1/Nhà văn Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 1953, quê ở Hà Tĩnh. Ông từng là giáo viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội; cộng tác viên khoa học Đại học Tổng hợp Mátxcơva mang tên M.V.Lomonoxov (Nga). Hiện ông đang sống và làm việc tại Nga. Tuyển tập truyện ký “Giữa những cơn dâu bể” (NXB Thông tin và truyền thông) gồm 2 tập mà tác giả là một chứng nhân, vừa được ra mắt.
“Gặp cơn bình địa ba đào” là câu 3.065 của kiệt tác Truyện Kiều nói về cảnh Kim, Kiều tái ngộ, hồi tưởng lại quãng thời gian 15 năm Kiều phải trải qua biết bao nhiêu khổ nạn. Hơn một thập kỷ, xuyên suốt những năm cuối cùng của thế kỷ XX, được gọi là thời kỳ hậu Xô-viết và gần một phần tư thế kỷ XXI, ở thủ đô Moskva, nhà văn Nguyễn Huy Hoàng đã sống và cũng phải đối mặt thường xuyên với những cơn ba đào dữ dội, khó lường. Nhà văn được chứng kiến bao cảnh “thương hải tang điền”. Ông cũng đã gặp những người Nga hiền lành, nhân hậu; gặp những người dân Nga quẫn bách, bần cùng và bất lực. Ông đã được học những bậc thầy đáng kính ở Trường đại học Tổng hợp Moskva; đã có những bạn đồng môn, những đồng nghiệp chân tình trong công việc và cuộc sống thường ngày.
2/Nguyễn Huy Hoàng tâm sự, đã được gặp gỡ những yếu nhân, danh nhân, những người Nga nổi tiếng mà trước đây không dám nghĩ đến, ngay cả trong mơ. Ông đã đi rất nhiều miền đất của nước Nga, được tận mắt nhìn ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên, thấu hiểu một cách sâu sắc tâm hồn Nga, tính cách Nga qua những tác phẩm văn học và nghệ thuật. Và ông đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng, về sự hùng cường của nước Nga vĩ đại; gửi gắm tình yêu sâu nặng vào một cường quốc văn hóa mà nhà văn Pauxtovxki đã khẳng định, là trên thế gian này không nơi nào sánh nổi.
Được sống trong lòng cộng đồng Việt Nam ở Liên bang Nga - một xã hội Việt Nam thu nhỏ, là kết quả của mối tình hữu nghị Việt Nga. Trong suốt hơn 35 năm qua, Nguyễn Huy Hoàng đã cùng gắn bó, sẻ chia, đồng cam, cộng khổ với những người Việt kiếm sống ở xứ người. Mỗi một người Việt trong hành trang của mình đến miền băng tuyết mưu sinh, đều mang theo những giá trị, tinh hoa tốt đẹp của dân tộc. Trong suốt nhiều năm qua, có những người Việt đã rất thành đạt bằng lao động, trí tuệ và nghị lực của mình, có quyền ngẩng cao đầu trong cuộc hội nhập với xã hội Nga; nhưng cũng có rất nhiều số phận vẫn ba chìm, bảy nổi, không vượt qua được ngọn sóng trầm luân trong kiếp tha hương.
3/PGS, TS Phạm Quang Long, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng, tác giả Nguyễn Huy Hoàng là một người có trí nhớ siêu việt, cho người đọc, người nghe nhiều ký ức về Việt Nam và nước Nga. Càng đọc càng thấy rằng, tác giả yêu Việt Nam, yêu nước Nga và luôn nhớ thương về đất nước. Cùng quan điểm đó, nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhận xét, độc giả đã quen nghĩ Nguyễn Huy Hoàng là một nhà thơ trong nghĩa chính xác của từ này. Thế nhưng, còn một Nguyễn Huy Hoàng - cây bút văn xuôi giàu nội lực, sắc bén chữ nghĩa. Những trang văn xuôi ông viết về bạn bè, đồng nghiệp, người thân, quê hương… đều là phần “phát sáng”, tạo nên điểm nhấn mãn nhãn trong văn xuôi Nguyễn Huy Hoàng. Khi đọc “Giữa những cơn dâu bể”, người đọc, người nghe sẽ thấy dù không toàn cảnh nhưng sẽ có vô số “cận cảnh”, mang ý nghĩa về những trường hợp của kiếp nhân sinh. Đây là lối viết qua một giọt sương nhìn thấy cả mặt trời, qua một giọt nước biển thấy cả đại dương.
Tác giả tin rằng, những ai đã từng sống, làm việc, thậm chí là đi qua nước Nga vào những tháng năm đầy bất trắc đó khi đọc những trang viết của cuốn sách sẽ hình dung lại được một thời dữ dội đã qua đi; sẽ bắt gặp ở đâu đó trong cuốn sách này bóng dáng của mình hay những người từng quen biết: “Hình ảnh xám xịt thời ly loạn hơn 30 năm trước của nước Nga đã lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó là hình ảnh nước Nga ngày nay mạnh mẽ, cường thịnh, có một vị thế và tầm vóc mới. Tập truyện ký của tôi dường như là sự đối chiếu hai thời kỳ, để bạn đọc thấy tin tưởng hơn vào tương lai của nước Nga. Lật từng trang sách, bạn đọc sẽ như thể ngoái đầu nhìn lại”, Nguyễn Huy Hoàng bộc bạch.