Vun đắp truyền thống hữu nghị
Long An có tuyến biên giới dài khoảng 133 km, cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (thị xã Kiến Tường), cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (huyện Đức Huệ); ba cửa khẩu phụ là Hưng Điền A, Long Khốt (huyện Vĩnh Hưng) và cửa khẩu Tân Hưng (huyện Tân Hưng); bảy lối mở. Nhiều năm qua mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hai tỉnh giáp biên Svay Rieng, Prey Veng (Campuchia) được tỉnh Long An quan tâm triển khai bằng những việc cụ thể như: hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao truyền thống, trao đổi đoàn, điện mừng nhân các ngày lễ, kỷ niệm, hiếu hỷ, Tết cổ truyền của hai dân tộc.
Năm 2018, Long An đón tiếp hơn 10 đoàn nước bạn sang thăm và làm việc, đồng thời tổ chức gần 40 đoàn của tỉnh sang các tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, thủ đô Phnom Penh dự Lễ hội tịch điền, dự Tết cổ truyền dân tộc Khmer... Tỉnh Long An hỗ trợ đào tạo cho 18 học viên Trung cấp Y tế cho tỉnh Svay Rieng. Bộ Chỉ huy Hiến binh hai tỉnh Svay Rieng, Prey Veng ký kết hợp tác Bộ CHQS tỉnh Long An, hỗ trợ Long An công tác quy tập mộ liệt sĩ hy sinh ở Campuchia. Mùa khô năm 2017 - 2018, Ban chỉ đạo 515 tỉnh Long An và Ban Hợp tác tỉnh Svay Rieng tổ chức lễ truy điệu và an táng 25 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam giai đoạn 17 mùa khô. Qua 17 giai đoạn (2001-2018), Đội K73 Long An đã tìm kiếm, cất bốc được 2.104 bộ hài cốt liệt sĩ, trong đó chỉ 159 hài cốt xác định được tên tuổi.
Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An, Trịnh Văn Xa cho biết: Những năm đầu sau giải phóng, thù trong giặc ngoài, thiên tai bão lụt, nhưng tỉnh Long An đã huy động hơn 10.000 quân dân, cùng nhiều lượng vật chất, phương tiện để giúp nhân dân Svay Rieng và một số tỉnh khác của Campuchia, đánh địch và xây dựng toàn diện. Trong số hàng nghìn quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia, Long An có một liệt sĩ được người dân Campuchia tưởng nhớ và xây dựng tượng để tri ân. Đó là anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ, quê huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 502, Mặt trận 779.
Ngày 1-9-1979, tại phum Chot, huyện RumDuol, tỉnh Svay Rieng, trung đội phó Nguyễn Văn Ngộ được tin báo người dân Campuchia bị chết trong bãi mìn do lính Pôn Pốt gài. Trung đội phó Nguyễn Văn Ngộ đã xung phong nhận nhiệm vụ cùng với một tổ vào bãi mìn để tìm cách đưa xác người dân ra an táng. Trong quá trình tiếp cận hiện trường, thấy một em bé bị thương đang kêu khóc, anh Ngộ đã không ngại nguy hiểm, dò gỡ mìn để tìm đường cứu em bé và đưa xác người dân ra ngoài. Sau khi tháo gỡ hơn 10 quả mìn, bất ngờ một quả phát nổ làm anh bị thương nặng. Tuy vậy, anh vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội tháo gỡ mìn, động viên chiến sĩ mau chóng đưa em bé đi cứu chữa, nhưng anh thì lại hy sinh vì vết thương quá nặng. Tiếc thương anh, nhân dân Campuchia và chính quyền địa phương nơi đơn vị làm nhiệm vụ đã dựng tượng để tưởng nhớ người anh hùng. Tượng đài có hình dáng một chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam bế trên tay một em bé Campuchia đang bị trọng thương. Tượng đài Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Ngộ nằm giữa trung tâm thị xã Svay Rieng và mỗi lần có dịp, đội ngũ sĩ quan hai tỉnh Long An - Svay Rieng đều thành kính dâng hương tưởng nhớ một chiến sĩ quê hương Long An đã ngã xuống vì đất nước Campuchia, góp phần vun đắp tình hữu nghị bền chặt giữa hai đất nước.
Tổ chức an táng 25 liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam giai đoạn 17 mùa khô.
Vì tương lai đoàn kết bền vững
Theo ông Đỗ Thanh Sơn, Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Long An: Trong 5 năm gần đây, Long An giúp hai tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, thành phố Phnom Penh xây dựng trường, cầu hữu nghị Việt Nam-Campuchia; đào tạo kỹ thuật nông nghiệp, hỗ trợ học bổng cho sinh viên người Campuchia gốc Việt Nam đến học tại Trường kinh tế Công nghiệp Long An; tổ chức các hoạt động từ thiện cứu trợ, khám phát thuốc miễn phí, tặng quà cho dân nghèo các xã biên giới… với kinh phí hơn 25 nghìn tỷ đồng. Các địa phương biên giới phối hợp thực hiện tốt thỏa thuận hợp tác với hai tỉnh giáp biên Svay Rieng và Prey Veng góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị cùng phát triển. Hai bên đã xác định, xây dựng được 41 vị trí bằng 45 cột mốc phân giới chính và hiện đang tiếp tục thực hiện tiếp những vị trí còn lại.
Trong sản xuất nông nghiệp, người dân Long An đã chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nước bạn sản xuất lúa tăng năng suất vượt trội. Theo Phó Chính trị viên Phạm Khắc Thụ, Đồn Biên phòng Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An), đơn vị thường xuyên phối hợp chính quyền xã Bình Thạnh vận động nông dân hỗ trợ người dân nước bạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, hỗ trợ lẫn nhau trong khai thác lợi thế của mỗi bên cùng phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài ra, đơn vị còn mở ra những con đường mòn để nông dân hai nước thuận lợi qua lại trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất. Chính nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật giúp người dân Campuchia tăng năng suất lúa từ 3 - 4 tấn lên 7 - 9 tấn/ha.
Ông Nek So Kha, ở xã ChanhTria, huyện ChanhTria (tỉnh Svay Rieng) cho biết: gia đình ông có 25 ha đất trồng 1 vụ lúa, năng suất rất thấp, sau khi được anh em xã Bình Thạnh (Long An) hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, ông Nek So Kha sản xuất đạt 5 - 6 tấn/ha, có khi đạt đến 8 tấn/ha.
Dọc tuyến biên giới vùng biên đi qua 20 xã đang phát triển hệ thống chợ khu vực đã và đang góp phần phát triển kinh tế biên mậu rất tốt. Kim ngạch xuất nhập khẩu khu vực biên giới theo hợp đồng thương mại đạt 5,56 triệu USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu 2,48 triệu USD, mặt hàng chủ yếu là điện năng, mút xốp, gạch. Kim ngạch nhập khẩu đạt 3,08 triệu USD, trong đó mặt hàng chủ yếu là điện máy, mốp xốp, thanh long, hộp cơm, túi xốp.
Các lực lượng chức năng bảo vệ biên giới tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ biên giới các tỉnh bạn trong việc giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ đường biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển. Long An và Svay Rieng và Prey Veng đang tô điểm thêm mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của hai đất nước, hai dân tộc.
Tỉnh cũng đề xuất việc nghiên cứu tổ chức cho công chức, học sinh, sinh viên tỉnh Long An sang các trường Đại học của Campuchia giao lưu, học tập, đào tạo, bồi dưỡng tiếng Khmer tạo nguồn nhân lực cho các huyện biên giới và các ngành chức năng của tỉnh; phối hợp với nước bạn trong việc phòng, chống dịch bệnh qua biên giới trên người. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với hai tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Campuchia về việc bảo vệ quyền trẻ em, phòng, chống buôn bán và bóc lột lao động trẻ em qua biên giới của Việt Nam và Campuchia.