Đa dạng hóa thẻ thanh toán

|

Bảy ngân hàng thương mại (NHTM) vừa ra mắt dòng thẻ tín dụng nội địa theo một tiêu chuẩn thống nhất. Sự kiện được xem là bước chuyển mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán trong nước, với dòng sản phẩm đa dạng và đầy đủ nhất từ trước đến nay theo một tiêu chuẩn thống nhất, nhằm mang lại tiện ích cho người dùng và góp phần đẩy lùi tín dụng “đen”.

Theo đó, bảy NHTM gồm Công thương Việt Nam (Vietinbank), NHTM CP Bản Việt (VCCB), Á Châu (ACB), Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDB), Bảo Việt (BVB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Việt Nam Thương Tín (Vietbank) vừa ra mắt các dòng sản phẩm gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước theo một tiêu chuẩn thống nhất.

Theo Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), kể từ thời điểm ra mắt sản phẩm thẻ chip ghi nợ nội địa của bảy ngân hàng đầu tiên vào tháng 5-2019, đến tháng 12-2020 đã có 38 ngân hàng thực hiện phát hành thẻ chip nội địa và nâng cấp hạ tầng chấp nhận thẻ chip trên các thiết bị ATM/POS. Thẻ chip tín dụng nội địa do các ngân hàng, công ty tài chính Việt Nam phát hành, với những đặc điểm như chi tiêu trước trả tiền sau, thời gian miễn lãi nhiều nhất lên đến 55 ngày, chấp nhận thanh toán và sử dụng trên mạng lưới thanh toán 235.304 POS và 14.386 ATM chấp nhận thẻ chip ghi nợ nội địa sẵn có của tất cả các ngân hàng. Đối với các giao dịch thanh toán tại đại lý, cửa hàng chấp nhận thẻ, mức phí giao dịch của thẻ chip tín dụng nội địa sẽ ở mức từ 1,1 - 1,3% giá trị giao dịch, thấp hơn so các thương hiệu thẻ khác. Đối với giao dịch rút tiền mặt, mức phí dự kiến từ 1 - 2% giá trị giao dịch (mức thu ít nhất từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng), thấp hơn rất nhiều so các thẻ tín dụng quốc tế đang phát hành trên thị trường (4%).

Đây là sự lựa chọn phù hợp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, giúp khách hàng nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại với mức phí hợp lý, góp phần triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Hạn mức tín dụng của thẻ nội địa sẽ do các ngân hàng xác định với từng nhóm khách hàng. Chủ thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán khi mua hàng, sử dụng dịch vụ tại các đơn vị chấp nhận thẻ, thanh toán qua internet, các đơn vị chấp nhận thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, chủ thẻ còn có thể rút tiền mặt tại tất cả các cây ATM trong nước và mạng lưới liên kết của NAPAS tại Hàn Quốc, cùng một số nước trong khu vực ASEAN như Thái-lan, Malaysia với chi phí hợp lý.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc các ngân hàng triển khai các loại thẻ mới là dấu mốc quan trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm thẻ thanh toán, đồng bộ về quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, tương thích và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật trong thanh toán, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tài chính đến những đối tượng yếu thế, góp phần phát triển tài chính toàn diện cũng như hoàn thiện hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia. Trong thời gian tới, NAPAS và các ngân hàng cần tiếp tục phối hợp xây dựng “hệ sinh thái” thẻ chip nội địa theo hướng đa ứng dụng. Cùng với đó, nghiên cứu, phát triển để liên thông kết nối thanh toán cho dịch vụ công và các lĩnh vực khác như giao thông, y tế, bảo hiểm cũng như ứng dụng công nghệ bảo mật và số hóa lên điện thoại thông minh để khách hàng có thể chi tiêu, rút tiền ngay trên điện thoại của mình một cách dễ dàng nhất.