Nhưng nhức những dấu hỏi

|

Đó là những trổ lên khi đọc nhà thơ Nguyễn Hữu Quyền. Tập thơ “Nụ cười sót lại sau mưa” (NXB Nghệ An) của nhà thơ mở ra nhiều dấu ba chấm, những ô khuyết, những khoảng không dành cho ngẫm nghĩ, hình dung.

Như chính cái tên tập thơ gợi lên, cùng thật nhiều câu thơ khác và cả nhiều bài thơ, chúng cứ mở ra, bâng khuâng, trống trải, để cho người đọc phải lấp vào đó những bồi hồi: “Bên kia ai bỏ quên hơi thở trên bờ?/Sóng vỗ về nơi đó” (Ẩn ức), “Vẹt mưa. Không thấy buổi trưa/Chỉ có đầy nước” (Mưa trưa), “Sao phù sa lọt vào lòng ta/Ra hoa trên bến” (Ngã ba ngày ta ngang qua)…

Nhưng còn thêm nữa. Trong tập thơ mới nhất của mình, nhà thơ “ấn định” những cuộc trang hoàng, khiến cho ta sớm cảm nhận vẻ đẹp mỹ lệ của những tưởng tượng về không gian thiên nhiên với bóng người, tâm sự người hòa lẫn đâu đó. Cùng với đó là vẻ đẹp của những liên tưởng tạo sự chuyển đổi trạng thái, hình ảnh. Nhà thơ viết: “Thiên nhiên đầu thai mỗi lần bàn chân trần chạm bãi” (Bàn chân trần chạm bãi), “Tôi đem tôi ra phơi/Bẻ đôi giấc mơ thấy con cào cào bấu vào im lặng dùng càng đạp kỷ niệm sáng tóe” (Tháng Giêng ơi), “Buổi trưa nắng bùng tung tóe/Đỉnh trời rớt xuống tròn vo giọt nước/Lung linh hồn ta/Lấp ló tóc thề” (Mê man)…

Rực rỡ nhất là những bồi hồi trẻ trai. Bừng lên là những thương tiếc xa xôi. Xa lắm rồi thuở ấy và chính nhà thơ cũng tạo dựng lớp sương mù qua tháng năm lăng lắc phủ lên khoảng cách quá vãng với hiện tại. Nhưng rồi bỗng đâu một ngẫu nhiên, một non mới, một chuyển động của đời sống hôm nay hiện lên trước mặt, làm cho nhân vật trữ tình tóc bạc lòng còn xanh lại sống dậy cả khung trời cũ. Và không chỉ cái thời cũ kỹ còn tươi ấy, mà cả bao tháng năm sương mù sau lưng, cũng bừng dậy, lồ lộ, khắc khoải, thương buồn. “Lốc lật Sài Gòn lên/Ô kìa!.../Ngày xưa đậu trên bến” (Sài Gòn mưa đêm), “Tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường/Gió thổi nhiều quá/Mưa thế nớ mà hoa tóc tiên vẫn nở” (Hoa tóc tiên nở trong đêm mưa).

Thi nhân được sống trong thế giới thi ca do mình tạo dựng được nên. Ấy là hạnh phúc! Và người khác nhập được vào cùng theo cách nghĩ, cách cảm riêng tư. Đó cũng là hạnh phúc! Theo câu thơ Nguyễn Quyền, đi qua những buồn thiết tha và điềm đạm cùng thời gian, là niềm hân hoan vui cùng chữ mới trong những diễn đạt độc đáo. Ngẫm đến cùng, dù tác giả là ai, lúc này trước mặt ta chỉ còn trang giấy chứa đựng những sáng tạo, chứ không hẳn để hoài niệm dòng đời. “Chẳng biết chú vện đợi ai mà nằm ngóng hoài/Trông nó rất lốm đốm” (Hoa dong riềng nở), “Nhện chăng tơ bắt được hạt mưa/Bẻ ra thấy gió mùa/Lấp ló mùa đông ngoài cổng chợ” (Mưa mùa đông). Lại chờ nhà thơ đi tiếp những suy tưởng mê man, hoang hoang của mình.