Nghĩa tình nồng ấm

|

“Nghĩa tình nơi Mê Kông chảy vào đất Việt”, NXB Đà Nẵng, là tập bút ký thể hiện nỗ lực khám phá và cá tính sáng tạo của nhà văn Lê Quang Trạng.

17 bài viết xoay quanh các nhân vật là những người con ưu tú của mảnh đất An Giang anh hùng, luôn tìm cách vượt qua những trở ngại, khó khăn để tận hiến với nghề, đem lại “hoa thơm trái ngọt” cho đời. Tuy là tập bút ký văn học đầu tay nhưng nhà văn Lê Quang Trạng khá “chững chạc” trong cách khai triển các bài viết. Anh biết cách vận dụng, kết hợp hài hòa, khéo léo yếu tố thông tin với những lý lẽ, cảm xúc, bình luận, đánh giá, nên tập bút ký không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vốn tri thức, sự hiểu biết mà còn khơi gợi được sự hứng thú và đồng cảm ở người đọc.

Mở đầu tập bút ký là bài viết “Hành trình của những thước phim”. Ở bài viết này, qua lời kể của chú Ba Thạo - Đội trưởng đầu tiên của Đội Chiếu bóng An Giang, Lê Quang Trạng đã tái hiện hình ảnh những người đi chiếu bóng lưu động một cách gần gũi và thân tình. Đội đã linh hoạt, tìm cách chuyên chở máy móc sao cho an toàn và không quên mang theo cả súng đạn sẵn sàng chiến đấu. Ở những trận đánh cần bổ sung lực lượng, các anh em kỹ thuật viên trong Đội chiếu bóng đều xung phong cầm súng ra trận, đối mặt với quân thù. Và trong số đó, có người đã hy sinh.

Người đọc còn cảm phục trước sự hy sinh thầm lặng và nghị lực phi thường của chị Út Trinh. Khi đất nước còn chiến tranh, chị đã bỏ lỡ ước mơ làm cô giáo để đi làm cách mạng. Chị bị địch bắt ngay trong ngày làm đám cưới. Khát khao được làm vợ, làm mẹ của chị chợt tan vỡ bởi di chứng của những trận tù đày tra khảo hiểm ác. Viết về những cống hiến của chị Út Trinh, giọng văn của Lê Quang Trạng biến đổi linh hoạt: khi thì đầy nỗi tự hào và thương cảm, lúc lại day dứt và xót xa…

Người đọc cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những nỗ lực nghiên cứu, miệt mài sáng tạo của anh Hoa Sĩ Hiền. Với niềm đam mê và quyết tâm lai tạo được giống lúa mới, anh Hoa Sĩ Hiền đã bỏ hẳn nghề sửa đồng hồ, dồn hết tâm trí, sức lực, của cải vào việc làm nông. Để giúp người đọc có cái nhìn chân thực, khách quan về quá trình miệt mài nghiên cứu và ý chí vượt lên khó khăn, rào cản để gặt hái được thành công của anh Hoa Sĩ Hiền, nhà văn Lê Quang Trạng đã không quản ngại khó khăn, vất vả về khoảng cách địa lý để tìm tòi, thu thập số liệu, minh chứng thực tế, cũng như có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhân vật. Vì thế, bài bút ký “Nhà nông của những nhà nông” thể hiện được góc nhìn đa chiều, sâu sát, thực tế của người trong cuộc.

Lê Quang Trạng đã gợi dẫn, dựng lên, tái hiện một cách sinh động, lôi cuốn, thú vị hình ảnh những người con An Giang ưu tú, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, rào cản để đóng góp, cống hiến cho quê hương yêu dấu.