Từ khi được UNESCO vinh danh cồng chiêng Tây Nguyên là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” đến nay công tác quản lý, giữ gìn cồng chiêng và bảo tồn phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở tỉnh Kon Tum có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến tháng 9 năm 2015, tỉnh Kon Tum có hơn 300 đội nghệ nhân cồng chiêng với gần hai ngàn bộ cồng chiêng các loại.
Tỉnh Kon Tum đã thành lập Phòng Di sản văn hóa và Ngân hàng văn hóa phi vật thể để lưu trữ, tổ chức giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên điạ bàn tỉnh. Trong đó, có di sản văn hóa cồng chiêng cho cộng đồng và khách tham quan trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Đồng thời, tỉnh tổ chức mở 26 lớp truyền dạy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian cho gần 600 người tham gia học tập.
Theo báo cáo của ngành văn hóa tỉnh Kon Tum, hiện có 2/3 nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng trên địa bàn đang ở độ tuổi thanh niên, trong đó có nhiều thiếu niên 13, 14 tuổi. Tuy vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng một cách bền vững, tỉnh Kon Tum đang gặp một số khó khăn như: thiếu kinh phí để tổ chức truyền dạy; một số lớp trẻ thì chưa hiểu đầy đủ giá trị văn hóa, không gian cồng chiêng nên ít yêu thích, quan tâm…