1/Trà Vinh có dân số hơn 1 triệu người, với cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm sinh sống; trong đó, đồng bào Khmer có khoảng 330 nghìn người, chiếm gần 32% tổng số dân. Đời sống kinh tế của đồng bào chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và đánh bắt thủy sản.
Sene Dolta, Chôl Chnăm Thmây và Ok Om Bok là ba lễ hội chính trong năm của đồng bào Khmer. Đặc biệt, lễ hội Ok Om Bok được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Lễ hội Ok Om Bok, hay hội đút cốm dẹp, được tổ chức trong lúc cúng trăng nên còn được gọi là Lễ hội Cúng trăng, diễn ra vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Theo nghệ nhân Sơn Phước Thành, Phường 8, TP Trà Vinh, trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer, thần Mặt trăng được mọi gia đình, cộng đồng và phum, sóc thờ cúng. Vụ mùa kết thúc, người dân tổ chức lễ cúng trăng để tỏ lòng biết ơn đối với vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại no ấm.
Tiết mục múa chằn tại khuôn viên danh thắng ao Bà Om thu hút đông đảo người xem. |
2/Tuần lễ Văn hóa, du lịch, liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với lễ hội Ok Om Bok năm nay vừa được UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức từ ngày 21 đến 27/11 với nhiều hoạt động sôi nổi như thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Khmer; trưng bày bánh dân gian, giao lưu ẩm thực; đêm hội Ok Om Bok. Đặc biệt, phần hội sôi nổi với nhiều nội dung, hấp dẫn nhất là thi đua ghe Ngo, có sự tham gia của 9 đội ghe nam và 7 đội ghe nam, nữ phối hợp đến từ các địa phương trong tỉnh và thị xã Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long. Qua hai ngày thi đấu, các đội đua đã mang đến cho người hâm mộ những đường đua dậy sóng, đầy kịch tính với 25 trận tranh tài sôi nổi.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết, mỗi đội thi đấu có từ 70 đến 80 người, là những trai tráng khỏe mạnh, bao gồm cả tay bơi chính thức và dự bị. Những năm gần đây, có các đội ghe nữ tham gia tranh tài làm cho cuộc thi thêm phần hào hứng. Đồng bào Khmer, Kinh, Hoa, Chăm trong và ngoài tỉnh, tất cả đều reo hò cổ vũ rất nhiệt tình.
3/Đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh có kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, với hệ thống ngôn ngữ, chữ viết và các di sản nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc. Cùng với các lễ hội đặc sắc, bao đời nay, ngôi chùa Khmer chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của đồng bào Khmer.
Trong không gian làng văn hóa, du lịch Khmer của tỉnh, chùa Âng tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc, với lịch sử hình thành từ năm 990; có sự hòa quyện độc đáo của văn hóa Việt, Hoa, Ấn Độ. Qua nhiều lần trùng tu, đến nay chùa vẫn toát lên vẻ uy nghi trong không gian rợp bóng cây cổ thụ. Ngay phía trước chùa là ao Bà Om, một danh thắng nổi tiếng vùng đồng bằng sông Cửu Long, rộng hơn 300 ha, có hình dạng khá vuông vức, nên còn được gọi là ao Vuông, có nước ngọt tươi mát quanh năm. Bao quanh ao là khu rừng nguyên sinh được bảo tồn khá nguyên vẹn với hàng nghìn cá thể thực vật đặc hữu của đất giồng cát, ấn tượng nhất là gần 500 cây dầu cổ thụ mấy trăm năm tuổi. Năm 1994, chùa Âng và danh thắng ao Bà Om được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Qua các hoạt động quảng bá du lịch của Tuần lễ văn hóa và Lễ hội Ok Om Bok, chùa Âng và ao Bà Om vốn trầm mặc xưa nay đã xích lại gần hơn với du khách để họ hiểu thêm về các công trình văn hóa, tâm linh độc đáo của đồng bào Khmer. Chị Đào Thanh Hương đến từ huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, chị rất thích thú khi lần đầu tiên đến Trà Vinh, được xem đua ghe Ngo, tham quan ao Bà Om và tham gia các hoạt động tại làng văn hóa du lịch Khmer; được hít thở không khí trong lành và đắm mình trong một không gian xanh thanh bình, yên tĩnh, ngắm nhìn vẻ đẹp của các công trình chùa chiền, công sở, nhà ở hài hòa, gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt là những hàng cây cổ thụ quý hiếm hàng trăm năm tuổi được ví là “lá phổi xanh” giữa lòng thành phố. Người dân nơi đây gọi các tuyến đường nội ô bằng những cái tên rất mộc mạc dân dã và dễ nhớ: Hàng Me, Hàng Sao, Cây Dầu,…
Phải kể đến Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh đã được đưa vào hoạt động năm 1995, lưu giữ, trưng bày khá phong phú các hiện vật về đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của đồng bào Khmer Nam Bộ xưa. Đây là điểm đến của các đoàn khách, nhất là học sinh, sinh viên các trường dân tộc nội trú, đại học chuyên ngành văn hóa, các nhà nghiên cứu, du khách tới tìm hiểu về văn hóa dân tộc Khmer. Tỉnh Trà Vinh đang hoàn thiện hồ sơ lễ hội Đom Lơng Néak Tà và nghề dệt chiếu Cà Hom - Bến Bạ ở huyện Trà Cú để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện các giải pháp giúp đồng bào Khmer nâng cao đời sống. Trong đó có việc đẩy mạnh phát triển du lịch di sản văn hóa, nhất là văn hóa đồng bào Khmer kết hợp với các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, nghỉ dưỡng…