Nghề làm tượng Táo quân ở Bao Vinh

|

Nằm hạ nguồn sông Hương, nếu như Bao Vinh nổi tiếng với khu phố cổ thì làng Địa Linh cạnh đó nức tiếng bởi nghề nặn tượng ông Táo gần trăm năm qua của vùng đất Cố đô Huế. Xuất phát từ đây, hàng vạn ông Táo sẽ đến từng căn bếp của người dân khắp cả trong và ngoài tỉnh mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp.

Nghề xưa tín cũ

Theo tín ngưỡng của người Việt, tam vị Táo quân được xem là vị thần cai quản việc bếp núc và được thờ ở gian bếp mỗi gia đình. Tục thờ cúng ông Táo mang nhiều ý nghĩa nhân văn, hướng con người tích cực làm việc tốt, sống lương thiện. Theo góc nhìn tâm linh, Táo thần là vị thần theo sát cuộc sống của mọi người, thường ngày ghi lại những công tội, tốt xấu của mọi người để về trời báo cáo với Ngọc Hoàng. Trước Tết Nguyên đán hằng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, người dân sẽ đưa ông Táo về trời. Thay vì thả cá sống hay đốt cá giấy như một số địa phương, người dân xứ Huế và các tỉnh miền trung sẽ chọn mua bộ tượng ông Táo để trang hoàng cho gian bếp. Nghề làm tượng ông Táo ra đời đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng ấy. Tượng ông Táo đặt ở mỗi gian bếp còn góp thêm chút hương xuân ấm áp cho ngày Tết người dân Việt.

Từ TP Huế về, qua khỏi Bao Vinh, nhìn xa xa những cột khói bốc lên từ các lò nung như một chỉ dấu để mọi người biết được về ngôi làng với nghề độc đáo. Càng đến gần, những xưởng gia đình này hiện ra rõ hơn với lượng người ra vào tấp nập, hàng lớp tượng được xếp chồng lớp, những đống đất sét xếp trước mỗi căn nhà đang chờ chuẩn bị cho những đợt nặn tiếp theo.

Những gia đình làm nghề cho biết, trước ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp) khoảng 40 ngày là mốc cao điểm để sản xuất. Để làm được tượng, đầu tiên phải lựa kỹ đất sét. Đất phải được lọc sạch các tạp chất như sạn, đá, bao bì. Tiếp mới đến công đoạn nhồi, cho đất vào khuôn tạo hình ông Táo (hai ông một bà xếp liền nhau). Sau khi đúc xong, tượng được mang phơi nắng trước khi đưa vào lò nung bằng trấu. Qua hai ngày, một đêm thì tượng được dỡ. Tượng trước khi hoàn thiện sẽ phủ một lớp sơn nền mầu nâu hoặc hồng, chờ khô rồi xếp bộ, đóng thùng gửi cho thương lái.

Giữ lửa để giữ nghề

Gia đình ông Võ Văn Nam, một trong những hộ làm nghề ở làng Địa Linh đến thời điểm này cơ bản giao đủ các đơn hàng. Ông Nam cho biết, để cho ra thành phẩm, tượng còn phải được nung trong lò thời gian từ hai đến ba ngày, vì vậy việc canh nhiệt độ lò là khâu hết sức quan trọng, đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Nếu nhiệt độ quá cao tượng sẽ nứt, sứt mẻ. Mỗi mẻ nung trong lò chứa từ 2.000 - 3.000 tượng xếp chồng lên nhau. Với số lượng nhiều như vậy nên đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. “Năm nay gia đình chúng tôi cho ra lò tầm 50 nghìn tượng”, ông Nam nói.

Cạnh đó, lò nặn tượng của gia đình ông Võ Văn Hải cũng tất bật người vào ra nhận đơn giao hàng. Với kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề, theo ông Hải, điểm đặc biệt của tượng ông Táo làm tại làng Địa Linh là đều được đúc từ những chiếc khuôn bằng gỗ lim và cứ hai năm, khuôn gỗ này lại được thay mới một lần. Ngoài ra, điều quyết định nên bức tượng ông Táo đẹp hay xấu là khâu vẽ mầu. “Công đoạn này khá kỳ công, đòi hỏi người vẽ phải tinh tế từng chi tiết. Mầu chính để vẽ ngoài nâu, hồng còn có thêm đỏ, thêm bột kim tuyến óng ánh để hợp thị hiếu của người mua. Giá mỗi tượng sau khi ra lò dao động từ 1.500 - 7.000 đồng (tùy kích cỡ), được các thương lái phân phối đi nhiều tỉnh, thành phố trước ngày 23 tháng Chạp”.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Huế, ngoài bàn thờ tổ tiên thì bàn thờ bếp cúng ông Táo luôn được người dân ở xứ Huế xem trọng. Do đó vào ngày cúng ông Táo, các gia đình thường thay tượng cũ bằng tượng mới nên nghề nặn tượng ông Táo chưa thất truyền. Tuy nhiên, người dân gắn bó với nghề đang gặp nhiều khó khăn. Trước kia, làng có hàng chục hộ cùng làm nghề, vài năm trở lại đây do số lượng cung ứng ra thị trường giảm, thu nhập ảnh hưởng nên lớp trẻ không mặn mòi với nghề truyền thống, còn thế hệ cao niên thì tuổi tác không cho phép đứng lò. Ở thời điểm hiện tại, số hộ duy trì nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo lãnh đạo phường Hương Vinh, chính quyền luôn tìm cách động viên bà con làm nghề nặn tượng lưu giữ, phát huy nghề truyền thống. Nhờ thế đến nay còn vài hộ vẫn “giữ lửa”, giữ nghề.

Tại Huế, bắt đầu từ sáng cho đến 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường làm một mâm cỗ để đưa ông Công, ông Táo về chầu trời. Cùng với việc chuẩn bị mâm cơm, bàn thờ ông Công, ông Táo cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ, tượng ông Táo được thay mới để cầu mong một năm may mắn, đủ đầy.