Quy hoạch nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy mô 5.078,5 ha, gồm vùng lõi và vùng đệm. Trong đó, vùng lõi rộng 155,5 ha, gồm ba hợp phần: Thành Nội, La Thành, Đàn tế Nam Giao; vùng đệm 4.923 ha, gồm di tích quốc gia, cấp tỉnh và các công trình tôn giáo tín ngưỡng (gồm cả khu bảo vệ I và II) rộng 54,87 ha.
Ngoài ra, còn 4.868,13 ha khu vực cảnh quan đồi, núi, sông hồ quan hệ gắn kết với di sản thế giới Thành Nhà Hồ, khu vực phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, thị trấn Vĩnh Lộc, làng xã và đồng ruộng.
Quy hoạch hình thành hai trục di sản quan trọng: Trục dọc nối Thành nhà Hồ từ cửa Nam đến núi Đún và di tích Đàn tế Nam Giao; trục ngang gắn kết sông Mã với khu quảng trường (khu vực đón tiếp, tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội, trưng bày, quản lý di sản) và kết nối với La Thành phía Tây. Cùng với đó là quy hoạch cụ thể về không gian vùng lõi và vùng đệm của khu di tích.
Rồng đá trong Thành nội.
Theo cơ quan chuyên môn, phạm vi lập quy hoạch xác định theo ranh giới di tích được UNESCO công nhận, bao gồm khu vực di tích Thành nhà Hồ và vùng phụ cận thuộc ranh giới hành chính các xã: Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh và thị trấn Vĩnh Lộc (thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Tăng cường quản lý theo quy hoạch, tổ chức thực hiện đúng quy hoạch nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ; bảo vệ cảnh quan, môi trường khu di sản; kết nối các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử đặc biệt của khu vực bắc Trung Bộ...
Tới đây, Thanh Hóa tiếp tục bố trí nguồn vốn tập trung, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa, trải nghiệm, các hoạt động văn hóa tâm linh, trò chơi dân gian, dã ngoại - thể thao leo núi, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng..., hình thành các tuyến du lịch chuyên đề như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng (thăm các làng truyền thống: Xuân Giai, Tây Giai, Đông Môn gắn với Thành Nhà Hồ), du lịch dã ngoại kết hợp leo núi, du lịch đường sông dọc theo sông Mã.
Thanh Hóa kỳ vọng, sớm hình thành ba tuyến du lịch kết nối: Thành Nhà Hồ với các kinh đô cổ như khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cố đô Huế, cố đô Hoa Lư, Khu trung tâm Hoàng thành - Thăng Long; Thành Nhà Hồ với các di sản thế giới như: Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha - Kẻ Bàng, Tràng An, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long và tuyến du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các điểm, cụm điểm tham quan du lịch trong tỉnh.