Bảo vệ nguồn nước từ suối tạm

|

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ước tính rằng, khoảng 55% lượng nước chảy vào các lưu vực sông của Mỹ có thể bắt nguồn từ những dòng suối tạm chỉ chảy theo chu kỳ. Các nhà khoa học của nước này đang kêu gọi bảo vệ đối với các dòng suối nhỏ nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.

Theo Newsweek, những dòng suối tạm này thường cạn khô phần lớn thời gian trong năm và chỉ có nước khi mưa lớn hoặc băng tan. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu thủy văn Jud Harvey của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho rằng, theo một chu kỳ cố định trong năm, những dòng suối này đang vận chuyển lượng nước đáng kể đổ vào sông và những hồ, đập lớn. Ông Harvey và các đồng nghiệp đã xác định được hàng triệu dòng suối tạm thời trên khắp nước Mỹ, đồng thời lập mô hình chi tiết để ước tính lượng nước chảy qua.

Nghiên cứu cho thấy, những dòng suối tạm ở miền tây nước Mỹ chỉ chảy trung bình khoảng 46 ngày mỗi năm, nhưng đóng góp tới 79% lưu lượng nước ở các con sông trong khu vực. Trên toàn nước Mỹ, con số này lên tới 55%. Ông Jud Harvey cho biết, lượng nước có nguồn gốc từ các dòng suối tạm được tính toán dựa trên các cuộc điều tra nghiêm ngặt và chi tiết sử dụng dữ liệu mới nhất. Điều này cho thấy khối lượng nước chảy qua các dòng suối này rất lớn, do đó việc bảo vệ chúng khỏi bị ô nhiễm là rất quan trọng.

“Hiện nay, nguy cơ lớn nhất là trầm tích hoặc hóa chất dư thừa từ phân bón chảy tràn từ các trang trại có thể tích tụ trong các kênh khô cho đến khi trận mưa lớn cuốn trôi chất ô nhiễm vào các tuyến đường thủy lớn hơn”, Phó GS Ciaran Harman tại Trường đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, những dòng suối này có ảnh hưởng lớn đến chất lượng nước. Do vậy, các nhà khoa học đang kêu gọi Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đưa ra những quy định quản lý ô nhiễm ở các dòng suối tạm, kênh ngòi và những nguồn dẫn nước khác.

Trước đây, EPA thường sử dụng nghiên cứu khoa học mới để cập nhật và mở rộng các quy định quản lý về nước sạch. “Các cơ quan quản lý sẽ xem xét những nguồn nước khác nhau có đóng góp vào chất lượng nước hạ lưu hay không, sau đó họ đề xuất kế hoạch bảo vệ nguồn nước đó. Chúng tôi tin rằng, mạng lưới suối nhỏ và các kênh dẫn nước có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng lại rất dễ bị ô nhiễm và các tác động khác do con người gây ra. Do vậy, chúng cần được bảo vệ”, ông Harman khẳng định.