Thích ứng qua mùa lũ nhờ ứng dụng Hue-S

|

Trong cảnh màu nước bạc vây bốn bề, thai phụ chuyển dạ, người già, trẻ em đang bị cô lập hay người dân bị thương cần đi cấp cứu... đã liên hệ đến tổng đài, đến Hue-S. Lập tức, lực lượng chức năng ở Huế có mặt để đưa người dân đi bệnh viện kịp thời hay đến nơi an toàn trong mùa mưa lũ...

Cần giúp đỡ, gọi tổng đài 1900.1075

Trung tuần tháng 11, đâu đâu trên mảnh đất Thừa Thiên Huế cũng bắt gặp cảnh nước lụt bao vây tứ phía. Trên phố Huế, những tuyến đường trung tâm lâm vào cảnh ngập lụt. Có đến 85% tuyến đường ở 36 phường, xã bị ngập từ 0,5-1,2 m. Ở vùng nông thôn, nhất là khu vực hạ du của sông Hương, sông Bồ..., nước lụt ngập lênh láng, chia cắt thôn xóm.

Mưa to kéo dài nhiều ngày cùng lượng nước các sông dâng cao khiến nhiều khu vực thấp trũng trên địa bàn tỉnh này ngập lụt từ đêm 14/11. Đến hôm sau, nước lụt tiếp tục dâng cao. Đỉnh điểm, khoảng 20 giờ ngày 15/11, sông Hương đạt đỉnh 4,19 m, vượt báo động 3 là 0,69 m, cao hơn đỉnh lũ năm 2020; còn sông Bồ đạt 4,99 m, vượt báo động 3 là 0,49 m. Lượng nước đổ về khiến nhiều nơi chìm trong “biển nước”. Màu nước bạc “tấn công” nhà dân, gây khó khăn cho cuộc sống cư dân ở mảnh đất miền trung này. Đến chiều tối 15/11, có hơn 16.340 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh bị ngập từ 0,3-1,2 m. Lực lượng chức năng đã tiến hành sơ tán gần 3.500 hộ dân với khoảng 8.800 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Người nhà thai phụ Huỳnh Thị Ý (SN 1991, ở phường An Cựu, TP Huế) không quên khoảnh khắc vào sáng ngày 15/11. Trong lúc nhà bị ngập sâu, thai phụ cùng hai con nhỏ kêu cứu, cần sự giúp đỡ từ cơ quan chức năng. Tiếp nhận thông tin, công an cùng lực lượng dân quân phường đã đến nhà đưa họ đến nơi an toàn. Một trường hợp khác, khi xảy ra sạt lở tại nhà ông Trần Đình M. (SN 1972, ở thôn Đồng Hòa, thị xã Hương Trà), hai vợ chồng không chạy thoát kịp nên bị đất đá vùi lấp. Ngay sau khi nhận được tin báo, công an huy động lực lượng phối hợp người dân giải cứu nạn nhân. Trong đợt lũ lụt này, có nhiều trường hợp người già neo đơn, phụ nữ mang thai, bệnh nhân… đã được các lực lượng công an, quân đội, dân phòng... kịp thời trợ giúp.

Để thông tin cầu cứu của người dân nhanh chóng đến chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, tổng đài 1900.1075 của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (IOC) đóng vai trò quan trọng. Những trường hợp người dân bị ngập cao không di chuyển được, phụ nữ chuyển sinh, người già và trẻ em đang bị cô lập, người dân bị thương cần đi cấp cứu hay sinh viên phòng trọ mắc kẹt vì nước lụt... đã liên hệ đến đường dây nóng này. Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: “Trong vòng hơn một ngày, hệ thống đã tiếp nhận gần 400 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ. Hoạt động này đã trở thành kịch bản thường xuyên trong các năm qua. Tổng đài này có hơn 30 người thay ca nhau trực, để bảo đảm 24/24 giờ tiếp nhận yêu cầu của người dân”.

Khi người dân gọi đến tổng đài 1900.1075 hoặc kích hoạt chức năng yêu cầu ứng cứu từ ứng dụng Hue-S, bộ phận trực IOC sẽ kết nối và xác minh thông tin. Thông tin sau khi xác minh sẽ chuyển ngay đến các địa phương nơi cần ứng cứu để lực lượng tại chỗ tiến hành các nghiệp vụ ứng cứu hỗ trợ bà con. “Đây là một phần của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế và đã phát huy hiệu quả qua các kỳ bão lụt đặc thù của tỉnh cũng như trong dịch bệnh đã kết nối hỗ trợ hơn 30 nghìn người Huế tại các tỉnh, thành phố phía Nam và rất nhiều trường hợp khác”, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.

Người dân vùng hạ du sông Bồ đi lại bằng ghe khi nước lũ ngập sâu.

Lên Hue-S, mạng xã hội xem thông tin lũ lụt

Ở Huế, mỗi khi người dân cần sự giúp đỡ hay phản ánh vấn đề của xã hội, đều dùng ứng dụng Hue-S và tổng đài 1900.1075. Không chỉ vậy, đây còn là nguồn thông tin hữu ích giúp người dân chủ động ứng phó mưa lũ diễn biến phức tạp.

Trong mùa mưa lụt này, ông Phạm Phước (ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) thường xuyên dùng điện thoại truy cập vào Hue-S để xem mức nước trên sông. “Nhờ có ứng dụng này, chúng tôi có thể biết được thông tin chính xác về mức nước trên sông Bồ để có phương án chủ động phòng chống lũ lụt, kê cao đồ đạc, xe cộ, tránh thiệt hại do nước lũ gây ra...”, ông Phước bày tỏ.

“Lũ lớn. Thành phố bị chia cắt thành nhiều vùng nhỏ. Nguy hiểm nhất là hỗ trợ xử lý các trường hợp cấp cứu và thai sản.

Đối với thai sản thì anh em cơ sở đã có kinh nghiệm nhiều. Cứ chị em nào có thai lớn tháng tuổi thì vận động tập trung về các cơ sở y tế để có thể hỗ trợ sinh ngay khi cần. Tuy nhiên, cũng không ít người không chịu tuân thủ, cố thủ ở nhà, đến khi trở dạ lại cầu cứu chính quyền hỗ trợ. Ở những vùng ngập sâu, để vận chuyển một thai phụ trong đêm tối, cần cả chục người đẩy thuyền…

Cấp cứu thì gian nan hơn. Có nhiều trường hợp không thể xử lý tại chỗ, bắt buộc phải chuyển lên tuyến trên. Chính quyền các địa phương đã chủ động liên kết nhau để hỗ trợ đưa người dân băng qua những vùng nguy hiểm. Những vùng quá xa xôi, cách trở chỉ còn cách sử dụng cano của lực lượng công an để băng đồng, băng sông đưa bà con về bệnh viện. Tại các ngã sông lớn, điểm xung yếu, chính quyền địa phương cùng lực lượng công an, quân đội, dân phòng, dân quân, đoàn thể... thiết lập các trạm để chuyển tiếp công dân sang vùng an toàn…”, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.

Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, hiện nay, Hue-S có hơn 12 chức năng phục vụ phòng chống bão lụt như thông báo, cảnh báo, lượng mưa, mực nước sông, bản đồ ngập lụt, camera, ứng cứu... “Hue-S và tổng đài 1900.1075 là hệ thống phòng chống bão lụt đã trở thành quy trình: Cung cấp thông tin bão lụt kịp thời cho bà con, cảnh báo nguy hiểm, thông tin về lượng mưa, thời tiết... cũng như hỗ trợ, cứu trợ cho bà con nhân dân. Hue-S và tổng đài là hai hệ thống được người dân dùng nhiều nhất trong việc kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trên toàn bộ các lĩnh vực trong quá trình chuyển đổi số. Đến nay, đã có 909.672 người đăng ký tài khoản Hue-S, trong đó có 785.827 người tại tỉnh Thừa Thiên Huế, còn lại là các tỉnh, thành phố và 15 quốc gia có người Huế sinh sống, làm việc”, ông Sơn chia sẻ.

Ngoài Hue-S, người dân Huế còn cập nhật tình hình mưa lũ từ mạng xã hội Facebook qua các fanpage của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế; Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhờ việc cập nhật liên tục thông tin về mực nước trên sông, điều tiết nước của hồ thủy điện... đã giúp ích cho người dân trong mùa mưa lũ.

Mưa lũ xảy ra liên miên ở “khúc ruột” miền trung này, Hue-S, tổng đài và thông tin trên các fanpage... đã trở thành công cụ đắc lực giúp người dân thích ứng qua mùa mưa lũ trong bối cảnh chuyển đổi số ngày nay...