Tỉnh táo trước cơn sốt vé âm nhạc

|

Khi ánh đèn sân khấu chưa kịp sáng lên cho các chương trình âm nhạc đình đám như “Anh trai vượt ngàn chông gai” hay “Anh trai say Hi”, nhiều người hâm mộ đã rơi vào vòng xoáy của một “cuộc chiến” khác - cuộc chiến săn vé. Những chiếc vé giờ đây trở thành mục tiêu của hàng loạt chiêu trò lừa đảo.

“Bình cũ, rượu mới”

Ngay sau khi mở bán vé vào ngày 7/11 cho chương trình “Anh trai say Hi” và ngày 12/11 cho chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, hàng chục nghìn chiếc vé đã được bán hết chỉ trong 40 phút, thậm chí, trang web của nền tảng Ticketbox (đơn vị được ủy nhiệm bán vé) đã có lúc “sập” đã cho thấy sức hút của 2 chương trình lớn đến nhường nào. Số lượng chỗ ngồi và vé bán ra lại có hạn khiến nhiều người đã không thể mua những tấm vé từ trang chủ. Hàng chục nghìn vé bán hết trong tích tắc khiến nhiều người phải tìm đến dịch vụ săn vé hộ - nơi những lời hứa suông được đánh bóng bằng sự chuyên nghiệp giả tạo.

Giá của dịch vụ này sẽ bao gồm cả tiền vé và công “săn”, trung bình sẽ chênh từ vài trăm đến vài triệu đồng so giá gốc. Công thức của chiêu trò này rất đơn giản: lợi dụng nhu cầu lớn, thời gian eo hẹp của người mua, yêu cầu chuyển tiền trước để “Bảo đảm giao dịch”. Những lời hứa hẹn không có cơ sở ấy liên tục tái hiện từ chương trình này sang chương trình khác, nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận ra.

Bạn T.N.T (28 tuổi, Hà Nội) là một trong những nạn nhân của loại hình lừa đảo này. Với hy vọng có được 6 tấm vé xem “Anh trai vượt ngàn chông gai”, T. chuyển khoản 14,6 triệu đồng cho một tài khoản nhận săn vé có tên Nguyen Phuong. Nhưng ngay khi nhận tiền, kẻ lừa đảo đã chặn liên lạc, để lại cô không vé, không tiền, chỉ còn nỗi cay đắng.

Chiếc bẫy từ những chiếc vé điện tử

Khi công nghệ phát triển, hình thức vé điện tử với mã QR độc quyền trở thành tiêu chuẩn mới. Nhưng chính điều này cũng mở ra cánh cửa cho những trò lừa đảo tinh vi hơn. Nhiều đối tượng tận dụng một mã QR bán cho nhiều người. Giờ đây, chiêu thức này vẫn được sử dụng.

Háo hức mong chờ tham gia đêm hội âm nhạc này nhưng không mua được vé, L.T.K.L (Hà Nội) đã tìm đến nhóm “Trao đổi, mua bán, pass vé Anh trai vượt ngàn chông gai” trên Facebook và gặp được Ngân Linh, người tự nhận là phe vé và có vé muốn bán lại. K.L đã cẩn thận kiểm tra độ uy tín của trang cá nhân trước khi giao dịch, tuy nhiên đối tượng lại vòng vo, ép vào tâm lý nhanh tay thì còn, nhận giao dịch trực tiếp nhưng khi K.L đến nơi thì đối tượng đã chặn liên hệ và biến mất. Số tiền K.L bị lừa là 2,4 triệu đồng cho 2 tấm vé.

Nếu như trước đây, phe vé chỉ hoạt động quanh cổng sự kiện, thì nay chúng đã mở rộng địa bàn lên không gian mạng. Các tài khoản Facebook hay Zalo giả mạo, được tạo dựng rất bài bản, làm mờ đi sự cảnh giác của người mua. Những hội nhóm như “Trao đổi, mua bán vé Anh trai vượt ngàn chông gai” tràn ngập những bài đăng rao bán, nhưng nhiều trong số đó chỉ là chiếc bẫy. Người mua, bị áp lực bởi những lời thúc giục “mua nhanh kẻo hết” với hình ảnh cả trăm người hỏi mua, thường dễ dàng mắc lừa.

Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Công ty luật TAT Law Firm), tại điều 174 Bộ luật Hình sự, tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân tùy vào số tiền và mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Hình phạt bổ sung có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hậu quả lớn hơn mất của

Sức nóng của hai chương trình âm nhạc sắp diễn ra không chỉ đến từ những tên tuổi nổi tiếng mà còn nhờ vào sự chỉn chu, mới mẻ trong âm nhạc. Sự săn đón vé xem của công chúng thể hiện khán giả Việt đang ngày càng hứng thú và ủng hộ âm nhạc nước nhà thay vì chạy theo những chương trình âm nhạc quốc tế.

Tuy nhiên, chỉ cần một lần mua vé từ những đối tượng phe vé tức là đã gián tiếp ủng hộ nạn phe vé, vô tình tạo ra nhu cầu cho thị trường ngầm này. Điều đó không chỉ làm tăng giá vé, mà còn khiến vé chính thức ngày càng khó tiếp cận hơn. Hậu quả là niềm tin bị bào mòn, còn những khán giả thật sự yêu nhạc thì phải chịu thiệt thòi.

Đa số nạn nhân của các vụ lừa đảo do phe vé này đều rơi vào bế tắc trong việc lấy lại được tiền từ các đối tượng lừa đảo. Vậy nên khi thấy dấu hiệu lừa đảo, việc đầu tiên và quan trọng nhất là người bị hại phải nhanh chóng thu thập toàn bộ bằng chứng liên quan như nội dung tin nhắn, số điện thoại, thông tin giao dịch ngân hàng... Đây là những căn cứ để trình báo với cơ quan chức năng, tăng khả năng truy tìm kẻ lừa đảo và thu hồi lại số tiền đã mất.

Để tránh “tiền mất tật mang”, hãy luôn cảnh giác với những lời mời chào giá vé quá rẻ, không rõ nguồn gốc hoặc yêu cầu thanh toán trước. Đừng vội vàng chuyển tiền nếu chưa chắc chắn về tính xác thực của giao dịch. Hãy ưu tiên các hình thức thanh toán, giao dịch trực tiếp có thể xác định được sự uy tín của tấm vé. Đừng để niềm đam mê trở thành nỗi ám ảnh với nạn lừa đảo tràn lan.