Đã nghèo, lại khó

|

Trong báo cáo công bố trước cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), WB nêu rõ: 26 quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải đối mặt tình trạng nợ công ở mức cao nhất trong 18 năm qua.

Là nơi sinh sống của khoảng 40% số người nghèo toàn cầu, 26 nền kinh tế nghèo nhất thế giới mà WB khảo sát có thu nhập bình quân đầu người hằng năm dưới 1.145 USD, chủ yếu gồm các quốc gia nằm ở khu vực phía nam sa mạc Sahara thuộc châu Phi, từ Ethiopia đến CH Chad, Congo. Afghanistan ở Nam Á, Yemen ở Trung Đông cũng có tên trong danh sách.

Nhấn mạnh về tác động nghiêm trọng, dai dẳng của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu, WB nhận định các nước nghèo mới là “nạn nhân” chịu ảnh hưởng nặng nhất. Báo cáo nêu rõ, trong khi phần lớn thế giới cơ bản phục hồi, bắt đầu trở lại quỹ đạo tăng trưởng, thì các nước nghèo thậm chí còn nghèo hơn cả mức trung bình trước đại dịch.

Nguyên nhân được WB chỉ ra là “gánh nợ công” của những nền kinh tế nghèo mỗi ngày lại nặng thêm, kéo theo các nguồn đầu tư dành cho các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng... cạn dần. Hiện nợ công của nhóm quốc gia này ở mức trung bình 72% GDP, cao nhất kể từ năm 2006.

Trong khi đó, có tới hai phần ba trong số 26 nước nghèo mà WB kể tên đang trong tình trạng xung đột vũ trang, hoặc gặp khó khăn trong việc duy trì trật tự bởi tình trạng mong manh của thể chế và xã hội cản trở đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, khiến họ luôn trong tình trạng suy thoái kinh tế.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, các nước nghèo lại dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu. WB ước tính, trong hơn một thập niên vừa qua (2011-2023), thiên tai gây thiệt hại cho nhóm nước nghèo mỗi năm tương đương 2% GDP, gấp 5 lần mức tại các nước có thu nhập trung bình.

Báo cáo của WB đã vén màn che bức tranh ảm đạm về tình hình tài chính, cho thấy tình cảnh “đã nghèo còn mắc cái eo” của những nền kinh tế khó khăn nhất thế giới. Nhấn mạnh vai trò của hỗ trợ quốc tế, song WB cũng khuyến nghị các nước nghèo tự lực và hành động nhiều hơn, nâng cao hiệu quả các chính sách kinh tế và cân đối thu chi ngân sách.