Vấn đề nhức nhối ở Nam Á

|

Bộ Y tế Ấn Độ mới đây yêu cầu điều tra bệnh viện Indraprastha Apollo thuộc chuỗi bệnh viện tư nhân Apollo Hospitals lớn nhất đất nước, do các cáo buộc cơ sở y tế này liên quan vụ mua bán thận bất hợp pháp của một số công dân đến từ nước láng giềng. Vụ việc này một lần nữa cho thấy tình trạng buôn bán thận, vốn luôn nhức nhối tại Ấn Độ nói riêng cũng như khu vực Nam Á nói chung những năm qua.

Bê bối “dùng tiền đổi thận”

Theo Reuters, ngày 6/12 vừa qua, Tổ chức Cấy ghép mô và nội tạng quốc gia trực thuộc Bộ Y tế Ấn Độ, đã yêu cầu lãnh đạo cơ quan y tế tại Thủ đô New Delhi, ông SB Deepak Kumar vào cuộc điều tra Indraprastha Apollo vì những cáo buộc bệnh viện này dính líu các vụ mua bán thận trái phép. Trong văn bản gửi ông Kumar, tổ chức nói trên yêu cầu “kiểm tra vấn đề, thực hiện hành động thích hợp và cung cấp báo cáo hoạt động trong vòng một tuần”. Bộ Y tế Ấn Độ sau đó cho biết, một ủy ban đang được thành lập để điều tra các cáo buộc. Thông tin chi tiết về những người hiến thận, cũng như các bệnh nhân tiếp nhận tạng cũng được công khai để phục vụ quá trình này.

Quyết định điều tra được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông quốc tế cho rằng, bệnh viện Indraprastha Apollo có liên quan vụ mua bán thận bất hợp pháp của một số công dân Myanmar. Cụ thể, ngày 5/12, một báo cáo từ tờ The Telegraph cáo buộc bệnh viện Indraprastha Apollo có liên quan vụ bê bối “dùng tiền đổi thận”. Theo tờ báo, nhiều người trẻ tuổi đến từ một số ngôi làng ở Myanmar được đưa đến bệnh viện này và bị dụ dỗ bán thận cho những bệnh nhân giàu có. The Telegraph tiết lộ, những “cò mồi bắt người hiến thận đóng vai là người thân của bệnh nhân. Bởi theo quy định của pháp luật, chỉ thành viên trong gia đình mới được phép hiến tạng cho nhau.

Báo cáo cũng chỉ đích danh một bác sĩ phẫu thuật cấy ghép cấp cao của bệnh viện có tên là Thet Oo, cho rằng ông được những kẻ chủ mưu đường dây buôn bán thận chỉ định là người tiến hành các ca cấy ghép và chăm sóc người hiến tạng sau phẫu thuật. Sau khi thông tin trên được công bố, lãnh đạo hệ thống bệnh viện Apollo Hospitals đã sa thải bác sĩ này.

Hiện, chính quyền Myanmar và phía bệnh viện Apollo từ chối bình luận về báo cáo của The Telegraph. Trong khi đó, Indraprastha Medical Corp - công ty quản lý hai bệnh viện trực thuộc Apollo ở New Delhi cho biết, họ đã bắt đầu một cuộc điều tra về vấn đề này. Theo người phát ngôn của Indraprastha Medical Corp, mọi cáo buộc đều “hoàn toàn sai sự thật, thiếu thông tin và gây hiểu nhầm”. Những thông tin như vậy làm ảnh hưởng nghiêm trọng bệnh viện. Bởi, bệnh viện Apollo Hospitals có trụ sở tại thành phố Chennai (bang Tamil Nadu) đang điều hành hơn 70 bệnh viện trên khắp Ấn Độ.

“Miền đất hứa” của giới buôn tạng

Theo Reuters, các cáo buộc nhắm vào bệnh viện Indraprastha Apollo là bê bối mới nhất về buôn bán thận tại Ấn Độ. Vụ việc này một lần nữa cho thấy nạn buôn bán nội tạng phức tạp tại quốc gia trên nói riêng và khu vực Nam Á nói chung. Trong những năm qua, hàng loạt đường dây buôn bán thận đã bị phát hiện tại khu vực này.

Tháng 7/2016, cảnh sát Mumbai (Ấn Độ) đã triệt phá một đường dây buôn bán thận tại bệnh viện nổi tiếng Dr LH Hiranandani của thành phố này. Theo đó, cảnh sát nhận được tin báo về các vụ ghép thận diễn ra bên ngoài bệnh viện Hiranandani do chính các bác sĩ tại đây lên lịch. Sau khi xác minh các cáo buộc, cảnh sát đã ập vào bệnh viện ngay giữa lúc một ca phẫu thuật ghép thận diễn ra và phát hiện hai người được phẫu thuật không phải vợ chồng như trên giấy tờ ghi.

Theo điều tra của cảnh sát, các con buôn đã dụ dỗ những người nghèo ở bang Gujarat bán thận với giá khoảng 3.000 USD, sau đó bán lại ở chợ đen thu lợi lớn. Trong hầu hết các ca mổ, người hiến và nhận thận không có mối quan hệ nào và toàn bộ thông tin, tên tuổi đều bị khai man. Liên quan vụ việc, năm thành viên bệnh viện trong đó gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc y khoa và ba bác sĩ cùng chín người khác đã bị bắt giữ.

Tháng 10 vừa qua, cảnh sát ở miền đông Pakistan đã bắt giữ tám người trong đường dây phẫu thuật và buôn bán hàng trăm quả thận trái phép. Mohsin Naqvi, Thủ hiến tỉnh Punjab cho biết, kẻ cầm đầu là Fawad Mukhtar, bị cáo buộc thực hiện 328 ca phẫu thuật lấy thận để bán cho những khách hàng giàu có với giá lên tới 10 triệu rupee Pakistan (34.000 USD) mỗi quả.

Các báo cáo điều tra của lực lượng chức năng cho thấy, băng nhóm của Fawad đã dụ dỗ bệnh nhân từ nhiều bệnh viện khác nhau đến khu vực Kashmir để bí mật phẫu thuật. Ông Naqvi cho rằng, băng nhóm dễ dàng hoạt động tại Kashmir vì khu vực này chưa có luật liên quan việc cấy ghép thận. Giới chức trách Pakistan sau đó xác nhận có ba trường hợp tử vong và đang tiếp tục điều tra thêm. Một số nạn nhân trong vụ việc thậm chí bị lừa lấy thận mà không hề hay biết.

The Guardian cho hay, trên thực tế, mỗi năm các nước tại khu vực Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh ghi nhận hàng chục nghìn ca buôn bán thận trái phép. Ước tính, mỗi quả thận được bán với giá 3.000 - 6.000 USD. Do đây là hành vi trái pháp luật, các ca cấy ghép này thường được thực hiện trong những điều kiện không đạt tiêu chuẩn phẫu thuật cấy ghép, gây ra nguy cơ lây truyền các bệnh viêm gan B, C và HIV/AIDS... Các chuyên gia cảnh báo, có đến 70-80% số bệnh nhân được ghép tạng phải chịu di chứng lâu dài về sức khỏe.

Trước tình hình đó, nhằm đối phó nạn buôn bán nội tạng, cộng đồng quốc tế đã ban hành nhiều công ước, trong đó có Tuyên bố lên án thương mại nội tạng của Cơ quan Y tế thế giới (WMA) năm 1985. Chỉ hai năm sau đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định hành vi thương mại hóa nội tạng là vi phạm Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế. Năm 1991, WHO đưa ra chín nguyên tắc hướng dẫn về ghép tạng, nêu rõ tạng người không thể là đối tượng giao dịch tài chính. Hội đồng châu Âu năm 1997 và năm 2002 cũng lần lượt ban hành Công ước về nhân quyền, y sinh học, lên án các hành vi cấy ghép nội tạng trái phép. Năm 2008, sau Hội nghị cấp cao do Hội Ghép tạng thế giới (TTS) và Hội Thận học quốc tế (ISN), Tuyên bố Istanbul về buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng đã ra đời.

Tại các quốc gia mà nạn buôn bán nội tạng diễn ra phức tạp, nhiều đạo luật đối phó vấn nạn này cũng được ban hành. Ở Ấn Độ, Tòa án tối cao ở Kerala đã ban hành lệnh cấm bệnh nhân cần ghép tạng quảng cáo kêu gọi nhà tài trợ để mua bán trá hình các bộ phận cơ thể người. Chính phủ Pakistan cũng ban hành luật cấm buôn bán nội tạng người từ năm 2007. Ba năm sau đó, Pakistan nâng mức xử phạt hành vi này lên 10 năm tù và một triệu rupee Pakistan (tương đương 3.400 USD).

Mặc dù vậy, trên thực tế, đối mặt cảnh nghèo đói cùng cực, nhiều người dân tại khu vực Nam Á vẫn lựa chọn việc bán thận. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc ngăn chặn tình trạng buôn bán nội tạng trái phép như hiện nay là một bài toán nan giải đối với các quốc gia nói trên, đặc biệt trong bối cảnh các nước này có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt.