Những người chơi chim ở phố cổ

|

Với những người đàn ông, việc nuôi và chơi chim là niềm đam mê. Khi loài chim cất tiếng gọi bầy, nhưng người nuôi chim theo đó cũng tìm đến với nhau vào ngày cuối tuần tại những quán cà-phê bên lề phố cổ Hội An.

Nhẫn nại với vật cưng

Trên con đường Trần Nhân Tông nối dài thuộc địa bàn phường Cẩm Châu (Hội An, Quảng Nam) những người đàn ông trong phố đến uống cà-phê và họ thường có chung một sở thích đó là nuôi chim và đem theo lồng chim của mình đi cùng.

“Trong giới nuôi chim, chúng tôi có những trao đổi về cách thức chăm nuôi, tìm kiếm thức ăn cho chim. Những quán cà-phê là địa điểm để chúng tôi gặp gỡ, học hỏi nhau về điều đó. Quán mà tôi hay đến đó là cà-phê trên đường Nguyễn Duy Hiệu, cà-phê đường Trần Nhân Tông hoặc cà-phê Trường Chim nằm cạnh bến xe bus Hội An”, anh Đỗ Văn Ánh cho biết.

Hiếm đô thị nào có nhiều điều kiện để nuôi chim như ở Hội An. Điều kiện tự nhiên là gần sông, gần cánh đồng, gần biển. Ở đây, có những chỗ đầm sình, cỏ dại mọc ngút ngàn dễ bắt cào cào - loại thức ăn ưa thích cho chim. Thứ nữa, người dân ở đây đa phần sống bằng dịch vụ du lịch nên thời gian trong ngày không quá gấp rút vào ca, tan sở nên họ có thể thu xếp thời gian cho công việc kiếm sống và nuôi dưỡng cảm xúc cho thú chơi một cách dễ dàng.

Nhưng những người nuôi chim, chơi chim, mỗi tuần cũng gặp nhau mấy buổi, họ có cùng quan điểm, tính cách không? Chủ quán cà-phê Trường Chim mỉm cười, cho hay: “Người nuôi và chơi chim có tính cách khác nhau dựa trên mục đích và quan điểm của họ về việc chăm sóc và tương tác với chim nhưng tất cả đều rất trách nhiệm”.

“Trách nhiệm với chim?”, thấy tôi thắc mắc, anh Phạm Văn Thắng, chủ một cặp chim họa mi, cho biết: “Trách nhiệm rất cao. Và kiên nhẫn trong việc chăm sóc chim, bởi vì nuôi loài vật này đòi hỏi sự chăm sóc và quan sát liên tục”.

Thì ra, yêu thương một loài vật không chỉ bởi lời nói. Thực tế, trong trưa nắng, hay ngày mưa vẫn đâu đó trên bãi cỏ vẫn có người đàn ông cầm vỏ chai nước lọc, chân xua, tay vồ bắt cào cào để đem về cho chim. Họ như những bảo mẫu tận tâm, tận tình, đầy lo lắng, không một lời chê trách. Nếu chẳng may vật nuôi bị làm sao, tự họ lại trách chính mình.

Một công việc không đem lại tiền bạc, tốn thời gian bắt mồi, lau rửa chuồng, tắm gội, chưa tính đến khoản tiền mua thức ăn, nhưng những người đàn ông vẫn chăm chút cho từng chiếc lồng một cách cần mẫn. “Họ dành nhiều thời gian và tình cảm để chăm sóc, huấn luyện và tương tác với chúng”, chủ quán cà-phê chim trên đường Trần Nhân Tông cho hay.

“Người nuôi chim thường có kiến thức chuyên môn về loài mà họ nuôi, bao gồm cách chăm sóc, dinh dưỡng và y tế. Họ thường có tính trầm tĩnh và kiên định, đặc biệt khi đối diện với các tình huống khó khăn trong việc nuôi dưỡng, luôn nhẫn nại tìm hiểu, học hỏi”, chủ cà-phê Trường Chim kết luận.

Nhiệt huyết của người chơi

Trong mỗi một lĩnh vực ăn hoặc chơi đều có một nhóm người tham gia và trong nhóm đó có người “mát tay”, có người vụng dại. Vậy trong nhóm người nuôi chim họ có đặc điểm chung thế nào? Chủ quán cà-phê chim Nguyễn Quang Bé cho biết: “Trong việc huấn luyện và thi đấu chim, chủ nuôi thường phải sáng tạo và linh hoạt để thích nghi với các tình huống khác nhau. Họ thường có tính cạnh tranh cao và quyết đoán trong việc tham gia các cuộc thi hoặc sự kiện chơi chim”.

Trong số những người nuôi chim lại có người nuôi thêm cả chó và anh Nguyễn Văn Vinh, ngụ đường Lý Thái Tổ (Hội An) là người như vậy. Anh Vinh cho biết: “Nuôi chó nhàn hơn, quấn quýt hơn với người. Mỗi sáng tôi đi tập thể dục trên cánh đồng là chó đi cùng, mỗi lần đi tắm biển chó cũng đi cùng nhưng đi uống cà-phê thì tôi lại đưa chim đi cùng. Cả hai đều đồng hành với tôi, đi đâu tôi cũng nhanh nhanh về nhà vì chúng nó”.

Với một số người, nỗi khổ đến từ vật nuôi mà niềm vui cũng từ vật nuôi. Phải đủ tình yêu và nhiệt huyết tỉa, vuốt để bộ lông chim mượt mà, tập dượt cho chim hót giọng dài, giọng luyến láy còn phụ thuộc vào thời gian cho chim ra ngoài nghe chim trời hót hoặc phải bật thiết bị điện tử phát tiếng kêu để chim nuôi nghe được và nhại giọng rồi đến một ngày đưa chim đi thi, đó là một quá trình dài nhưng phải yêu thì mới làm được.

Tôi có thu nhập đủ sống, tôi có dư thời gian để chơi, tôi có khuôn viên nhà đủ rộng và tôi muốn nuôi chim, tôi cần học hỏi điều gì? Chủ quán cà-phê chim Nguyễn Quang Bé hướng dẫn: “Những người nuôi thường có kỹ năng tốt trong việc quan sát và phân tích các đặc điểm của chim, từ hình dáng và mầu sắc đến cách chim tương tác với nhau. Để có kinh nghiệm, bạn phải gặp gỡ nhiều người nuôi mới nhận biết, học hỏi được nhanh”.