Muốn trở lại nơi đèo cao, vực sâu, biển xa

|

Những bài báo đã từng đăng, những dòng chữ từng viết, có lẽ sẽ dần phai nhạt trong trí nhớ. Nhưng những chuyến đi đọng lại kỷ niệm đẹp trong mình.

1/Chuyến đi dọc con đê biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa trong tiết xuân mưa phùn lại là kỷ niệm khó quên trong lòng tôi.

Chuyến đi ấy bắt đầu vào một buổi sáng sớm, khi trời vẫn còn tờ mờ và mưa xuân nhẹ nhàng rơi xuống. Đường đê biển trải dài rồi cắt ngọt bởi cửa sông. Con đê cũng là con đường qua nhiều làng chài nhỏ, bên biển, bên cánh đồng. Mưa phùn nhẹ như những giọt nước mắt của trời. Ngư dân vẫn miệt mài với công việc thường nhật, khuôn mặt họ rạng rỡ sau một đêm ra khơi. Tại Thái Bình, chúng tôi quan sát ngoài đê lác đác nhà nhỏ, rồi hỏi người làm đồng, người chăn bò ven đê… họ kể về những ngôi nhà nhỏ ngoài kia. Rồi cuối cùng gặp ông trưởng thôn Hưng Đông Nam (Đông Long, Tiền Hải), ông gật đầu xác nhận về những chủ nhân trong ngôi nhà nhỏ đó. Họ là phụ nữ lỡ thì, họ quyết định sinh con rồi tìm một chỗ còn trống ngoài đê làm nhà tạm, để sống. Và họ đã sống ở đó khoảng 20 năm.

Ký sự “Những phận lẻ bên chân đê, ngọn sóng” là như vậy. Bây giờ, tình trạng này nhiều hơn, họ dùng tên gọi tây hơn là “single mom” - cho những người phụ nữ học thức, sống ở thành phố. Nhưng ngày đó tính đến nay cũng hơn 30 năm, cuộc sống còn nghèo khổ, lạc hậu, định kiến nhưng những phụ nữ đó họ đã “vượt qua” triền đê để sống cho chính họ.

Chuyến đi dọc con đê biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là chuyến đi mở hàng cho nhiều những chuyến khác, nhiều kỷ niệm khó quên.

2/Chuyến đi theo chiều dài biên giới Việt Nam - Trung Quốc trong gần một tháng trời vào mùa xuân. Nhiều đoạn đường biên giới trong chuyến đi này hầu như chưa có đường hoặc chỉ là đường mòn đi bộ tuần tra của bộ đội biên phòng. Có những chặng rất căng, càng đi càng cảm nhận như mình bị lạc, mệt mỏi, đói, khát và cũng là lúc mâu thuẫn bộc phát… Sau này, nghiệm lại, chuyến đi ấy mãi là một chuyến đi đẹp đẽ, ấn tượng trong lòng tôi. Ấn tượng về biên giới, những dòng suối trong veo vắt qua từng khe núi, từng thửa ruộng, như những dải lụa bạc mềm mại, tạo nên một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, thanh bình.

Qua Lạng Sơn, chúng tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản làng của người Dao, người Tày. Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến Cao Bằng, nơi có những thắng cảnh nổi tiếng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao… cảnh quan càng trở nên hùng vĩ hơn với những đèo quanh co, núi đá vôi trắng xóa. Hà Giang, là nơi để lại nhiều kỷ niệm, người H’Mông ở đây vẫn sống giản dị, chăm chỉ lao động, dù đất đai khô cằn, đá lô nhô, nhưng họ luôn tìm cách để làm nương rẫy, trồng trọt và nuôi sống gia đình.

Họ là những người dân chất phác, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng luôn lạc quan, yêu đời. Họ kể về nương rẫy, về cuộc sống hằng ngày mà họ phải đối mặt. Nhưng họ không phàn nàn. Những khó khăn ấy đã rèn luyện cho họ tinh thần lao động, ý chí mạnh mẽ và tình yêu sâu đậm với mảnh đất biên giới quê hương.

Kết thúc chuyến đi, hiểu thêm, hiểu hơn về cuộc sống và con người nơi biên giới. Một chuyến đi không chỉ để khám phá mà còn để cảm nhận và trân trọng người biên cương, nhìn thấy họ khó khăn vất vả nhưng không bao giờ nghe họ kể khổ, kể khó khăn.

3/Chuyến đi ra khơi vùng Nam Côn Sơn cùng tàu đánh cá của ngư dân là một hành trình khác biệt. Gần một tháng lênh đênh trên biển, tôi phải làm quen với cuộc sống không giống như tôi từng sống trước đây. Tôi phải tập thích nghi với việc tắm, giặt, và thậm chí đánh răng, rửa mặt bằng nước biển mặn. Cảm giác mặn chát của nước biển thấm vào từng thớ thịt, từng sợi tóc, là một thử thách không nhỏ.

Một trong những thử thách lớn nhất chính là việc đi vệ sinh bên mạn thuyền. Mỗi lần thực hiện công việc này, tôi phải giữ thăng bằng trên con tàu chòng chành, không để mình rơi xuống biển. Ban đầu, cảm giác sợ hãi và khó chịu khiến tôi khó thích nghi, nhưng rồi dần dần, tôi cũng học cách vượt qua.

Trên tàu, không có sóng điện thoại, không có internet. Thời gian như ngừng lại, đóng khung trong không gian chật hẹp của con tàu. Ngày cũng như đêm, cảm giác như một tù nhân bị cách ly với thế giới bên ngoài. Nhưng bù lại, bữa nào cũng hải sản tươi, ngon. Tuy nhiên, cũng chính trong những khoảnh khắc đó, tôi mới thật sự hiểu và cảm nhận được cuộc sống của người ngư dân, họ luôn giữ vững tinh thần và niềm vui với công việc, những giá trị cuộc sống, tình cảm gia đình và tình người.

Khi chuyến hành trình kết thúc, trở về với đất liền, khi ngả lưng xuống chiếu cũng là lúc toàn thân lắc lư say sóng. Ngư trường đã nhập vào tôi, khơi Nam Côn Sơn kêu tôi bỏ nghề báo, theo nghề đánh cá.

4/Tuy nhiên chuyến đi mà tôi sợ chết nhất, đó là chuyến đi cùng Trưởng ban Thời Nay lên Mường Tè (Lai Châu), rồi đi bộ vào sâu trong cánh rừng đến bản định cư cho người La Hủ.

Ăn xong bữa cơm trưa tại Đồn Biên phòng xã Mường Tè, chúng tôi “được mời” lên chiếc xe công nông chở đầy ắp đá 1-2, chạy trên con đường vừa mới san gạt. Trên thùng xe chật kín công nhân, bộ đội biên phòng và chúng tôi. Má ơi, chông chênh trên nóc thùng, nhìn xuống là vực sâu hun hút. Xe mà rệ chỗ nào thì toàn bộ thùng sẽ bị dốc ben luôn. Ấy nhưng, ngồi trên xe đó không ai cầu nguyện an toàn mà toàn nói điều xui xẻo, kể chuyện hôm qua về một chiếc xe công nông lao xuống vực, mới kéo được người lên, xe vẫn nằm nguyên hiện trường.

Nhưng, chiếc xe chúng tôi ngồi đã phải dừng lại vì đoạn đường bị cắt làm đôi, ở đó họ muốn gia cố một cống ngầm. Hú hồn, đi bộ 4 tiếng mới vào đến bản, mệt nhưng thoát chết, vui hơn.

Bây giờ, tôi vẫn ước ao trở lại nơi ấy. Hẳn, ở đó đã nhiều đổi thay. Nhưng đó là một chuyến đi ngắn nhưng khó quên.