“Suốt gần 50 năm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, tôi chưa bao giờ trực tiếp nhìn thấy những cuộn phim tư liệu bị xuống cấp nhanh như ở Việt Nam. Tuổi thọ một cuộn phim như vậy thường tồn tại được trong khoảng 100 năm trong điều kiện nhiệt độ bằng 0, còn ở Việt Nam do điều kiện thời tiết nóng và độ ẩm cao nên phim chỉ trụ được khoảng 30-40 năm. Những phim đã bị hư hỏng thì rất khó khôi phục cả hình ảnh và âm thanh” - ông Jean - Pierre Verscheure nói.
Ông Jean-Pierre Verscheure cho biết, dự án khôi phục kho phim tài liệu đã bắt đầu tại Việt Nam cách đây ba năm, sau chuyến thăm của Ngài Bộ trưởng-Thủ hiến Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp (Wallonie-Bruxelles) Rudy Demotte vào năm 2013. Khi đó, ông Jean-Pierre Verscheure là chuyên gia được cử sang nắm về tình trạng xuống cấp của kho phim tài liệu ở Việt Nam, và đã có một bản báo cáo 50 trang cụ thể về sự xuống cấp nghiệm trọng này. Khi đó, ông đã khẳng định, nếu không có biện pháp bảo vệ khẩn cấp, trong thời gian ngắn tới sẽ mất hết phim tài liệu.
Thời gian đó, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã xin được một số vốn lớn để chi cho việc khôi phục một số phim tài liệu quý. Và sắp tới, Hãng sẽ được xây dựng một tòa nhà riêng với đầy đủ các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm để bảo quản phim. Tuy nhiên, từ nay cho đến lúc hoàn thành công trình, vẫn hằng ngày có những thước phim tiếp tục hỏng. Ông Jean-Pierre Verscheure cho biết, mỗi ngày lại có khoảng 10 phút phim biến mất, và cứ đà này, chỉ trong khoảng từ 10-15 năm nữa là phim tài liệu cũ của Việt Nam biến mất hoàn toàn. Không chỉ nhiệt độ và độ ẩm cao, sự gia tăng của vi khuẩn theo thời tiết cũng là một yếu tố góp phần thúc đẩy quá trình bị hư hỏng của phim tài liệu.
Ông Jean-Pierre Verscheure cho biết, trong ba năm ở Việt Nam, công việc chủ yếu của ông là giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm với các cán bộ của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, cũng như trao đổi các công cụ để bảo quản phim. Sau ba năm, các công tác bảo quản phim vẫn chưa làm được nhiều. Tuy nhiên, đã có được những thành quả bước đầu đáng quý: Khoảng 3.000 cuộn phim nhựa (tương đương 30.000 phút phim) trong số 12.000 cuộn phim quý cần cấp cứu đã được “cứu” khỏi tình trạng xuống cấp.
Trong số các phim được cứu ở giai đoạn này, có nhiều bộ phim nhựa đã từng đoạt giải thưởng lớn trong nước và nước ngoài và có tuổi đời khá lâu như: “Chiến thắng Tây Bắc” (sản xuất năm 1954), “Điện Biên Phủ” (1954), “Giữ làng giữ nước” (1954), “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”(1960)… và cũng có cả những bộ phim được sản xuất cách đây chưa lâu như “Bướm, côn trùng cánh vảy” (2010), “Thang đá ngược ngàn” (2002), “Chị Năm Khùng” (2002), Trở lại Ngư Thủy (1997).
Hiện tại, ông và các cán bộ Hãng phim một mặt tiếp tục công việc lau chùi, khử khuẩn những thước phim quý còn lại, nghiên cứu chuyển sang tư liệu kỹ thuật số, một mặt báo cáo tình trạng và lấy ý kiến, thông tin từ các chuyên gia hàng đầu thế giới. Việc cứu phim bây giờ là tiếp tục cứu những phim bị xuống cấp, giữ cho những phim được cứu không hỏng trở lại, và tìm hướng bảo quản lâu dài cho kho phim.
Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là đơn vị hàng đầu trong sản xuất phim tài liệu, khoa học phục vụ mục đích tuyên truyền, chính trị, văn hóa, đời sống… Chính vì thế Hãng không có chức năng lưu giữ cũng như bảo quản phim, và không được cấp kinh phí cho công việc này. Việc khôi phục và tiếp tục bảo vệ những thước phim tư liệu quý cần một khoản kinh phí không hề nhỏ, từ xây dựng, cải tạo cơ sở lưu trữ phim, ứng dụng các kỹ thuật… cho đến đầu tư hệ thống ổn định nhiệt độ, độ ẩm… Chuyên gia Jean-Pierre Verscheure mong mỏi rằng, sau chuyến làm việc lần này, ông sẽ không còn tiếp tục phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng xuống cấp đáng tiếc của những thước phim tư liệu quý của Việt Nam – những di sản vô cùng quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là những thước phim tư liệu quý về chiến tranh.