Ngân hàng vẫn “ép” khách vay mua bảo hiểm

|

Mặc dù các quy định pháp luật đã nghiêm cấm việc ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn nhưng tình trạng này vẫn “âm thầm” diễn ra, gây bức xúc cho người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngân hàng và bảo hiểm “ai về nhà nấy”.

Sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cử tri đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về việc nhiều ngân hàng yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ... mới được giải ngân khoản vay. Điều này tạo áp lực tài chính không cần thiết và làm giảm tính minh bạch trong hoạt động tín dụng.

Vẫn “cưỡng ép” khách hàng mua bảo hiểm

Theo cử tri tỉnh Khánh Hòa, tại một số ngân hàng tư nhân, việc “cưỡng ép” mua bảo hiểm trở thành điều kiện bắt buộc để vay vốn. Họ đề nghị NHNN tăng cường thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn vay một cách công bằng.

Theo chị Vũ Thị Vân (38 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội), gia đình chị vừa mua căn chung cư tại Vinhome Ocean Park và phải vay ngân hàng 800 triệu đồng. Khi làm hợp đồng vay vốn, chị đã được nhân viên gợi ý tham gia gói bảo hiểm để hưởng chính sách lãi suất tốt hơn.

Nhìn theo “bề nổi”, đây chỉ là gợi ý chứ không “ép” nhưng khi khách hàng tỏ ý không muốn tham gia, nhân viên ngân hàng sẽ nói đến những khó khăn, rủi ro “trượt” hồ sơ khiến khách hàng phải theo đuổi.

Là một người có kinh nghiệm vay ngân hàng, chị Trang Thu (32 tuổi, quê Nam Định) cho biết, nếu trước đây các nhân viên ngân hàng thường đề xuất thẳng thừng “nếu không mua bảo hiểm, ngân hàng sẽ không ký giải ngân” thì kể sau ngày 1/7/2024, khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, đã không còn tình trạng này. Thay vào đó, các nhân viên ngân hàng tìm cách “bán kèm” bảo hiểm cho người thân khách vay, như bố mẹ, anh chị em ruột.

"Người đứng tên hợp đồng vay vốn thì không đứng tên hợp đồng bảo hiểm. Thậm chí, một số hợp đồng đã tham gia cũng sẽ bị hủy nhằm bảo đảm đúng quy định. Tuy nhiên, các nhân viên ngân hàng sẽ gợi ý khách hàng tham gia bảo hiểm cho người thân để tăng điểm tín dụng, việc này do thỏa thuận miệng giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng”, chị Thu chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Nguyên Đán, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội Luật gia Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm 2024 vẫn có phản hồi về việc khách hàng phải tham gia gói bảo hiểm để được giải ngân khoản vay. Nguyên nhân do các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư được công ty bảo hiểm chi hoa hồng rất cao, có hãng trả đến hơn 100% cho đối tác, khiến ngân hàng bán "bất chấp".

Cũng theo ông Đán, dù luật đã nghiêm cấm nhưng ngân hàng có lợi thế “nắm đằng chuôi”, khách vay vẫn cần họ nên cũng không thể không tham gia. Đồng thời, các ngân hàng cũng đang chịu áp lực phải phục hồi doanh thu để đáp ứng các giao kèo đã ký với doanh nghiệp bảo hiểm.

Nếu không đạt chỉ tiêu, ngân hàng phải trả lại chi phí trả trước cho doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, các nhân viên ngân hàng liên tục phải có các “chiêu” mới, chẳng hạn như nhờ người thân đứng tên, hoặc ưu đãi lãi suất từ 1- 2%/năm nếu đồng ý mua bảo hiểm để khách hàng “tự nguyện” đồng ý. Chính nhân viên của các ngân hàng cũng thừa nhận, áp lực chỉ tiêu khiến họ phải gợi ý khách hàng tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, dù đã có luật mới cùng các thông tư và nghị định hướng dẫn, nhưng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa sát sao, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Điều này dẫn đến việc các ngân hàng vẫn còn tình trạng "ép" khách hàng vay tham gia bảo hiểm. Các chuyên gia lo ngại rằng nếu không có cách làm khác và sự tuân thủ của các tổ chức tín dụng, khủng hoảng bancassurance (hoạt động bán chéo bảo hiểm tại các ngân hàng) có thể tái diễn trong tương lai.

Tỷ lệ hủy hợp đồng năm đầu tiên lên tới 40 - 70%

Trả lời kiến nghị của cử tri, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, trong thời gian qua, cơ quan này đã thường xuyên chỉ đạo và chấn chỉnh hoạt động bán chéo bảo hiểm tại các ngân hàng, yêu cầu tuân thủ quy định và không được gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

Đồng thời, NHNN tăng cường giám sát và rà soát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh ngân hàng có tỷ lệ tái tục hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai thấp. Việc khách hàng mua bảo hiểm một cách đối phó và không phù hợp với nhu cầu đã dẫn đến tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên tại một số ngân hàng lên tới 40-70%.

Theo các chuyên gia, trong giai đoạn kể từ năm 2014 đến trước năm 2023 được coi là giai đoạn vàng của hoạt động bán chéo bảo hiểm tại các ngân hàng với tốc độ phát triển rất nhanh. Số lượng hợp đồng bảo hiểm ký mới trong 7 năm của bancassurance bằng 20 năm của ngành bảo hiểm khi hoạt động độc lập.

Nhiều "cuộc hôn nhân" giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm diễn ra với thời hạn cam kết từ 15-20 năm. Ngoài thương vụ giữa Techcombank và Manulife, thị trường còn chứng kiến sự hợp tác của nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm như Sacombank với Dai-ichi Life, VietinBank với Aviva hay HDBank với Dai-ichi Life,...

Tuy nhiên, kể từ năm 2023, sau những lùm xùm như khách hàng bị "ép" mua bảo hiểm, tiền gửi tiết kiệm bị biến thành bảo hiểm đầu tư, bảo hiểm nhân thọ..., niềm tin trên thị trường tụt dốc, mảng kinh doanh này bắt đầu rơi vào khủng hoảng, doanh thu tại các ngân hàng giảm mạnh và ảm đạm đến nay.

Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề từ mảng kinh doanh này đã được phát hiện sau các cuộc thanh tra của cơ quan chức năng, thậm chí có những sai phạm nghiêm trọng như đại lý và nhân viên ngân hàng không tuân thủ quy trình bán bảo hiểm, quản lý thu phí lỏng lẻo, chất lượng tư vấn thấp và không thu thập chính xác thông tin khách hàng... Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc bảo hiểm và ngân hàng phải “ai về nhà nấy” để lấy lại niềm tin của người dân.

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng quyết định chấm dứt hợp đồng độc quyền về bancassurance với các công ty bảo hiểm. Trước cuộc chia tay của Techcombank và Manulife, ABBank cũng chấm dứt hợp đồng với FWD năm 2022 và HDBank chia tay Dai-ichi Life đầu năm 2023.

Ở góc nhìn tích cực, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, bancassurance vẫn là mảng kinh doanh có nhiều ưu điểm, giúp đa dạng hóa việc phân phối sản phẩm bảo hiểm, khách hàng có thêm nhiều lựa chọn, đồng thời mang lại doanh thu cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong tình trạng khủng hoảng như hiện nay, không nên phục hồi bằng mọi giá mà cần có lộ trình rõ ràng.

“Hiện người tiêu dùng đã mất niềm tin vào kênh này, ảnh hưởng chung đến cả ngành bảo hiểm. Việc phục hồi phải hướng đến sự bền vững, không nên vì mục tiêu trước mắt mà để xảy ra tình trạng "bổn cũ soạn lại", TS Lê Bá Chí Nhân nhận định.

Đồng quan điểm PGS, TS Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, bancassurance là kênh rất phát triển trên thế giới, nhưng ở Việt Nam lại biến tướng thành một kênh bắt buộc, tạo ra sự méo mó và cái nhìn tiêu cực, đặc biệt từ người đi vay.

Để kênh bancassurance phát triển bền vững, các ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm phải đi theo hướng khác, bán những sản phẩm khách hàng cần, chứ không phải bán những gì mình có và "ép" khách hàng phải mua.

Sau nhiều vụ việc xảy ra ở mảng kinh doanh bancassurance gây mất niềm tin đối với khách hàng, NHNN đã bổ sung nội dung thanh tra về hoạt động kinh doanh và đại lý bảo hiểm vào kế hoạch thanh tra năm 2023 đối với một số đơn vị. Cùng với Bộ Tài chính, NHNN đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị về việc bán chéo bảo hiểm tại các ngân hàng.