Radio ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Kenya

|

Một trạm radio cộng đồng trong khu phức hợp rừng Mau tại Kenya đã và đang góp phần ngăn chặn việc văn hóa và ngôn ngữ Ogiek bị xóa bỏ.

Nằm trong một khu phức hợp rừng cách Thủ đô Nairobi (Kenya) 210 km là một trạm radio cộng đồng có tên Sogoot (trong ngôn ngữ Ogiek có nghĩa là “chiếc lá”), chính thức hoạt động vào năm 2019, có tần số 97.1FM, được phát sóng từ 6 giờ sáng đến 11 giờ tối hằng ngày cho hàng nghìn người dân Ogiek trong bán kính 30 km.

Anh Stephen Lele, quản lý trạm radio cho biết, anh chưa từng được nghe radio bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Sogoot FM là sự thay đổi lớn, tập trung vào những chủ đề từ văn hóa, giáo dục, y tế, đến trao quyền trong lĩnh vực xã hội và kinh tế.

Theo Sách đỏ các ngôn ngữ bị đe dọa do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) phát hành, trên thế giới có hơn 6.700 ngôn ngữ bản địa đang trở thành “ngôn ngữ chết”. Riêng tại châu Phi, con số này đã lên tới hàng trăm. Ogiek là một trong tám ngôn ngữ của Kenya đang đối mặt nguy cơ bị quên lãng. Ông Stephen Moitalel Njala, một già làng cho biết, ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc ông đang bị mai một nặng nề, và Sogoot FM chính là niềm hy vọng khi đã và đang góp phần thúc đẩy văn hóa và ngôn ngữ bản địa này, bất chấp những rào cản kỹ thuật.

Erick Kinya Muriuki, Giám đốc Văn hóa doanh nghiệp ở hạt Nakuru cho biết, sự mai một ngôn ngữ đã luôn là vấn đề nhức nhối kể từ khi Kenya nằm dưới ách đô hộ của thực dân và bị buộc phải nói tiếng Anh. Để gìn giữ những ngôn ngữ thiểu số, ông đã đề xuất nhiều chính sách phát huy kiến thức văn hóa bản địa, một vài trong số đó thậm chí còn giúp gìn giữ các giá trị văn hóa được lưu hành rộng rãi. Ông Muriuki cũng khuyến khích các bậc phụ huynh cho con em mình tham gia các hoạt động văn nghệ như đóng kịch, biểu diễn âm nhạc dân ca, nhảy truyền thống… bằng ngôn ngữ Ogiek.

Đối với Lele, Sogoot FM là công cụ duy trì tiếng nói của cộng đồng Ogiek thông qua việc cung cấp thông tin về giáo dục và giải trí bằng phương ngữ của họ. Nếu không nhờ kênh radio này, cộng đồng Ogiek sẽ mất đi tiếng nói.

Tờ Minority Africa cho hay, người dân trong vùng đã chung tay mua những nhạc cụ và trang thiết bị cần thiết. Năm 2018, cộng đồng xây dựng một trạm phát sóng hiện đại bao gồm phòng tin tức, trường quay và các phòng, ban khác. Họ cũng hỗ trợ các diễn giả trẻ trong việc chia sẻ kiến thức về tập tục của người Ogiek và tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu nhằm tăng số lượng thính giả.

Eunice Chepkemoi, điều phối viên dự án Amkemi Wakenya thuộc Chương trình Phát triển Ogiek (OPDP) cho biết, vẫn còn nhiều nhiệm vụ cần hoàn thành, đặc biệt là kêu gọi cộng đồng tham gia bảo đảm quyền lợi cho các nhóm người yếu thế trong xã hội. Dưới sự hỗ trợ của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) và Liên minh châu Âu (EU), Amkemi Wakenya được triển khai nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm cho cộng đồng Ogiek tại các nước láng giềng, trong các cơ quan chính phủ và tổ chức nhân quyền nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức mà nhóm người yếu thế ở Kenya đang phải đối mặt.

Ông Chepkemoi cho biết, OPDP đang tuyển mộ những người trẻ vào dự án ghi lại văn hóa và ngôn ngữ Ogiek nhằm lưu truyền cho thế hệ sau. Hiện, tổ chức đã xuất bản một cuốn sách về cộng đồng Ogiek, thu âm các bài hát và viết một cuốn Kinh thánh bằng ngôn ngữ Ogiek.

Leon Ruto là một thanh niên Ogiek, tuy không nói ngôn ngữ bản địa của mình song anh vẫn tin rằng mọi người nên tự hào về ngôn ngữ của cộng đồng mình, bởi ngôn ngữ ấy chứa đựng kinh nghiệm và là một phần của mỗi người, cũng như tự hào về sự đa dạng văn hóa của Kenya. Anh cũng bày tỏ sự kính trọng đối với tất cả những người trực tiếp gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ để người dân được kết nối với mạch nguồn của họ.