Thổi hồn vào di sản văn hóa

|

Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các triển lãm nghệ thuật và nghề thủ công tại Trung Quốc đang mở ra cách tiếp cận mới, giúp công chúng khám phá và trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể quốc gia một cách sống động và sâu sắc hơn.

Theo China Daily, triển lãm Di sản văn hóa phi vật thể Trung Quốc lần thứ 8 đã được tổ chức tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông vào tháng 10 vừa qua. Những tác phẩm được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2006, qua đó giới thiệu những thành tựu trong việc bảo vệ di sản suốt 20 năm kể từ khi Trung Quốc tham gia Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Su Gaofeng, giảng viên tại Trường đại học Liên minh Bắc Kinh cho biết, công nghệ 3D được sử dụng cho phép khách tham quan trải nghiệm trực tiếp mà không cần thiết bị đeo như kính thực tế ảo. Nhờ thuật toán 3D kết hợp hệ thống theo dõi khoảng cách và chuyển động mắt, hình ảnh các tác phẩm và không gian tương tác được tái hiện một cách sống động.

“Chúng tôi đã tái tạo toàn bộ quy trình cloisonne - loại hình thủ công đặc biệt của Trung Quốc - trong thế giới ảo, bao gồm các bước từ thiết kế, tạo khuôn, khảm dây, sơn men, nung, đánh bóng đến mạ vàng. Quy trình này đòi hỏi trình độ tay nghề cao hàng chục nghệ nhân tham gia và kéo dài trong nhiều tháng. Đặc biệt, việc nung men ở nhiệt độ hơn 800 độ C rất khó tạo cơ hội để khách tham quan trải nghiệm trực tiếp”, giảng viên Su cho biết.

Nhờ công nghệ kết xuất 3D, các chi tiết như hình dáng, mầu sắc và kết cấu của sản phẩm được tái hiện chân thực. Đồng thời, công nghệ thực tế tăng cường (AR) còn giúp người xem cảm nhận được không gian làm việc của các nghệ nhân, điều mà trước đây rất khó để trải nghiệm.

Không chỉ dừng lại ở các nghề thủ công, công nghệ kỹ thuật số còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như võ thuật. Tại Hà Nam, Phòng thí nghiệm Di sản văn hóa phi vật thể đã phát triển hệ thống hướng dẫn Thái cực quyền sử dụng công nghệ Kinect. Hệ thống này mang đến trải nghiệm luyện tập độc đáo, đưa người dùng đến những địa điểm tập Thái cực quyền khác nhau, từ các hội trường cổ đến khung cảnh thiên nhiên. Hệ thống hướng dẫn 8 động tác Thái cực quyền cổ điển và sử dụng cảm biến chuyển động để so sánh động tác của người dùng với chuẩn mực và cung cấp phản hồi như “hoàn hảo”, “tốt”, hoặc “thử lại”. Điều này nhằm tiếp thêm động lực và giúp người tập cải thiện kỹ thuật một cách hiệu quả hơn.

Ngoài ra, công nghệ AR còn được sử dụng để tái hiện hội chợ Majie Quyi - một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lịch sử hơn 700 năm tại Hà Nam. Hội chợ thường được tổ chức trong dịp lễ hội mùa xuân, giới thiệu nhiều loại hình nghệ thuật dân gian Trung Quốc, bao gồm hát ballad, tấu nói và tấu hài đối đáp. Nhờ công nghệ AR, du khách có thể tương tác với nhạc cụ, đọc kịch bản của các nghệ sĩ biểu diễn và thậm chí tham gia các màn trình diễn thông qua thiết bị cảm biến chuyển động.

Theo Su Gaofeng, màn hình 3D hấp dẫn hơn rất nhiều so các hình thức trình bày truyền thống dựa qua văn bản và hình ảnh tĩnh. Chúng tạo ấn tượng sâu sắc và thu hút sự quan tâm lớn hơn đến di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là từ giới trẻ. “Công nghệ kỹ thuật số phá vỡ rào cản thời gian và không gian, cho phép nhiều người tiếp cận và học hỏi các nghệ thuật truyền thống hơn”, Su nhấn mạnh.

Bà Liu Xinchen, giảng viên Trường đại học Nghề Kỹ thuật xây dựng cho biết, từ khi kế hoạch khôi phục nghề thủ công truyền thống được triển khai vào năm 2017, việc số hóa di sản văn hóa phi vật thể đã phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Bà khẳng định: “Việc tích hợp các yếu tố tương tác và “trò chơi hóa” đã biến du khách từ người xem thụ động thành người tham gia tích cực, giúp tạo cảm giác gắn kết, thúc đẩy nhận thức về bảo tồn di sản”.

Với công nghệ kỹ thuật số, di sản văn hóa phi vật thể không chỉ được bảo tồn mà còn được phát triển sáng tạo, mang đến trải nghiệm sống động cho cộng đồng và thế hệ trẻ - những người sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy di sản văn hóa trong tương lai.