Cuộc chiến chống lại nạn đói ở châu Phi

|

Xung đột quân sự, biến đổi khí hậu đang đẩy châu Phi vào tình trạng mất an ninh lương thực tàn khốc. Trong đó, LHQ cảnh báo gần 60% dân số Nam Sudan sẽ bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2025. Hơn lúc nào hết, “lục địa đen” cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Nạn đói đe dọa cả châu lục

Hệ thống Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) là công cụ được LHQ sử dụng để đánh giá tình trạng an ninh lương thực ở mỗi nước. Trong lịch sử, IPC đã họp và dùng từ “nạn đói” theo các cấp độ khác nhau khoảng 20 lần. Trường hợp nghiêm trọng nhất từng xuất hiện là tại Yemen năm 2017 khi 6,8 triệu người bị xác định ở mức 4, đồng nghĩa mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cần hành động khẩn cấp. Trong thang đo của IPC thì cấp 5, mức mất an ninh lương thực, là mức cao nhất. Báo chí thế giới mô tả hiện trạng ở Nam Sudan là nạn đói kinh hoàng nhất toàn cầu suốt 40 năm qua.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) vừa công bố IPC mới nhất, trong đó dự báo trong mùa đói ở Nam Sudan bắt đầu từ tháng 4/2025, tổng số người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực cấp tính sẽ tăng lên gần 7,7 triệu người, chiếm 57% dân số và tăng thêm 600.000 người so năm nay. Đáng chú ý, có tới một nửa trong số này là người tị nạn hồi hương, chiếm 85% tổng số người tị nạn hồi hương nhằm tránh cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng. Ngoài ra, số trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng cũng tăng từ 1,65 triệu lên 2,1 triệu vào năm tới.

Đó chỉ là một phần bức tranh châu Phi hiện tại. Trên toàn lục địa, khoảng 130 triệu người đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi vào tháng 10/2024. Khoảng 90% số này bị đặt vào tình trạng mất an ninh lương thực mức 3, mức nghiêm trọng.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những thảm họa nhân đạo ấy là chiến tranh, xung đột. Tổng cộng 13 trong 16 quốc gia châu Phi đang trải qua tình trạng mất an ninh lương thực đều có xung đột vũ trang. Những nhà nghiên cứu châu Phi nhiều năm đều thống nhất quan điểm rằng nạn đói ở châu Phi luôn biến thiên theo tình hình chiến sự mỗi vùng. Ở những nơi xung đột căng thẳng nhất thường kèm theo nguy cơ nạn đói thảm khốc.

Nhìn rộng ra, an ninh lương thực là vấn đề cả ở những vùng không chiến sự. Theo CNN, 23 trong 54 quốc gia châu Phi có ít nhất 10% dân số đối diện tình trạng thiếu lương thực. Con số này cao gấp đôi năm 2019. Tình trạng này nghiêm trọng hơn ở vùng trung tâm châu Phi và bắt đầu giảm dần về hai cực. Bảy nước ở trung tâm châu Phi có tới 19% dân số bị đặt vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và 5 trong 7 quốc gia này đang có xung đột.

Nạn đói ngày nay có lẽ là điều không tưởng bởi trong lịch sử, châu Phi vốn là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, cũng có tiếng là giàu tài nguyên bậc nhất. Tuy nhiên, đó đã là câu chuyện của quá khứ. Nạn đói hiện tại của châu Phi không chỉ tới từ xung đột mà còn là hậu quả của biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và suy giảm chất lượng môi trường sống.

Cùng thời điểm Nam Sudan bị tàn phá vì chiến tranh, Emmanuel Himoonga - một nông dân Zambia - thất thểu từng bước trên cánh đồng khô cằn của mình, nhặt những thân ngô đã gần như trắng bệch. Ở tuổi 61, Himoonga đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần hạn hán trong đời mình. Nhưng trong khoảng 10 năm qua, chúng diễn tiến theo cách ông không ngờ tới. Từ tần suất 5 năm một lần, hạn hán rút xuống còn 4, rồi 3 năm... “Mọi vụ mùa của chúng tôi, mọi cánh đồng đều thất bát. Tôi mất hết tất cả”, Himoonga bàng hoàng.

Theo báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP), vùng Nam Phi của Zambia đang phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong ít nhất một thế kỷ qua; 27 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp, 21 triệu trẻ em suy dinh dưỡng. Đợt khô hạn do El Nino kéo dài gần tháng 2 tháng đầu năm đã xóa bỏ phân nửa sản lượng thu hoạch tại nhiều nước trong vùng. Lesotho, Malawi, Namibia, Zambia và Zimbabwe đều phải ban bố tình trạng thảm họa quốc gia, trong khi nhiều khu vực của Mozambique hay Angola thì bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều gia đình ở vùng Nam Phi giờ chỉ ăn một bữa mỗi ngày từ rễ cây và trái nhặt hoang dã. Họ sẽ phải chờ vụ thu hoạch kế tiếp, chỉ đến sau nhiều tháng nữa. Himoonga, người đồng thời là tù trường bộ lạc, chán nản nói với phóng viên tờ The Guardian (Anh): “Chúng tôi không đủ tiền cho 3 bữa một ngày nữa. Thế mà gia đình tôi còn khá hơn mọi người đấy. Bạn không tưởng tượng nổi những gì diễn ra với người dân đâu. Mọi người đang chết đói”. WFP và Chính phủ Zambia không muốn đứng nhìn, nhưng chi phí ước tính để cứu trợ lương thực là 370 triệu USD và họ chỉ huy động nổi một phần năm con số đó.

Giải pháp nào cho châu Phi?

Đương nhiên, cứu châu Phi khỏi nạn đói chẳng phải nhiệm vụ bất khả thi. Các chuyên gia từ lâu đã nhìn thấy mối liên hệ mật thiết giữa an ninh lương thực và tình trạng đói nghèo ở châu Phi. Sản xuất lương thực có ý nghĩa tối quan trọng tại châu lục này, nơi nông nghiệp vẫn là kế sinh nhai chính. Theo báo cáo của Liên minh hành động khẩn cấp do LHQ thành lập, khoảng 76% dân số châu Phi được phân loại là nông dân. Tăng viện trợ nhân đạo, chấm dứt xung đột hay mọi hành động ngắn hạn khác đều sẽ thành vô nghĩa nếu không xử lý vấn đề quan trọng hàng đầu là phát triển nông nghiệp, tạo ra những nền kinh tế đủ năng lực tự cung, tự cấp.

Quan điểm này cũng được chia sẻ trong nhiều năm bởi giới cứu trợ quốc tế. Họ cho rằng sự phụ thuộc quá mức vào nguồn viện trợ lương thực phần nào làm suy yếu nỗ lực tự thân của châu Phi. Bên cạnh đó, các nước giàu cần cho thấy họ thật sự nghiêm túc trong việc xóa bỏ tình trạng mất an ninh lương thực tại châu Phi bằng việc giảm, thậm chí ngưng viện trợ lương thực trực tiếp, đồng thời tăng chuyển giao máy móc, phương tiện và kỹ thuật phát triển nông nghiệp. Điều này ban đầu có thể gây sốc nhưng là giải pháp dài hạn và trên thực tế cũng đã phát huy hiệu quả.

Minh chứng là Sáng kiến cải thiện tình trạng lương thực châu Phi (AIF) được thực hiện ở Rwanda cuối thập kỷ trước. Trong thời gian hoạt động, AIF đã chi 70 triệu USD, mua các giống ngô, cây trồng từ 24.000 hộ dân nhỏ với mức giá cố định. Họ bảo đảm nguồn thu nhập cho nông dân, qua đó duy trì vùng trồng trọt. Họ cũng hỗ trợ công nghệ cho hoạt động sản xuất từ trang trại cho tới nhà máy. Thống kê cho thấy chỉ một sáng kiến AIF trong phạm vi Rwanda đã giúp 2 triệu người tránh được tình trạng suy dinh dưỡng.

Khi những sáng kiến tương tự được nhân rộng ra toàn châu Phi, đó sẽ là giải pháp lâu dài giúp “lục địa đen” dần thoát khỏi mối đe dọa của nạn đói về lâu dài. Dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), The Guardian tin rằng có thể chỉ cần 5 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp để xử lý vấn đề nông nghiệp cho châu Phi. Viện trợ chính thức cho châu Phi hồi năm 2017 là 29 tỷ USD, phần lớn là lương thực trực tiếp. Con số này vẫn tăng đến tận bây giờ song nạn đói lại không bị đẩy lùi.

Muốn cứu châu Phi, cộng đồng quốc tế cần có một cách tiếp cận mới. Liên minh hành động khẩn cấp đã đưa ra 4 giải pháp cho vấn đề này, trong đó không hề có phương án viện trợ lương thực mà bao gồm thúc đẩy nông nghiệp bền vững, đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp - công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, bảo vệ môi trường thích ứng biến đổi khí hậu và cung cấp giải pháp giáo dục toàn dân.