Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Ratings vừa công bố báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), cho thấy tỷ lệ trái phiếu chậm trả trong tháng 7 vẫn sẽ ở mức cao.
Chỉ tính riêng tuần đầu tháng 7/2024, có 9 doanh nghiệp thông báo chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu và thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu (chủ yếu là gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 12-24 tháng).
Trái phiếu bất động sản vẫn chiếm ưu thế
VIS Ratings cho biết, trong tổng số 5.400 tỷ đồng trái phiếu đến hạn chậm trả, có tới 5.200 trái phiếu rủi ro do các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản dân cư phát hành như Novaland, Nam Land, Big Gain, Đại Thịnh Phát và Kita Invest, và đều không trả lãi đúng hạn vào năm 2023.
Hai trái phiếu công bố chậm trả lần đầu phát hành bởi Công ty TNHH Đầu tư Big Gain và Công ty CP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành là 2.160 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty CP Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận chậm trả nợ gốc trị giá 2.080 tỷ đồng. Công ty hiện sở hữu dự án điện mặt trời Thiên Tân, dù đã phát điện lên lưới, công ty này lại bị trễ thời hạn hưởng giá điện ưu đãi. Với khoản lỗ ghi nhận năm 2023 là 242 tỷ đồng, chuyên gia dự báo công ty này có khả năng trả nợ yếu.
Tương tự, Công ty TNHH Đầu tư Big Gain đã hoàn trả 92% dư nợ gốc của lô trái phiếu chậm trả bằng cách hoán đổi tài sản như các khoản phải thu từ khoản cho vay và hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Trước đó, Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân cũng liên tục công bố việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản, điều kiện của các lô trái phiếu phát hành năm 2020, thời gian đáo hạn tháng 6 và tháng 7/2024. Tuy nhiên, các lô trái phiếu này đều đã được gia hạn thêm 1 năm, đáo hạn vào thời điểm tháng 6 và tháng 7/2025.
Việc liên tiếp xin giãn hạn thanh toán trái phiếu trong bối cảnh Bất động sản Vĩnh Xuân đứng trước áp lực trả nợ lớn và liên tục kinh doanh thua lỗ. Theo báo cáo tài chính năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận lỗ 19,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2022 chỉ lỗ 1,2 tỷ đồng; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 4,23 lần. Trong đó, dư nợ trái phiếu ở mức 1.000 tỷ đồng, chiếm gần 94% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp.
Nhắc đến cơ cấu nợ, giãn nợ không thể không đề cập tới đơn vị “quen mặt” là Tập đoàn Novaland. Doanh nghiệp vừa thông qua phương án tái cấu trúc lô trái phiếu chuyển đổi 300 triệu USD. Tính đến ngày 5/7, dư nợ gốc sau khi nhập lãi của phương án tái cấu trúc là 320,9 triệu USD. Thời hạn thanh toán được giãn tới tháng 6/2027 hoặc mua lại trước hạn.
Hồi cuối tháng 6 vừa qua, Novaland cũng được các trái chủ đồng ý gia hạn 8/17 lô trái phiếu NVL2020 với tổng trị giá phát hành gần 3.200 tỷ đồng. Sau khi đạt được thỏa thuận, kỳ hạn của lô trái phiếu này tăng lên 60 tháng, đáo hạn từ tháng 6-8/2025. Các công ty con của tập đoàn cũng đạt được những thỏa thuận khả quan tương tự.
Nhìn xa hơn, trong 12 tháng tới, VIS Ratings ước tính có khoảng 18% số trái phiếu đang lưu hành, tổng giá trị 207.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn. Trong đó, ước tính khoảng 27% trái phiếu có rủi ro không trả nợ được gốc đúng hạn, chủ yếu ở các ngành bất động sản dân cư và xây dựng; 65% là các trái phiếu đã chậm trả lãi trước đó.
Muôn kiểu xoay xở dòng tiền
Áp lực đáo hạn cùng với làn sóng chậm trả, giãn nợ TPDN đang lan rộng đòi hỏi các doanh nghiệp, nhất là nhóm bất động sản phải đẩy mạnh tái cấu trúc nợ, ưu tiên dòng tiền. Theo đó, nhiều đơn vị đã tìm đến thị trường chuyển nhượng, thoái vốn tại các dự án.
Đơn cử, đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty CP Bất động sản và đầu tư VRC diễn ra mới đây đã thông qua chủ trương cho công ty con là CTCP ADEC chuyển nhượng 1 phần hoặc toàn bộ diện tích đất đã đền bù tại Dự án Khu đô thị mới xã Nhơn Đức và Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh), dự kiến thu về ít nhất 747 tỷ đồng.
Trước đó, đại hội cổ đông thường niên 2024 của VRC cũng đã thông qua việc chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư ADC tại Quận 7 với giá không thấp hơn 800 tỷ đồng. Số tiền chuyển nhượng dự kiến để bổ sung nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của công ty, trong bối cảnh doanh nghiệp này không thể thanh toán 47,3 tỷ đồng nợ gốc lô trái phiếu ADECH2123001 (đáo hạn ngày 5/4/2024).
Thời gian gần đây, Tổng công ty CP Đầu tư phát triển Xây dựng (DIC Corp) cũng liên tục được nhắc đến với các thông tin về thoái vốn, chuyển nhượng dự án, giải thể công ty con. DIC Corp đã thông qua chủ trương thoái vốn tại DIC Anh Em và thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Cao-su Phú Riềng - Kratie cho nhà đầu tư có nhu cầu nhận chuyển nhượng, thời gian trước 30/9/2024.
Tương tự, Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình cũng mới thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại 2 công ty liên kết là Công ty CP Cơ khí và nhôm kính Anh Việt (tỷ lệ sở hữu 32,31%) và Công ty CP Kỹ thuật Jesco Hòa Bình (tỷ lệ sở hữu 47,82%).
Không nằm ngoài xu thế, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đã thông qua việc chuyển nhượng dự án nhà máy thủy điện Ia Grai 2 và nhà máy thủy điện Ayun Trung nhằm tái cơ cấu đầu tư với giá trị lần lượt 235 tỷ đồng và 380 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng cả hai dự án sẽ diễn ra trong quý II và III năm nay.
Thực tế, trong bối cảnh “sức khỏe” của nền kinh tế còn nhiều biến động, thách thức buộc các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ đều phải tái cơ cấu, cắt bớt những khoản đầu tư dàn trải, tính tới việc mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực nằm ngoài thế mạnh, hoặc tập trung dòng tiền về những sản phẩm đang có nhu cầu cao.
Ngoài nguồn vốn tài chính quen thuộc từ tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu hay phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán, việc bán bớt phần vốn góp tại các công ty con, công ty liên kết cũng là một trong những hoạt động giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền để thanh toán bớt nợ phải trả và phát triển kinh doanh.