Sau khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa dâng hương tưởng niệm Bà Triệu, người anh hùng liệt nữ, là nghi thức đọc chúc văn, tế lễ. Vinh danh thân thế, sự nghiệp của Bà Triệu, Chủ tịch UNBD tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng khẳng định: Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu tuy chưa đem lại nền độc lập cho dân tộc nhưng là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc ta, làm vẻ vang bản lĩnh của người phụ nữ Việt Nam. Đền thờ Bà Triệu có phong cách kiến trúc truyền thống, nghi lễ, bài trí gắn liền với tâm thức cổ truyền. Cùng với đền thờ Bà Triệu ở núi Gai là lăng mộ bà trên núi Tùng, đình Phú Điền, Nghè Đệ Tứ... Quần thể di tích được bảo tồn khá nguyên vẹn, nhiều yếu tố nguyên gốc. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu là di tích quốc gia đặc biệt.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trang trọng trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu Di tích Bà Triệu cho tỉnh Thanh Hóa.
Tiếp nối là chương trình nghệ thuật có chủ đề “Lời thề Trinh nữ” do nghệ sĩ, diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trình diễn nêu bật khí phách, đức hạnh của Triệu Thị Trinh, cùng bản lĩnh của nhân dân Việt Nam trong chống giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Một cảnh trong chương trình “Lời thề Trinh nữ”.
Lễ hội Bà Triệu năm 2015 nhằm tri ân, tưởng nhớ nữ anh hùng kiệt xuất Triệu Thị Trinh, người đã viết thêm trang sử vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta.
Lịch sử ghi lại, Bà Triệu quê ở huyện Nông Cống, nay thuộc vùng đất Quan Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Không chịu ách Bắc thuộc, năm 248, Triệu Thị Trinh cùng anh phất cờ khởi nghĩa. Với ý chí và hành động “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ, há chịu cúi đầu làm tỳ thiếp người ta ư”, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan tỏa ra quận Giao Chỉ. Giặc Ngô khiếp uy bà, truyền khẩu: “Múa giáo đánh cọp dễ/Đối mặt Bà vương khó”. Nhà Ngô phải điều động hơn tám nghìn quân do Lục Dận, thứ sử Giao Châu chỉ huy sang đàn áp. Bà tuẫn tiết ở núi Tùng Sơn, nay thuộc xã Triệu Lộc. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất, khát vọng giành độc lập, bảo vệ các di sản văn hóa cổ truyền, để thế hệ tiếp nối xây dựng, bảo vệ nền tự chủ của dân tộc Việt nam.
Ghi nhận công, đức của bà, Lý Nam Đế lập miếu thờ bà, truy phong là “Bật chính anh hùng tài trinh nhất phu nhân”. Thế hệ sau và nhân dân đã xây dựng đền thờ bà và trong dân gian mãi lưu truyền “ Tùng Sơn nắng quyện mây trời/ Dấu chân Bà Triệu sáng ngời sử xanh”.