Đây cũng là sự kiện rất đáng chú ý, nếu nhìn ngược lĩnh vực đào tạo mỹ thuật, thì nhiều năm qua, các cơ sở chính thức trên cả nước thu hút rất đông đảo sinh viên theo học ngành đồ họa số (sẽ trở thành các “designer” giỏi về minh họa - quảng cáo sau khi ra trường). Trong khi đó, số sinh viên theo học ngành điêu khắc - hội họa (sáng tác độc lập bằng tay) ngày càng ít ỏi. Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 24/6.
Cuối tuần qua, Đại sứ quán Saudi Arabia phối hợp Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức Lễ hội quốc tế Lạc đà 22/6 và Năm quốc tế Lạc đà 2024 với triển lãm trong khu vực trường. Khách tham quan và sinh viên được trải nghiệm không gian văn hóa Arab và Lạc đà thông qua các góc chà là, cà-phê, xem khung cảnh lạc đà sa mạc qua ảnh phim và có cả khu vực nghệ thuật tô tượng lạc đà.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức Cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”. Các xã, phường, thị trấn nào tham gia đăng ký thi cần bảo đảm những tiêu chí cứng ở năm lĩnh vực nêu trên. Dự kiến lễ tổng kết, trao giải, sẽ diễn khoảng tháng 10, 11 năm nay.
Sáng chủ nhật 16/6, tại số 17 Hạ Hồi (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vừa diễn ra tọa đàm: “Thuật trị nước - Từ sách “Quản tử” đến sách “Quân vương” do Công ty Nhã Nam tổ chức giới thiệu hai bản dịch sách vừa xuất bản, với sự tham gia của nhiều diễn giả. Sách “Quản tử” là sách của tác gia Quản Trọng, một chính trị gia, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Còn sách “Quân vương” là trước tác nổi tiếng của Niccolo Machiavelli (1469-1527) nhà triết học, sử học, nhà ngoại giao người Ý.
Cũng về văn hóa đọc, một cuốn sách đáng chú ý khác cũng vừa được NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản là sách “Điện Biên Phủ - Nhiệm vụ bất khả thi” của PGS, TS Trần Viết Nghĩa. Đây là tài liệu tham khảo giá trị cho mọi đối tượng bạn đọc về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024).