Ăn ký ức để sống

|

Là cây bút quen thuộc trên các mặt báo, mới đây, nhà văn Nguyễn Hồng gửi đến bạn đọc tập sách thứ sáu “Ăn ký ức” (NXB Dân trí) bằng những tìm tòi sáng tạo từ ký ức trong đời sống.

Dấu ấn trong ngòi bút của Nguyễn Hồng ẩn chứa sự cân bằng giữa tính nam và tính nữ. Cô viết đầy bản năng, song cũng rất tài tình trong việc xây dựng hình ảnh, tính cách của mỗi tuyến nhân vật, dù đàn bà hay đàn ông, dù sắm vai cha mẹ hay con cái, người tình hay bạn hữu... Cộng với văn phong gọn gàng, tiết chế nhưng có sức hấp dẫn kỳ lạ kích thích đồng thời cả cảm xúc và lý trí, khiến độc giả không thể rời khỏi mạch truyện.

Có lẽ không nằm ngoài chủ ý của tác giả, tập truyện ngắn “Ăn ký ức” khéo léo khơi gợi cả một trời ký ức với những riêng mang rất đời. Dường như, tác giả không hề che giấu những bất hạnh, khuất tất, lầm lỗi, cả những đau khổ, cám dỗ, giằng xé, phản trắc… của những mảnh đời; cũng không khiến người đọc phải thương cảm nhưng dễ lòng đồng cảm với nhân vật - họ có những nỗi niềm suy tư, họ hành động theo tiếng lòng để mà phản ánh, để mà trả lời trong tác phẩm. Hầu hết, đều là những trải nghiệm viết có sự thấu tình đạt lý được tác giả Nguyễn Hồng vận dụng vào từng truyện ngắn.

Đó là nhân vật tôi đã chủ quan, không tin rằng có người chết vì… đói, một cách khó hiểu, trong khi “ký ức của gã nhiều thế, gã vẫn có thể ăn ký ức để sống cơ mà”. Đó là sự thấu cảm của những thế hệ ở trong “chiến tranh hay thời bình, khi đối diện với mất mát cũng như nhau cả thôi” (Chiếc xe trước cổng nhà). Hay có ai tự hào khi là bạn một người tù, nhưng đâu cần thanh minh, lý do, vì “đã làm bạn thì suốt đời là bạn” (Dưới gốc cây trứng cá).

Tiếp theo, phải kể đến cách tác giả đơn thuần đặt tên truyện ngắn theo vật. Có lẽ khi nhìn vật sẽ gợi nhớ tới chuyện đời, chuyện người, đơn cử như: “Gấu bông” - thứ người lớn hay dúi vào tay con trẻ cho xong chuyện, song chúng chực muốn khóc vì tủi thân, vì không có nổi một cái ôm; “Khẩu trang” còn được dùng như để che trốn cảm xúc, trong khi đời người sống cốt là để nhìn mặt nhau; hay “Lá nếp có gai” chỉ là cái cớ của người biết thương nhau mà sống. Hay “Người lạ” thành người thương cũng bởi “vì thương mà ở lại, mà cũng vì thương mà rời đi”...

Điểm sáng tạo khác với cách đặt bối cảnh và khắc họa nhân vật trong những “Khoảnh khắc”, “Lỡ lời”, “Mong manh”… càng khiến những truyện ngắn của Nguyễn Hồng trở nên đặc biệt khôn tả, chỉ có thể đợi chờ độc giả khám phá từng tình tiết, thông điệp qua những trang viết.

Đọc tập truyện ngắn “Ăn ký ức”, ta có thể tìm thấy câu trả lời ý nghĩa về giá trị của ký ức trong đời người - nó phản ánh, ta đã sống trọn vẹn từng giây phút. Với những ký ức đó, ta có thể “ăn” để “sống”.