"Anh đi đâu, làm gì thế? Nhớ đừng chặt cây trong khu rừng này nhé!”, một trong những nữ kiểm lâm viên vừa cười vừa nói với người đàn ông mà họ tình cờ gặp sau một giờ tuần tra trong khu rừng nằm ở chân ngọn núi lửa thuộc tỉnh Aceh (Indonesia). Cách giao tiếp thân thiện này là một chiến thuật mà nhóm kiểm lâm do phụ nữ lãnh đạo ở làng Damaran Baru, tỉnh Aceh đã sử dụng để bảo vệ khu rừng trong khu vực họ sinh sống khỏi nạn chặt phá rừng. Sau nhiều năm tuần tra giúp nạn phá rừng giảm mạnh, các nữ kiểm lâm viên đang chia sẻ chiến lược của họ với các nhóm kiểm lâm khác do phụ nữ lãnh đạo nhằm nỗ lực bảo vệ rừng trên khắp Indonesia.
Theo AP, là một quần đảo nhiệt đới rộng lớn trải dài qua đường xích đạo, Indonesia sở hữu diện tích rừng nhiệt đới lớn thứ ba thế giới, với nhiều loại động, thực vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, như đười ươi, voi và các loài hoa rừng khổng lồ. Số liệu của Tổ chức theo dõi rừng toàn cầu cho thấy, kể từ năm 1950, hơn 740.000 km2 rừng nhiệt đới ở Indonesia - gấp hai lần diện tích nước Đức - đã bị đốn hạ, đốt cháy để phát triển các đồn điền dầu cọ, giấy và cao-su... Trong những năm gần đây, nạn phá rừng có xu hướng giảm song vẫn tồn tại.
Ở Damaran Baru, khu vực giáp một trong những vùng rừng mưa nhiệt đới rộng lớn nhất ở Đông Nam Á, nhiều dân làng dựa vào rừng để kiếm sống. “Nông dân ở đây thu hoạch cà-phê từ những bụi cây ven núi và sử dụng nước chảy từ sườn núi xuống để uống và nấu ăn. Nhưng nạn phá rừng không được kiểm soát do các hoạt động canh tác vô trách nhiệm và lạm dụng tài nguyên rừng đã dẫn đến hậu quả tai hại”, Sumini - một trong những nữ kiểm lâm viên cho biết. Năm 2015, mưa xối xả gây lũ quét trong làng, buộc hàng trăm người phải sơ tán. Khi nước rút, Sumini vào rừng và phát hiện nhiều hàng cây đã bị chặt phá trái phép. “Đây là nguyên nhân gây ra lở đất và thảm họa”, Sumini nhận định.
Tình trạng này đã thúc đẩy Sumini thành lập đội tuần tra do phụ nữ lãnh đạo. Sau khi vận động phụ nữ trong làng tham gia công việc tuần tra, Sumini làm việc với Tổ chức rừng, thiên nhiên và môi trường Aceh để được cấp giấy phép lâm nghiệp xã hội - giấy phép chính thức, được chính phủ hỗ trợ cho phép cộng đồng địa phương quản lý rừng trong khu vực của họ.
Sumini đo đường kính của một gốc cây rừng. Ảnh: AP |
Bà Farwiza Farhan, Chủ tịch tổ chức nói trên cho biết, sau khi cấp giấy phép, tổ chức bắt đầu giảng dạy các phương pháp bảo tồn rừng tiêu chuẩn cho các kiểm lâm viên. Bà cho biết, khóa đào tạo đầu tiên là học cách đọc bản đồ và dạy các phương pháp lâm nghiệp tiêu chuẩn khác, chẳng hạn như nhận biết các dấu hiệu của động vật hoang dã và sử dụng GPS.
Tháng 1/2020, nhóm kiểm lâm của Sumini đã có chuyến tuần tra chính thức đầu tiên. Kể từ đó, hằng tháng họ đều tổ chức các chuyến đi xuyên rừng để lập bản đồ, giám sát độ che phủ của rừng, lập danh mục các loài thực vật đặc hữu, vận động dân làng trồng rừng. Họ đo định kỳ từng cây và đánh dấu vị trí của chúng, gắn thẻ bằng ruy-băng để cảnh báo không chặt cây. Khi phát hiện có người trong rừng, các kiểm lâm viên sẽ tuyên truyền về tầm quan trọng của rừng đối với ngôi làng và đưa cho người dân hạt giống để gieo trồng.
Sumini cho biết, thay vì đối đầu gay gắt, những chiến thuật nhẹ nhàng mà các nữ kiểm lâm viên sử dụng tỏ ra có hiệu quả trong việc khiến mọi người thay đổi thói quen. Nhận thấy những tín hiệu tích cực tại khu vực rừng nhiệt đới Aceh, các tổ chức địa phương, phi chính phủ và quốc tế đã tuyên truyền và giúp nhân rộng mô hình ra nhiều nơi khác ở Indonesia.
Các thành viên của nhóm kiểm lâm Aceh đã gặp gỡ phụ nữ từ các tỉnh trên khắp Indonesia bị ảnh hưởng nặng nề do nạn phá rừng, chia sẻ thông tin về các chương trình lâm nghiệp hàng đầu của địa phương, dạy người dân cách tham gia lập bản đồ vùng hoang dã, cách soạn thảo đề xuất và xin giấy phép quản lý lâm nghiệp cũng như cách đáp ứng nhu cầu tốt hơn thực thi các biện pháp chống săn bắt, khai thác gỗ trái phép.
Ông Rahpriyanto Alam Surya Putra, Giám đốc Chương trình quản lý môi trường của Quỹ châu Á ở Indonesia, tổ chức giúp triển khai mối liên kết giữa các nhóm kiểm lâm do phụ nữ lãnh đạo, cho biết việc lấy phụ nữ làm trung tâm trong quản lý rừng là rất quan trọng cho sự thành công của các chương trình lâm nghiệp xã hội. Một cuộc khảo sát với 1.865 hộ gia đình do tổ chức này thực hiện cho thấy, khi phụ nữ tham gia quản lý rừng cộng đồng sẽ giúp tăng thu nhập hộ gia đình và quản trị rừng bền vững hơn.
Tuy nhiên, ông Surya Putra thừa nhận, công tác quản lý lâm nghiệp do phụ nữ lãnh đạo vẫn phải đối mặt những thách thức ở Indonesia. Bởi Indonesia là quốc gia Hồi giáo, vẫn còn quan điểm “trọng nam”. Và ngay cả khi phụ nữ được trao quyền tham gia vào lâm nghiệp, họ vẫn phải lo toan công việc gia đình và chăm sóc con cái.
Dù có những khó khăn, song các nữ kiểm lâm viên của Damaran Baru cho biết, tác động tích cực mà họ tạo ra là nguồn cảm hứng thúc đẩy họ tiếp tục công việc vì thế hệ tương lai. “Chúng tôi tích cực tuyên truyền để các thế hệ trước dạy cho con cái họ và cộng đồng về lợi ích của rừng. Chúng tôi muốn họ bảo vệ nó”. Trong khi đó, Chủ tịch Tổ chức rừng, thiên nhiên và môi trường Aceh nhấn mạnh: “Rừng vẫn xanh thì con người mới thịnh vượng”.