ông có thể bộc lộ những suy tư cuối cùng sau hàng chục năm công tác. Tôi không nói hết ở đây được. Chỉ biết rằng, bên cạnh sự tài hoa của nhà văn Tô Hoài, chính ông cũng có một đời sống dung dị, dân dã như ta thường thấy. Và, chắc chắn, những điều ấy đã khiến ông càng thân thiết hơn.