Từ những dòng chữ trên đất

|

Hơn 30 năm trước, Pa Nang (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là xã “trắng” về giáo dục, không trường lớp, không học sinh, không thầy, cô giáo mặc dù có hàng trăm hộ đồng bào Vân Kiều sinh sống với hàng nghìn người dân. Trong đó có các em trong độ tuổi đến trường.

Ông Lê Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang cho hay: Trước tình hình đó, đầu năm 1992 Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hướng Hóa (trước đây xã Pa Nang thuộc huyện Hướng Hóa) đã xã hội hóa giáo dục và mạnh dạn thực hiện chính sách “Lấy người biết chữ dạy cho người không biết chữ”.

Những người thầy đầu tiên

Với những thông tin từ cuốn lịch sử truyền thống Trường THCS Pa Nang, chúng tôi tìm gặp những người thầy đầu tiên gieo chữ trên mảnh đất biên giới này, đó là những thầy giáo dân tộc Vân Kiều.

Men theo con đường nhỏ, chúng tôi đến nhà ông Hồ Văn Ốt, cán bộ hưu trí, nguyên Chủ tịch UBND xã Pa Nang. Nay ông Ốt sống tại bản Ra Lây, ông là 1 trong 5 người thầy đầu tiên ở bản làng Vân Kiều từ năm 1992. Ông bùi ngùi nhớ lại, trước đây Pa Nang là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện, gần 100% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, chủ yếu dựa vào nương rẫy.

Những năm 1992, ông Ốt chia sẻ: “Cái chữ lúc này đối với người dân còn quá mông lung. Học chữ để làm gì? Biết chữ để làm gì khi ăn còn chưa đủ? Đó là một trong những thách thức lớn. Phòng GD&ĐT Hướng Hóa đã mở các lớp xóa mù chữ đầu tiên trên địa bàn xã. Thời điểm đó có 5 đồng chí là người dân địa phương, tình nguyện tham gia là tôi và các đồng chí Hồ Thanh Lơng, Hồ Tu Rơ, Hồ Quốc Việt, Hồ Văn Vang. Cán bộ xã được Phòng “lấy” đi dạy học”.

Ông Hồ Quốc Việt ở thôn Ra Lây khi đó vừa là cán bộ xã vừa là giáo viên vùng bản. Ông trầm trồ: “30 năm trước điều kiện còn khó khăn nên việc dạy học cũng đơn giản. Người biết chữ dạy cho người không biết chữ, không giáo án hay bất cứ thứ gì tương tự. Dạy chữ cái, viết tên người, tên bản làng… Cứ từ từ như thế rồi có người biết chữ như mình, họ sẽ dạy cho người khác cách viết chữ”.

Chia sẻ về những ngày đầu, ông Việt cho hay, ngay từ khi mới ra đời, giáo dục Pa Nang đã gặp phải nhiều khó khăn, thầy ít nên phải gom học trò lại, đường đi thì khó, bản làng còn những hủ tục lạc hậu, nhiều học sinh học chưa nhớ hết chữ bỏ học để đi lấy chồng, lấy vợ. Cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn vô cùng, địa hình phức tạp khiến giáo dục Pa Nang tưởng chừng như rơi vào bế tắc. Năm 1997, huyện Đakrông được thành lập sau khi sáp nhập một số xã của huyện Hướng Hóa và huyện Triệu Phong. Bằng những gì có sẵn và sự hỗ trợ tích cực của Phòng GD&ĐT, với tinh thần lao động hăng say của thầy và trò cùng nhân dân xã Pa Nang, các lớp được đặt tại các thôn, bản khác nhau. Giáo dục Pa Nang từng bước khởi sắc, năm học 1996-1997 Trường tiểu học Pa Nang được thành lập, đi vào hoạt động với những học sinh đầu tiên vào lớp 1.

Giờ thể dục của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang.

Nỗ lực vì giáo dục vùng khó

Trước khi có bút vở, bảng phấn…, chúng tôi tìm mọi cách để bày cho dân mình biết chữ, ông Hồ Thanh Lơng, người thầy đầu tiên của Pa Nang, nguyên Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Chúng tôi dùng than để viết chữ, dùng lá cây chà lên gỗ để viết, chúng tôi dùng que củi viết lên đất… Làm mọi cách để cho con em học chữ. Không biết chữ thì không đọc được thông tin, mù chữ thường đi đôi với cái dốt. Mà dốt chắc chắn sẽ nghèo đói.

Từ những dòng chữ trên đất đến trang vở, trang giáo án. Nỗ lực ấy đã được đền đáp bằng thành quả 19 năm liền (từ 2005-2024) xã Pa Nang được công nhận là xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục đúng độ tuổi và phổ cập THCS.

Theo chân ông Hồ Văn Bun, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Nang đi hầu hết những mái trường trong xã. Ông Bun là thế hệ học trò đầu tiên của thầy Lơng. Mỗi năm trôi qua cuộc sống lại có thêm sự đổi thay, Pa Nang khoác trên mình diện mạo mới: kinh tế- xã hội có những bước phát triển đáng kể, chính vì vậy mà giáo dục cũng có những bước chuyển mình thật ý nghĩa. Ông Bun cho hay, những ngày đầu mới thành lập xã, với bao bộn bề khó khăn vất vả, chính quyền và nhân dân Pa Nang chung tay phát triển kinh tế-xã hội. Về giáo dục cũng vậy, sơ khai ban đầu là những phòng học tranh, tre, nứa, lá nay đã được kiên cố hóa phần nào, tuy nhiên trường vẫn phải hoạt động chung với cấp tiểu học. Trong khi đó nhu cầu học chữ của con em ngày một nâng cao, các em đến trường ngày càng đông hơn. Từ yêu cầu phát triển giáo dục trên địa bàn xã Pa Nang trong năm học 2008-2009 và những năm tiếp theo, huyện Đakrông đã tách Trường tiểu học và THCS Pa Nang thành hai trường riêng.

Ông Lê Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang phấn khởi: Sau hơn 15 năm, trường mang trên mình diện mạo mới: Trường học khang trang hơn, cơ sở vật chất được đầu tư tương đối đầy đủ hơn, học sinh đến trường ngày một đông hơn… Chất lượng giáo dục chuyển biến rõ rệt. Ông Tùng cũng không quên nhắc về những người đi trước đặt nền móng cho giáo dục Pa Nang hôm nay, ông chia sẻ với lòng biết ơn thế hệ đi trước.

Trong chăn ấm, nệm êm

Cũng như giáo viên các vùng bản khác, các thầy, cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Nang bằng mọi giá để vận động học sinh đến trường. Thầy Trần Khương Phú Triệu, người thành phố Đông Hà trở thành giáo viên cắm bản hơn 10 năm nay chia sẻ: Thường trước khi bước vào năm học mới giáo viên chúng tôi tập trung sớm hơn thường lệ để đi nhắc nhở, vận động học sinh trở lại trường đúng năm học. Một mùa hè phần nào khiến các em quen với môi trường sinh hoạt tự do, có em không muốn trở lại trường. Cũng may trường học tập trung theo chế độ bán trú nên giáo viên cũng đỡ vất vả hơn nhiều, học sinh cũng an toàn, có thời gian học tập.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm về những vui mừng nhưng không khỏi âu lo đối với môi trường học sinh bán trú: Là mô hình trường bán trú, các em học sinh ở xa phải ở lại tại trường để học tập, có em cả tháng không về nhà, bố mẹ thì giao thẳng cho thầy, vì vậy thầy vừa là cha mẹ, vừa là bạn, vừa là thầy (chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng, dạy dỗ).

Với mô hình trường bán trú, các em học sinh trên địa bàn xã khắc phục được khó khăn bởi giao thông đi lại, nhất là mùa mưa bão, trong điều kiện bán trú, học sinh yên tâm học hành và có sự kèm cặp của giáo viên. Ông Tùng cho hay: Từ năm học 2008-2009 nhà trường đã bắt đầu thực hiện mô hình “Bán trú dân nuôi”. Năm 2013 thực hiện chế độ theo tiêu chuẩn Trường Phổ thông dân tộc bán trú. Các em được hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước gồm 40% mức lương cơ sở hỗ trợ tiền ăn/tháng/học sinh và 15 kg gạo/tháng/học sinh để tổ chức bếp ăn tập thể cho học sinh. Năm học 2024-2025, toàn trường có 334 học sinh trong đó có 119 em học sinh bán trú. Từ phòng ở tạm bợ, chật chội, xuống cấp nay đã được đầu tư xây dựng khang trang, thoáng mát, đầy đủ vật dụng tiện nghi.

Chủ trương nhân văn đã đi vào cuộc sống, phù hợp thực tiễn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, tác động tích cực tới kết quả học tập của các em, đã tháo gỡ được khó khăn tồn tại bao năm qua, mở ra hướng đi đúng đắn trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng toàn diện của nhà trường, nâng cao hiệu quả giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt là việc bảo vệ an ninh trật tự, những năm đầu mới đưa các em về ở bán trú tại trường, buổi tối thường có các đối tượng thanh niên đến khu bán trú trêu chọc học sinh, nhất là học sinh nữ , nhiều đêm các thầy thức trắng để bảo vệ các em, các cô có khi phải ngủ cùng với các em. Tất cả vì tình yêu thương, sự tận tụy, tâm huyết với nghề, các thầy cô đã không quản ngại khó khăn, vất vả.