Sớm hơn dự kiến
Ngày 11/7 vừa qua, LHQ đã công bố báo cáo “Triển vọng dân số thế giới 2024: Tóm tắt kết quả”, trong đó dự báo dân số thế giới sẽ đạt đỉnh vào giữa những năm 80 của thế kỷ 21. Theo đó, dân số thế giới sẽ tăng từ mức 8,2 tỷ người vào năm 2024 lên khoảng 10,3 tỷ người vào giữa những năm 2080, sau đó sẽ quay trở lại mức khoảng 10,2 tỷ người vào cuối thế kỷ này. Năm 2014, LHQ nhận định có 30% khả năng tăng dân số sẽ kết thúc trong thế kỷ này, nhưng hiện tại con số này đã tăng lên 80%. Theo báo cáo mới nhất, quy mô dân số thế giới vào năm 2100 dự kiến sẽ thấp hơn 6% (tương đương 700 triệu người) so dự báo của LHQ cách đây 10 năm.
LHQ cho hay, tính đến năm 2024, quy mô dân số đã đạt đỉnh ở 63 quốc gia và khu vực, gồm Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Nga và tổng dân số của nhóm này dự kiến sẽ giảm 14% trong 30 năm tới. Ngược lại, 9 nước được dự báo sẽ tăng gấp đôi dân số trong thời gian từ năm 2024 đến năm 2054, trong đó có CH Trung Phi, CHDC Congo và Angola.
Theo LHQ, có nhiều lý do khiến gia tăng dân số đạt đỉnh sớm hơn so dự báo trước đây. Tỷ lệ sinh tại nhiều quốc gia giảm do bất ổn kinh tế-chính trị, khả năng tiếp cận giáo dục và thị trường lao động của phụ nữ là những nguyên nhân chính. Ước tính trung bình trên phạm vi toàn cầu, phụ nữ sinh ít hơn một con so khoảng năm 90 của thế kỷ trước. Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội của LHQ, ông Li Junhua nhận định: “Ở một số quốc gia, tỷ lệ sinh thậm chí còn thấp hơn dự đoán trước đây và chúng tôi cũng đang chứng kiến mức giảm nhanh hơn ở một số khu vực có tỷ lệ sinh cao”. Ngoài ra, hạn chế về nhập cư ở những nơi như châu Âu và tuổi thọ trung bình giảm tạm thời do đại dịch Covid-19 cũng góp phần kéo giảm các dự báo.
LHQ cũng dự báo, vào cuối những năm 70 của thế kỷ này, nhóm người từ 65 tuổi trở lên sẽ đông hơn số trẻ em dưới 18 tuổi, trong khi nhóm người ở độ tuổi 80 trở lên được dự báo sẽ đông hơn trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Ngay cả ở những quốc gia đang phát triển nhanh chóng và có dân số tương đối trẻ, nhóm người ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên được dự báo sẽ tăng trong 30 năm tới.
Người dân Ấn Độ xếp hàng lấy nước sinh hoạt. Ảnh: GETTY |
Động lực, thách thức đan xen
Theo The Guardian, sự thay đổi nhân khẩu học sắp xảy ra cũng mang đến cơ hội mới. Ở khía cạnh y tế, việc gia tăng dân số cho thấy thế giới đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ tăng lên và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ở khía cạnh lao động, dân số gia tăng cũng giúp thị trường lao động dồi dào hơn trong tương lai, giúp tăng trưởng kinh tế, mở ra những tiềm năng đổi mới và hợp tác chặt chẽ hơn trên thế giới.
Tuy nhiên, theo Nikkei, sự gia tăng dân số theo cấp số nhân sẽ làm trầm trọng thêm sự chênh lệch kinh tế xã hội, khi gần 700 triệu người đang sống với thu nhập dưới 2,15 USD mỗi ngày - chuẩn nghèo cùng cực của Ngân hàng Thế giới (WB). Dân số tăng lên kéo theo số người nghèo cùng cực gia tăng, nếu tăng trưởng kinh tế không theo kịp với sự mở rộng nhân khẩu học. Ở nhiều thành phố châu Á, cuộc khủng hoảng nhà ở đã nghiêm trọng. Dharavi của thành phố Mumbai (Ấn Độ), thường được gọi là khu “ổ chuột” lớn nhất châu Á, có gần 1 triệu người trong diện tích chỉ 2,1 km vuông.
Hiện, trên thế giới có 703 triệu người từ 65 tuổi trở lên. LHQ dự đoán con số này sẽ tăng vọt lên 1,5 tỷ vào năm 2050, tác động sâu sắc đến hệ thống chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế và hệ thống an sinh xã hội trên toàn thế giới. Ở nhiều nước đang phát triển, hệ thống chăm sóc sức khỏe đã quá tải khi thiếu hụt đáng kể nhân viên y tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, năm 2023, toàn cầu sẽ thiếu hụt 18 triệu nhân viên y tế, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Chưa kể, sự bùng nổ dân số đang đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, đặc biệt là ở châu Á. Đến năm 2030, LHQ dự đoán sẽ có 43 siêu đô thị với hơn 10 triệu dân, hầu hết trong số họ ở các khu vực đang phát triển. Trong khi Tokyo (Nhật Bản) hiện là thành phố lớn nhất thế giới, các siêu đô thị mới nổi như New Delhi, Mumbai và Dhaka ở Ấn Độ đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Các nhà khoa học cảnh báo, tốc độ tăng trưởng dân số đang vượt xa sự phát triển cơ sở hạ tầng. Nhu cầu quy hoạch đô thị bền vững chưa bao giờ cấp bách hơn để tránh một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra ở các trung tâm đô thị đang mở rộng nhanh chóng này.
Khi dân số tăng, nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên sẽ nhiều hơn, lượng phát thải khí nhà kính tăng lên và những thay đổi về nhu cầu sử dụng đất trở nên mạnh mẽ hơn. Thế giới, trong đó có châu Á, đang tiến gần đến một số giới hạn và hậu quả đã thấy rõ. Sự phát triển nhanh chóng của các siêu đô thị ven biển như Jakarta (Indonesia) đã dẫn đến tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng, khiến thành phố này ngày càng dễ bị tổn thương trước mực nước biển dâng cao. Đến năm 2040, 33 quốc gia được dự đoán sẽ phải đối mặt những hệ lụy về mực nước biển dâng cao nhưng lại thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Khan hiếm nước làm dấy lên lo ngại về các cuộc xung đột tiềm tàng và di cư hàng loạt trong những thập kỷ tới. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các hoạt động phát triển bền vững nhằm cân bằng tăng trưởng với bảo tồn môi trường.
Bên cạnh đó, dù số lao động dư thừa khi dân số tăng, song số việc làm được cho là không đủ để đáp ứng nhân công, đặc biệt trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang bùng nổ. Một báo cáo của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ghi nhận AI có thể thay thế 300 triệu việc làm toàn thời gian, nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo lại kỹ năng cho hơn 1 tỷ người vào năm 2030 để theo kịp những tiến bộ công nghệ. Nếu không có nền giáo dục chất lượng và cơ hội việc làm có ý nghĩa, lợi tức nhân khẩu học có thể biến thành thảm họa.
Trước những thách thức trên, giới chức thế giới đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp thích nghi. Các nhà quy hoạch đô thị thời gian qua khám phá những ý tưởng mới, chẳng hạn như căn hộ siêu nhỏ, rừng thẳng đứng và không gian công nghiệp được tái sử dụng, có thể là một phần của giải pháp nhà ở bền vững cho dân số đô thị ngày càng tăng. Không chỉ vậy, ở một số quốc gia, đầu tư mạnh vào giáo dục và tạo việc làm cũng là ưu tiên hàng đầu của thế giới để biến dân số ngày càng tăng thành tài sản.
Dù vậy, việc duy trì một hành tinh với hơn 10 tỷ dân sẽ đòi hỏi tất cả các bên liên quan như chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức quốc tế và xã hội dân sự... huy động các nguồn lực trí tuệ, tài chính và vật chất để ứng phó hiệu quả với những thách thức chung trong tình hình mới.