Cẩm Nê còn lại chút này

|

NDO - NDĐT - Làng chiếu Cẩm Nê (xã Hoà Tiến, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) là làng nghề truyền thống có từ lâu đời, một thời nổi tiếng trong nam, ngoài bắc. Nhưng đến thời điểm này, chỉ còn lại duy nhất một hộ còn gắn bó với nghề, và người phụ nữ duy nhất còn làm chiếu nay cũng đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.

Những ngày đầu tháng năm, chúng tôi trở lại làng chiếu Cẩm Nê. Dấu tích một làng nghề truyền thống đã có lúc thịnh nhất với cả trăm hộ cùng gắn bó với cây cói, cây lác, dệt nên những chiếc chiếu bền đẹp, nay chỉ còn duy nhất gia đình bà Phan Thị Đào, 80 tuổi còn duy trì nghề truyền thống mà cha ông để lại.

Trong căn nhà nhỏ còn vương mùi thơm của những bó cói, bó lác-nguyên liệu làm chiếu, bà Đào dừng tay dệt chiếu khi có khách ghé thăm. Câu chuyện có những lúc lặng đi bởi những trăn trở của một người dành cả cuộc đời mình với chiếu. Bà nói rằng, lên tám tuổi, gia đình khó khăn, bà đã mon men theo chân cha làm chiếu. Rồi tình yêu với nghề cứ thế thấm dần và trở thành niềm đam mê không thể dứt bỏ. Cả hai vợ chồng bà đều gắn bó với nghề dệt chiếu. Biết theo nghề sẽ khổ, nhưng, bà không thể dứt. Cách đây bốn năm, chồng mất, bà một mình cứ thế đeo đuổi ngọn lửa với nghề. Và ngọn lửa nghề ấy đã cháy được 70 năm. Đến nay, bà là người kế tục cái nghề truyền thống lâu đời của dòng họ Phan. Bí quyết để có chiếc chiếu Cẩm Nê nổi tiếng, bà chia sẻ: “Khác với chiếu ở nơi khác, thường dệt trắng sau đó mới đem hấp, in hoa màu, chiếu ở Cẩm Nê được dệt từ lác đã được nhuộm màu trước rồi đem dệt thành những hoa văn khéo léo. Vì thế mà chiếu không bị ra màu, không dính vào quần áo khi nằm”.

Bà Phan Thị Đào, người duy nhất còn làm chiếu Cẩm Nê

Như cách bà nói, thì cứ ước ao sao làng nghề hồi sinh, để nhà nhà trong xóm sống lại cùng nghề chiếu. Nhưng đó chỉ mãi là ước mơ của một người đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Nhìn những dụng cụ thô sơ với hai khung dệt dùng làm chiếu của bà Đào, chúng tôi cảm nhận được ở đó nỗi nhọc nhằn không nói hết. Ngày xưa, sản phẩm chiếu Cẩm Nê được nhiều người ưu chuộng bởi mẫu mã đa dạng, chất liệu bền, đường viền may chắc, màu sắc đẹp, nằm mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Trước đây, chiếu đã từng được sử dụng trong Cung đình ở Huế vào thời Nguyễn. Và từ làng quê nhỏ bé này, đã có người làm chiếu được phong chức Cửu phẩm. Chiếu Cẩm Nê đã theo nhiều thương lái du nhập đến các vùng miền khác của đất nước. Nhưng, nhiều năm qua, sự biến đổi của thị trường đã làm cho guồng quay dệt chiếu không còn đều đặn, cả tiếng rao “Chiếu Cẩm Nê đây!” cũng chỉ còn lại trong ký ức.

Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác trong cả nước, trước sự mai một của làng nghề này, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân về nguồn vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm…để mong hồi sinh làng nghề. Nhưng, vì nghề chiếu gặp nhiều khó khăn, hàng trăm hộ dân đã bỏ nghề, tìm kiếm nghề khác để mưu sinh. Chính gia đình của bà Đào, 11 đứa con, thì bây giờ cũng tìm kiếm các công ăn việc làm khác, không còn ai theo nối nghiệp nghề truyền thống. Vì khó, khổ và không có đầu ra cho sản phẩm.

Bà kể rằng, trước đây, vợ chồng bà cùng các con đều dệt chiếu. Rồi cũng tự chở chiếu đi bán dạo. Đàn bà thì ở nhà dệt, còn đàn ông trong nhà thì chở chiếu đi tiêu thụ. Thời điểm đó, vẫn sống được với nghề, thu nhập ổn định nuôi sống cả gia đình. Có thời điểm, gia đình bà từ khi làm nghề cũng đã gặp không ít khó khăn. Từ việc lặn lội vào Duy Xuyên (Quảng Nam) để mua nguyên liệu lác về làm chiếu. Đến việc vay vốn ngân hàng để đầu tư nguyên liệu, mua sắm khung dệt mới nhằm mở rộng sản xuất. Nhưng cơn lốc thị trường từ khi chiếu ni-lon, chiếu trúc, nệm cao su xuất hiện, chiếu Cẩm Nê mất dần chỗ đứng trong thị trường. Điều đó đã khiến gia đình bà chao đảo. Gia đình bà Đào đã phải bán khu đất phía sau nhà để trả nợ. Con cháu của bà thì nản nên bỏ nghề, bỏ quê lên thành phố sinh sống, lập nghiệp. Không chỉ mình gia đình bà Đào, nhiều hộ trong làng cũng đã bỏ nghề, người đi nhặt ve chai, người thì phụ hồ. “Tụi nó nói thà làm phụ hồ, bán chai bao còn hơn là làm cái nghề kiếm được mấy đồng bạc này” – bà Đào bùi ngùi.

Bà nói, đã có lúc nản quá bỏ nghề, nhưng rồi không thể bỏ. Hiện có đứa cháu gái đang theo bà làm chiếu. Hiện tại, tuổi cao, sức yếu, bà dệt và bán chiếu ngay tại nhà. Ai biết hoặc nghe tiếng thì tới đặt làm chứ không đi rao bán như trước nữa.

Đang vào mùa gặt tháng năm, cả làng đều ra đồng gặt lúa, còn mỗi bà Đào đang ngồi trước những bó lác mang màu thời gian. Chia tay người cuối cùng còn giữ nghề làm chiếu Cẩm Nê, vẫn day dứt một câu hỏi, ngọn lửa làng nghề biết bao giờ mới được hồi sinh?