Diệu đặt phịch túi đồ xuống chiếc chõng tre rồi cũng thả người nằm xuống. Về được nhà mình thường phải vui lắm, đằng này Diệu vẫn còn nguyên tâm trạng nặng nề. Tý chạy từ sân trước ra nhà sau, miệng véo von gọi ngoại ơi. Má đang lúi húi lót rơm cho con gà mái mới nhảy ổ, ngừng tay nheo mắt nhìn nhận ra cháu ngoại. Bà bỏ lửng, đứng dậy: Tý hả con? Phủi phủi tay sợ có mạt rơm, má ôm siết thằng Tý, hôn lên gương mặt non choẹt sáng bừng của nó.
Dẫn tay thằng bé đến lu nước mưa gần đó, má múc một gáo rửa mặt cho nó rồi hai bà cháu vào nhà. Thấy Diệu nằm thu lu khi bóng tối đã bắt đầu phủ trùm xuống, má với tay bật công tắc điện. Lại gần ngồi xuống, nắm lấy bàn tay xương gầy của con, giọng má nhẹ nhàng: Bây về sao hổng cho má hay?
Không nghe tiếng Diệu trả lời, má thở hắt ra, vẻ buồn rầu. Chứ thằng Nghiệp chồng bây đã chịu về nhà chưa? Thiệt là con dại cái mang, thiệt khổ.
Ra là má đã biết chuyện. Vậy mà má chồng cứ phải vặn vẹo Diệu kiểu bây có về bển cũng đừng có mau miệng tọc mạch chuyện nhà này. Diệu cười chua chát, chẳng lẽ chuyện của chồng thì không liên quan gì đến vợ? Mà gia đình này là người dưng nước lã với Diệu hay sao?
Má lặng lẽ nhìn từ nhất cử nhất động của Diệu, hiền từ và đầy cảm thông. Ánh mắt của người đàn bà luôn sẵn lòng làm chỗ dựa cho con, muốn con hiểu rằng: Dù ngoài kia có sóng gió tới đâu, thì ở đây, chính nơi này, Diệu luôn còn một ngôi nhà mà về nương náu.
Diệu buồn nhưng cố không khóc, sợ má buồn lo. Người đàn bà ấy đã lao tâm khổ tứ suốt cả cuộc đời; chồng là do Diệu tự chọn, dù thất vọng đến đâu Diệu cũng phải tự mình chịu trách nhiệm. Má đâu thể sống đời mà lo nghĩ cho Diệu hoài.
Cố giữ vẻ bình thản, Diệu gượng cười: Con không sao đâu. Má cho con với Tý ở lại vài bữa. Chừng nào kiếm được việc, thuê được nhà trọ con sẽ đi. Dường như sau ngần ấy năm hết lòng tận tụy chăm sóc gia đình chồng, Diệu bây giờ mới thấy mình có đủ dũng cảm dứt ra khỏi những bộn bề tủn mủn. Diệu muốn chứng minh cho nhà chồng thấy mình không phải đứa ăn bám vô dụng, chỉ biết ngửa tay xin tiền để bị coi thường.
Thấy má thẫn thờ, Diệu trấn an: Má đừng lo. Đàn bà, bất kể việc lớn hay việc nhỏ, nhiều tiền hay ít tiền, nhất định phải có một công việc. Con đã quyết đi làm má à.
Má nhìn Diệu, hoang mang. Nhớ lại lúc xưa nhà nghèo, Diệu chưa hết phổ thông đã phải nghỉ học đỡ đần gia đình, phụ việc đồng áng. Hơn 5 năm về nhà chồng, Diệu chỉ ở nhà cơm nước nội trợ. Chồng lúc nào cũng ân cần bảo: Anh không muốn vợ anh cực, chuyện kiếm tiền ngoài kia rất nhiều áp lực, em cứ ở nhà cơm nước, trông con. Được vậy thì anh cũng yên tâm gánh vác chuyện tiền nong, làm trụ cột cho gia đình.
Diệu nghe chồng nói vậy cũng xuôi lòng theo. Ngặt nỗi đi đâu má chồng cũng rêu rao rằng, thì là con dâu tui hả, sướng lắm. Ngày chỉ hai bữa cơm với lo cho thằng nhỏ chứ có phải làm gì cực khổ đâu. Được thằng chồng giỏi thì khỏi động móng tay đâu như tui ngày xưa vừa phải nách con vừa ra đồng cấy thuê dặm mướn.
Việc chi sài trong nhà, má chồng cũng gắt gao xét nét. Từ mấy cái tưởng hết sức nhỏ nhặt như bột giặt, nước rửa chén, má chồng mỗi ngày đều nghiến răng, nghiến lợi bảo Diệu xài hao. Đừng có quen cái thói ăn xài lớn như hồi ở nhà má đẻ. Lúc Diệu có bầu, thèm ăn một dẻ sườn non má chồng cũng bảo là sang. Hồi xưa bà mang thai mấy đứa toàn ăn hũn hĩn kho khô với chuối chín mà đứa nào đứa nấy cũng lớn sân sẩn. Đến nước chồng mua cho Diệu ít đồ ăn vặt để trong phòng phòng khi vợ đói mà má chồng cũng khóc lóc tủi thân rằng, con tui nó thương cô hơn tui thì Diệu uất ức đến nghẹn lòng.
Chịu hết nổi, Diệu đòi ra ở riêng. Dù nhìn chồng phờ phạc đi làm về mỗi chiều, cô có phần không đành nhưng cứ tiếp tục những ngày tháng ngột ngạt và bí bách trong sự chì chiết như thế này thì làm sao mà sống được.
Nghiệp, chồng Diệu đành phải đấu dịu. Bị kẹp giữa hai người phụ nữ quan trọng nhất của mình là chuyện rất khó lòng. Ra đường lo chuyện áo cơm đã mệt, về nhà chỉ mong sao trong ấm ngoài êm. Diệu tức tưởi khóc, thời nay làm sao giống với thời xưa mà hở chút má anh mang em ra so sánh với bà ngày trước. Nếu anh là em thử anh có chịu được không?
Nghiệp không dám lớn tiếng, chỉ dỗ dành cho Diệu hạ hỏa, rắc rối gỡ sau. Nhắc chuyện ra riêng thì ậm ừ rằng từ từ, để anh tính. Tiền bạc vòng vàng cưới sau bữa tân hôn thì má chồng đã đánh tiếng để má cất giùm. Đến hồi lựa lời rồi hỏi bà đưa lại thì má chồng biểu đã cho em chồng Diệu mượn để mua đất. Diệu bần thần hết cả người. Nhưng từ lâu đã biết không còn trông mong gì vào số tiền đó nữa. Không thể sống và đặt niềm tin vào sự công bình trong cái gia đình này.
Hỏi số tiền bao lâu hai vợ chồng dành dụm mà mấy tháng trước chồng Diệu lấy ra bảo mang đi hùn hạp làm ăn thì Nghiệp chỉ gãi đầu. Chuyện đầu tư sinh lời đâu phải một ngày, một bữa. Cho đến một ngày Diệu phát hiện gần hai trăm triệu đồng là tất cả vốn liếng tích lũy nhiều năm của hai vợ chồng Nghiệp đã làm mất sạch vào một sàn tiền ảo nào đó thì xảy ra một trận cãi vã đất lở trời long. Qua điện thoại, trong lúc nóng nảy, Nghiệp có nặng lời bảo tiền đó là do anh làm ra, Diệu chỉ là ngồi không thụ hưởng. Đến mức đó thì Diệu hết chịu nổi, tuyên bố ly thân. Chạm tới đỉnh điểm giới hạn chịu đựng, lòng tự trọng trong Diệu bị đánh thức. Cô một tay xách hành lý, một tay dẫn con về nhà mẹ đẻ sống nhờ, chờ ổn định sẽ dọn ra ngoài.
Tưởng vợ giận quá nói vậy qua mấy ngày sẽ nguôi ngoai. Nghiệp chưa dám về ngay mà xin lánh nhờ nhà bạn chờ êm bão. Chừng về đã thấy nhà cửa lạnh ngắt. Má chồng Diệu đãi môi trách dâu với con, không biết thương chồng được bao nhiêu mà mở miệng ra là đòi tiền.
*
Không có bằng cấp, Diệu xin vào làm công nhân một công ty may gia công. Má không cho Diệu thuê trọ, vì thằng Tý ở đây thì mẹ nó cũng phải sớm đi tối về mà gần con cái. Diệu mặt trời chưa rạng đã dậy ra khỏi nhà, có ngày tăng ca về khi con đã ngủ say. Vất vả, nhưng đối với cô đó thật là những ngày có ý nghĩa. Sự bận rộn khiến người ta bớt nghĩ. Cô thấy mình đã hoài phí quá nhiều năm cho những cuộc cãi vã không đáng mà nguyên nhân cuối cùng chỉ vì đồng tiền.
Lặn ngụp cả tháng trời đi sớm về khuya, Diệu cũng được cầm trên tay tháng lương đầu tiên. Cô mừng rớt nước mắt. Nghĩ tới những ngày nắng oi và khi mưa đổ như trút, cô đi dưới màn mưa, trên đầu là tiếng sét để đến sở làm. Những buổi đêm sau giờ tăng ca ra về khi trời tối đen như mực mà còn gặp mấy tay không đứng đắn bám lấy. Cứ tưởng thời gian đi làm đã giúp mình thêm cứng cỏi, dè đâu trong hoàn cảnh như vậy, Diệu vẫn thấy tủi thân và hoang mang. Nhất là những lúc bắt gặp đồng nghiệp được chồng đến đón, cả hai cười nói thật vui thì cô vừa đi, vừa khóc.
Đêm về, Diệu chỉ biết nằm ôm con, để biết những sóng gió đều đã qua. Cô tự khích lệ mình cố gắng vì chỉ có chủ động tài chính mới lôi con người ta ra khỏi cảm giác bí bách, tù túng.
*
Bữa nọ xe hư Diệu phải gửi lại tiệm rồi ra bắt xe bus. Cạnh nơi cô đứng là đôi vợ chồng còn trẻ dắt theo đứa con đứng chờ xe với vẻ bối rối, tần ngần. Cầm mấy tờ bạc lẻ, họ hỏi Diệu, chừng này có đủ tiền vé về huyện Y không? Họ lên thị xã để làm hồ sơ vay vốn thuê vuông thả tôm nhưng không vay được vì từng cho người thân mượn giấy tờ mua trả góp điện thoại mà người kia lại để nợ xấu. Tất cả số tiền họ có đã dùng mời nước nhân viên ngân hàng trong một quán sang trọng và giờ họ không còn xu nào.
Diệu mở túi lấy ra ít tiền dúi vào tay đứa con. Cũng may là họ chịu nhận. Diệu thấy lòng nhẹ đi một chút, nhưng chợt buồn ngay khi nghĩ đến cảnh mình. Người ta không biết phải trông chờ vào cái gì phía trước mà gia đình vẫn có nhau. Còn cô, sao cứ phải lênh đênh như con sóng dập dềnh thế này?
Vừa nghĩ đến đó thì chiếc xe máy trờ tới chỗ Diệu. Nghiệp cầm nón đội lên cho vợ, Diệu lòng thật ra đã nguội, dùng dằng một đỗi nhưng vẫn chịu cho chồng đón về. Dọc đường Nghiệp bảo đã dùng thời gian này cho cả hai khoảng lặng suy nghĩ. Anh đã nói chuyện với má để cho em câu trả lời. Má đã đồng ý lấy lại tiền vàng nữ trang cưới để hai vợ chồng làm vốn. Rồi anh xin lỗi Diệu, chỉ vì nóng lòng muốn có tiền ra riêng cho Diệu vui anh mới sinh liều. Rằng chừng có cuộc sống riêng rồi Diệu cứ tiếp tục đi làm nếu thích nhưng Diệu đã không cần nghe nữa vì bấy nhiêu đó đã đủ.
Chiều đó nhà Diệu đông vui hơn thường lệ. Thằng Tý vừa nhoáng thấy Nghiệp đã chạy bổ tới ôm lấy cổ ba. Diệu lặng nhìn hai cha con quấn quýt lòng cũng không nén được xúc động. Má lại hiền từ nhìn Diệu, biết cô đâu có đành lòng. Thôi thì hàn gắn đi con. Người một nhà đâu phải nói bỏ là bỏ được.