Giúp nhau cùng tiến bộ
Mỗi chiều chủ nhật hằng tuần, ngày nắng cũng như ngày mưa, các học viên đều có mặt tại lớp học. Anh Nguyễn Xuân Khánh phụ trách lớp cho hay: Nhiều người khuyết tật rất nặng nhưng vẫn cố gắng đến lớp. Các học viên cũng giúp đỡ lẫn nhau, người khuyết tật nhẹ hỗ trợ người nặng hơn đưa đón bạn mình, như chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, (35 tuổi, quê Nghệ An) bị liệt từ ngực xuống chân, sức khỏe yếu, việc di chuyển đặc biệt khó khăn, chị không thể tự mình đẩy xe lăn lên được những bậc thềm cao nếu không có sự hỗ trợ. Hay anh Vũ Phong Kỳ (26 tuổi) cũng bị liệt, chân tay đều bị co quắp, chỉ có đôi bàn tay là có thể cầm bút viết và di chuyển con chuột máy tính. Anh phải nhờ người bế giúp nếu cần di chuyển...
Vất vả thế, nhưng buổi học nào cũng có tiếng cười, có thảo luận sôi nổi. Ban đầu lớp có hơn 10 học viên, mọi người truyền tai nhau nên hiện lớp đã có hơn 20 học viên khuyết tật góp mặt. Tại đây, học viên được phát giáo trình và giao tiếp trực tiếp với các giảng viên bản ngữ nhiệt tình. Sau ba tháng đi vào hoạt động, lớp học đã phổ cập cho các học viên những nội dung căn bản nhất. Bác Nguyễn Huy Kỳ, 77 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội Đông Y phường Nhân Chính cho biết: “Nhờ đi học mà được biết thêm về tiếng Anh. Những âm điệu, ngữ âm, đặt câu, viết bài văn miêu tả tôi có thể làm được. Những gì được học sẽ giúp tôi giao dịch trong công việc”.
Giảng viên người Đức, cô Michelle cho rằng: “Việc học tiếng Anh không khó, những người khuyết tật cần những người bạn và môi trường học hiệu quả. Mong muốn sau khi kết thúc khóa học, học viên sẽ dễ dàng tìm được việc làm phù hợp”. Ông Dương Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch Hội khuyết tật quận Thanh Xuân cho rằng: “Đây là những hoạt động cần nhân rộng ra để tất cả người khuyết tật đều có cơ hội được học tập và giao lưu. Mỗi người có những khiếm khuyết cơ thể khác nhau nhưng đều có quyền được học tập, nâng cao năng lực để không phụ thuộc vào xã hội”.
Học để hội nhập
Một học viên trong lớp - chị Hoàng Thị Thy (30 tuổi, quê Thái Bình) là giám đốc công ty về marketing online chia sẻ: “Một phụ nữ khuyết tật, phải ngồi xe lăn như tôi, cần phải có kiến thức để bù đắp những gì thiếu hụt của bản thân mình, có thể không tự đi trên đôi chân của mình nhưng tôi luôn tự tin về những kiến thức mình có. Việc dạy tiếng Anh cho người khuyết tật, tôi nghĩ đó sẽ là những tấm vé để cho tôi, cho họ có thể lên xe và thực hiện chuyến hành trình cuộc đời của mình”.
Còn ông Phạm Tuấn Kiệt, hội viên Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân chia sẻ, trước kia ông làm việc tại một ngân hàng nhưng sau khi bị bệnh dẫn đến liệt đôi chân. Hiện ông làm kế toán cho Hội người khuyết tật quận. Ông Kiệt cũng như những học viên khuyết tật khác, đều muốn tham gia học tập và lao động như những người bình thường khác, muốn được giúp đỡ, đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội, vì thế, đối với mọi người, việc nâng cao năng lực tiếng Anh là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Được biết, ngoài lớp học tiếng Anh, Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân còn tổ chức nhiều lớp học khác cho người khuyết tật như lớp học tin học văn phòng, lớp làm hoa... Theo ông Dương Ngọc Kiên, Hội nêu cao tiêu chí người biết dạy cho người không biết, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người khuyết tật. Với tinh thần đó, ngoài các lớp tập huấn, những chuyến tình nguyện, dã ngoại, giao lưu với người khuyết tật ở các quận khác cũng đã được tổ chức thường xuyên, nhân lên tình cảm, nghị lực trong những người vượt khó.