Bên cạnh khá nhiều tác phẩm nửa ký nửa truyện còn quá thô vụng, vẫn có những tác phẩm vượt lên nhờ có chất “muối mặn chát” của đời sống. Tập truyện ngắn “Nhãn cười” của Trần Nguyên Mỹ là một thí dụ.
Đọc truyện của anh, người đọc không còn quan tâm đến sự tinh xảo của nghệ thuật tự sự mà đau đáu với một ngọn lửa rừng rực cháy - ngọn lửa của hiện thực đời sống vừa quen vừa lạ. Quen bởi đó vẫn là bức tranh cuộc sống ở vùng cao, lạ bởi những số phận con người được soi chiếu từ điểm nhìn vừa dữ dội vừa nên thơ. Có thể tạm khái quát có hai cảm hứng lớn trong tập truyện ngắn này:
Thứ nhất, cảm hứng bi kịch - cảm thương với những thân phận con người miền núi. Có hàng loạt tác phẩm được sáng tác theo dòng cảm hứng chủ đạo này: “Khỉ điên”, “Mật gấu”, “Nếm đít ong”, “Cây đinh lăng”… Với sự am hiểu sâu sắc đời sống và văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, Trần Nguyên Mỹ đã sử dụng ngôn từ để “vẽ” lên bức tranh miền núi như có sự tương phản giữa màu sắc tối - sáng trong tập truyện của mình. Hai truyện ngắn “Khỉ điên” và “Mật gấu” chất chứa bao nước mắt xót đau, cảm hứng bi kịch - cảm thương chảy tràn trong câu chữ. Đặc biệt hai truyện ngắn này cùng nhiều tác phẩm khác trong tập “Nhãn cười” còn hàm ẩn một tiếng kêu đau đớn trước thảm cảnh thiên nhiên bị tàn phá, muông thú bị hủy diệt.
Thứ hai, cảm hứng ngợi ca dành cho những con người miền núi cao đẹp và sự đổi thay để đi tới ấm no hạnh phúc của người vùng cao. Phần lớn tác phẩm trong tập truyện “Nhãn cười” được viết theo dòng cảm hứng này, để sắc màu tươi sáng vượt trội, chiến thắng những sắc màu u ám còn vương vấn đâu đó ở vùng cao. Đó là mối tình tuyệt đẹp của thầy giáo Việt với cô gái Lào trong “Tết té nước”, là tấm gương thầm lặng cống hiến hy sinh quên mình vì học trò, vì sự nghiệp giáo dục ở vùng cao của một người phụ nữ bình dị trong “Nỉa bảo vệ”, là tình cảm keo sơn của những cựu chiến binh trong đời thường, vượt qua sự cám dỗ của vật chất trong “Cây đinh lăng”… nhưng có thể khẳng định truyện ngắn “Nhãn cười” là tác phẩm hay nhất của dòng cảm hứng ngợi ca này. Truyện tái hiện cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên khai hoang Tây Bắc vào năm 1962. Và cây nhãn từ Hưng Yên đã lên với Tây Bắc, sau bao gian khó đã cho những mùa quả bội thu.
Bằng tình yêu thắm thiết cùng sự am hiểu sâu sắc dành cho đất và người vùng cao, bằng hệ thống chi tiết nghệ thuật vừa chân thực vừa ám gợi vô cùng, Trần Nguyên Mỹ đã viết lên những trang văn xúc động lòng người. Chỉ còn một hạn chế nhỏ ít nhiều làm hao hụt thành công của những tác phẩm kể trên: Đôi chỗ kỹ thuật tự sự của tác giả còn non vụng. Tuy nhiên tôi tin tưởng tác giả sẽ ngày một trưởng thành và thành công hơn trong hành trình sáng tạo nhọc nhằn, cô đơn nhưng đầy đam mê của mình.