Khu vực đền Trần Thương nói riêng và xã Nhân Đạo nói chung trước kia là vùng sông nước, đồng chiêm trũng, được Trần Hưng Đạo chọn đặt kho lương vì có thế đất linh thiêng mang biểu tượng “Hình nhân bái tướng”, lại thuận tiện trong việc di chuyển lương thảo, khí giới từ Thăng Long tới các khu quân sự trong cuộc ứng phó với quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285).
Sau chiến thắng quân Nguyên - Mông, ngài đã cắm sinh phần, lấy dân ở đây làm tôi lệ, từ đó có tên làng Trần Thương. Chính vì hội đủ yếu tố “Thiên - Địa - Nhân”, nên nhân dân đã dựng đền thờ ngài trên mảnh đất Trần Thương để tưởng nhớ công ơn vị tướng tài ba, được người đời tôn vinh lên bậc thánh.
Theo các cụ già ở thôn Trần Thương, hằng năm, cứ vào tiết “Tháng Tám giỗ Cha”, các cụ đều có lệ rước nước và nhập lương từ sông Hồng. Tục này nhằm tái hiện lại dữ kiện lịch sử về việc phát lương khao quân của quân đội nhà Trần khi đánh thắng giặc Nguyên - Mông lần thứ ba (năm 1288) trở về. Dựa trên những yếu tố lịch sử và tâm linh, từ năm Canh Dần (2010), tỉnh Hà Nam đã tổ chức Lễ phát lương cầu lộc, cầu phúc, cầu một năm sung túc, no đủ cho nhân dân và khách thập phương về lễ bái tại đền.
Theo đó, Lễ phát lương năm 2015 sẽ được tổ chức vào 0 giờ ngày 14 tháng Giêng năm Ất Mùi tại đền Trần Thương. Trước đó, vào ngày 10 tháng Giêng, nhân dân thôn Trần Thương đã làm lễ cáo yết xin phép Đức Thánh Trần cho tổ chức lễ phát lương.
Nghi lễ phát lương có ba phần: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ, do bảy cô gái thanh tân mặc áo dài màu đỏ, đội khăn đỏ, đội bảy mâm đựng những túi lương nhỏ, chín chàng trai tân mặc quần áo màu đỏ, đầu đội nón lá đỏ, thắt lưng khăn vàng, ống chân quấn xà cạp viền xanh, chân đi giày vải màu vàng có trách nhiệm khiêng kiệu, trên kiệu đặt ba túi lương lớn.
Đi đầu đoàn rước là đội sư tử, dàn trống, chiêng, cờ ngũ sắc, bảy mâm lương thảo, đội tế nam, đội tế nữ của xã, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, tỉnh huyện, nhân dân và du khách thập phương. Phần thứ hai là lễ châm đuốc và dâng hương của các đại biểu. Phần thứ ba bảy cô gái, chín chàng trai rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.
Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần năm 2015 là năm thứ năm được tổ chức trên quy mô lớn. Đồng thời, đây cũng là năm tưởng niệm 715 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa tiêu biểu.
Theo ban tổ chức, các hoạt động diễn ra trong lễ hội phát lương năm 2015 sẽ được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống, bảo đảm cả phần lễ và phần hội, mang đậm các văn hóa tín ngưỡng truyền thống, kết hợp với văn hóa tâm linh là bản sắc của đền Trần Thương, còn phần hội được mở rộng theo hướng xã hội hóa.
Năm nay, Ban tổ chức Lễ phát lương đền Trần Thương đã chuẩn bị 150 nghìn túi lương. Du khách về với lễ hội phát lương sẽ nhận được một túi lụa màu đỏ. Ngoài ấn và thẻ, bên trong túi lương của Đức Thánh Trần còn có năm loại hạt: đỗ đỏ, đỗ xanh, hạt đậu nành, ngô đỏ, thóc nếp cái hoa vàng.
Để phục vụ du khách thập phương đến với lễ hội, UBND xã Nhân Đạo và Ban quản lý Di tích đần Trần Thương đã thành lập năm tiểu ban phục vụ gồm: Tiểu ban tuyên truyền, trang trí; nghi lễ; an ninh trật tự; y tế, vệ sinh môi trường và tài chính, hậu cần. Hiện, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất với số người phục vụ lên đến trên một nghìn.
Công an huyện Lý Nhân đã xây dựng phương án bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông trên các tuyến đường trong huyện. Ban tổ chức cũng bố trí các điểm chốt trực tại các trục đường quanh khu vực đền, bảo đảm giao thông thông suốt, không để xảy ra tình trạng ách tắc. Ngoài việc tăng số lượng túi lương, tại 30 điểm phát lương, ban tổ chức đã thiết kế các hàng rào để tránh tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh trật tự, bảo đảm những người đến với lễ hội đều được nhận lương.
Việc tổ chức lễ hội phát lương Đức Thánh Trần, nhằm đáp ứng nhu cầu về văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách thập phương nhân dịp đầu xuân năm mới. Đồng thời cũng là dịp để giáo dục truyền thống và khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước. Qua đó, tôn vinh giá trị văn hóa lúa nước, giá trị lương thực trong đời sống con người, góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và dựng nước. Đặc biệt, lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới có ý nghĩa thiết thực trong việc động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.